Muốn tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào nhiều ứng dụng trên iPhone cùng các sản phẩm khác của mình, Apple đang đàm phán với hai đối thủ ở Mỹ và một gã khổng lồ internet Trung Quốc để biến điều đó thành hiện thực.
Tờ Wall Street Journal đưa tin Apple đang thảo luận sớm với Baidu, tập đoàn sở hữu công cụ tìm kiếm phổ biến nhất Trung Quốc, để đưa mô hình ngôn ngữ lớn Ernie lên iPhone ở Trung Quốc, qua đó tuân thủ luật pháp địa phương.
Tại Trung Quốc, một quy định từ tháng 8.2023 yêu cầu tất cả mô hình ngôn ngữ lớn phải được các cơ quan quản lý xem xét kỹ lưỡng và Ernie đã được phê duyệt.
Theo Wall Street Journal, Apple đang thảo luận với Google và OpenAI về AI để cung cấp sức mạnh cho các thiết bị của mình trên toàn thế giới.
Apple đang đàm phán để tích hợp bộ mô hình ngôn ngữ lớn Gemini của Google vào iPhone. Hai gã khổng lồ công nghệ đang tích cực đàm phán để Apple được phép sử dụng Gemini đưa một số tính năng mới lên phần mềm iPhone trong năm nay.
Ngoài ra, Apple gần đây còn tổ chức các cuộc thảo luận với OpenAI và cân nhắc sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn GPT của công ty này.
Nếu thành hiện thực, thỏa thuận giữa Apple và Google sẽ được xây dựng dựa trên quan hệ đối tác tìm kiếm giữa hai công ty bấy lâu nay. Nhiều năm qua, Google đã trả cho Apple hàng tỉ USD mỗi năm để biến công cụ tìm kiếm của họ trở thành tùy chọn mặc định trong trình duyệt web Safari trên iPhone và các thiết bị khác. Theo nguồn tin của Bloomberg, hai bên vẫn chưa quyết định các điều khoản và thương hiệu của thỏa thuận AI hoặc hoàn thiện cách thức triển khai nó.
Một thỏa thuận sẽ mang lại cho Gemini lợi thế quan trọng với hàng tỉ người dùng tiềm năng. Thế nhưng, điều này cũng có thể là dấu hiệu cho thấy Apple không tiến xa với những nỗ lực AI của mình như một số người kỳ vọng và cả hai công ty có nguy cơ chịu thêm sự giám sát chống độc quyền.
Theo Wall Street Journal, Apple đã đầu tư xây dựng công nghệ AI của riêng mình để thúc đẩy các ứng dụng như Siri, chỉnh sửa ảnh và email.
Kể từ đầu năm ngoái, Apple đã thử nghiệm mô hình ngôn ngữ lớn có tên mã Ajax. Một số nhân viên cũng đang dùng thử chatbot cơ bản Apple GPT. Tuy nhiên theo nguồn tin từ trang Bloomberg, công nghệ của Apple vẫn kém hơn so với các công cụ AI từ Google và các đối thủ khác, khiến mối quan hệ hợp tác có vẻ là lựa chọn tốt hơn.
Thỏa thuận với Apple nếu xảy ra sẽ là mối quan hệ đối tác cao cấp nhất của Google với Gemini cho đến nay và có thể là đòn bẩy quan trọng cho các nỗ lực AI của gã khổng lồ tìm kiếm internet. Apple có hơn 2 tỉ thiết bị đang được sử dụng và có khả năng trở thành nơi lưu trú của Gemini cuối năm 2024.
Dù các cuộc đàm phán giữa Apple và Google vẫn đang diễn ra nhưng khó có khả năng bất kỳ thỏa thuận nào sẽ được công bố trước tháng 6, khi nhà sản xuất iPhone dự định tổ chức hội nghị các nhà phát triển toàn cầu hàng năm. Có thể hai công ty không đạt được thỏa thuận hoặc cuối cùng Apple chọn hợp tác với một nhà cung cấp AI tạo sinh khác, chẳng hạn OpenAI.
Về mặt lý thuyết, Apple có thể hợp tác với nhiều đối tác, giống cách hãng làm với tính năng tìm kiếm trong trình duyệt web của mình. Một nhà cung cấp AI tạo sinh khác nổi bật khác là Anthropic, với chatbot Claude.
Gemini đã thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhưng cũng gây tranh cãi. Tháng trước, người dùng phát hiện ra rằng hệ thống này đôi khi xử lý không chính xác chủng tộc của các cá nhân được mô tả trong hình ảnh do AI tạo ra. Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google, gọi vấn đề này là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và việc tạo hình ảnh đã bị tạm dừng.
Giữa tháng tháng 1, Samsung Electronics đã tung ra smartphone Galaxy S24, Galaxy S24+ và Galaxy S24 Ultra có các tính năng AI do Gemini cung cấp.
Cuối tháng 1, chi nhánh Samsung Electronics ở Trung Quốc và Baidu AI Cloud đã công bố quan hệ đối tác chiến lược. Theo đó, dòng Galaxy S24 được Samsung Electronics giới thiệu tại Trung Quốc vào ngày 25.1 (một tuần sau khi ra mắt ở Mỹ) sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn Ernie và công cụ tìm kiếm của Baidu để hỗ trợ các chức năng AI trên máy. Cụ thể hơn, tính năng Circle to Search cho phép người dùng ở Trung Quốc tìm kiếm văn bản, hình ảnh hoặc video bằng cử chỉ tay với kết quả do Baidu cung cấp.
Theo Baidu, Ernie cũng sẽ giúp người dùng dịch và tóm tắt văn bản cũng như phiên âm lời nói bằng nhiều ngôn ngữ thông qua chức năng Note Assistant.
Nhiều chức năng trong số đó, được thiết kế riêng cho thị trường Trung Quốc, phản ảnh các tính năng do mô hình ngôn ngữ lớn Google Gemini cung cấp cho phiên bản quốc tế của dòng Galaxy S24.
Ở những nơi khác ngoài Trung Quốc, Samsung Electronics đã khai thác mô hình ngôn ngữ lớn Gemini để cung cấp sức mạnh cho dòng smartphone AI mới theo mối quan hệ đối tác kéo dài nhiều năm với Google. Tại Trung Quốc, cả hai mô hình ngôn ngữ lớn của Google và OpenAI đều không khả dụng, khiến tập đoàn Hàn Quốc phải dựa vào đối tác AI trong nước này để duy trì khả năng cạnh tranh của dòng Galaxy S24 với đối thủ địa phương.
Apple đã đến với thị trường AI tương đối muộn và Giám đốc điều hành Tim Cook cho biết công ty sẽ tiết lộ kế hoạch AI của mình vào cuối năm 2024.
Trong khi đó, OpenAI cùng các công ty AI khác đã phát hành chatbot của họ và đang cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư.
Microsoft đã thực hiện một nỗ lực lớn khi mời Mustafa Suleyman (người sáng lập DeepMind) về điều hành bộ phận AI của mình sau khi nỗ lực thuê Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) trước đó không thành công.
Tim Cook đang ở Trung Quốc để củng cố cam kết của mình với đất nước hơn 1,4 tỉ dân. Doanh số iPhone đang sụt giảm ở Trung Quốc do nền kinh tế tăng trưởng chậm, lệnh cấm nhân viên cơ quan nhà nước sử dụng thiết bị Apple và sự trỗi dậy của nhà sản xuất smartphone Huawei.
Tim Cook vừa dự lễ khai trương một cửa hàng Apple mới ở thành phố Thượng Hải và đang tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, nơi các lãnh đạo doanh nghiệp gặp gỡ các nhà hoạch định chính sách địa phương.
Trong khi Tim Cook đi vắng, Apple gặp phải rắc rối lớn ở quê nhà Mỹ: Một vụ kiện chống độc quyền sâu rộng từ Bộ Tư pháp.
Bộ Tư pháp Mỹ, 15 bang và quận Columbia cáo buộc Apple độc quyền bất hợp pháp thị trường smartphone thông qua các hạn chế với các nhà phát triển ứng dụng nhằm hạn chế sự lựa chọn và đổi mới, khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn.
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Apple ngăn chặn các công nghệ có thể làm tăng sự cạnh tranh giữa các smartphone trong 5 lĩnh vực gồm siêu ứng dụng, ứng dụng chơi game trực tuyến trên nền tảng đám mây, ứng dụng nhắn tin, đồng hồ thông minh và ví kỹ thuật số.
Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Apple đã sử dụng quyền lực của mình trong việc phân phối ứng dụng trên iPhone để ngăn cản những đổi mới có thể giúp người tiêu dùng chuyển đổi điện thoại dễ dàng hơn.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Apple đã từ chối hỗ trợ các ứng dụng nhắn tin đa nền tảng, ví kỹ thuật số hạn chế của bên thứ ba và đồng hồ thông minh không phải của công ty, đồng thời chặn các ứng dụng game phát trực tuyến trên nền tảng đám mây.
Theo tờ New York Times, đơn kiện từ Bộ Tư pháp Mỹ là kết quả sau nhiều năm giám sát danh mục thiết bị và dịch vụ của Apple. Thay vì chỉ tập trung vào App Store như châu Âu, chính phủ Mỹ nhắm đến toàn bộ hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ của Apple, với trọng tâm là iPhone.
Apple đáp trả vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ bằng cách gọi đó là “sai lầm về thực tế và pháp luật”. Công ty cảnh báo rằng hành động này sẽ “đặt ra một tiền lệ nguy hiểm, trao quyền cho chính phủ can thiệp sâu vào việc thiết kế công nghệ của con người” và tuyên bố sẽ “mạnh mẽ chống lại nó”.
“Tại Apple, chúng tôi đổi mới mỗi ngày để tạo ra công nghệ mà nhiều người yêu thích, thiết kế các sản phẩm hoạt động liền mạch với nhau, bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của người dùng, đồng thời tạo ra trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng của chúng tôi. Vụ kiện này đe dọa bản sắc của chúng tôi và các nguyên tắc khiến sản phẩm của Apple khác biệt trên các thị trường cạnh tranh khốc liệt", công ty cho biết trong một tuyên bố.