Trung Quốc hôm 2.1.2024 kêu gọi Hà Lan “tôn trọng các nguyên tắc thị trường”, một ngày sau khi ASML cho biết chính phủ quốc gia châu Âu này đã thu hồi giấy phép xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip của hãng sang Trung Quốc.
Thế giới số

Bắc Kinh lên tiếng khi Hà Lan ngăn ASML bán một số thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc

Sơn Vân 19:21 02/01/2024

Trung Quốc hôm 2.1.2024 kêu gọi Hà Lan “tôn trọng các nguyên tắc thị trường”, một ngày sau khi ASML cho biết chính phủ quốc gia châu Âu này đã thu hồi giấy phép xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip của hãng sang Trung Quốc.

ASML, công ty có trụ sở ở thành phố Veldhoven (Hà Lan), cho biết các lô hàng bị ảnh hưởng có cả một số hệ thống in thạch bản.

ASML thông báo hôm 1.1.2024: “Giấy phép vận chuyển hệ thống in thạch bản NXT:2050i và NXT:2100i vào năm 2023 gần đây đã bị chính phủ Hà Lan thu hồi một phần, ảnh hưởng đến một số ít khách hàng ở Trung Quốc”.

Hệ thống NXT:2050i và NXT:2100i bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi giấy phép có giá hàng chục triệu euro mỗi máy. Khách hàng Trung Quốc của ASML đã được thông báo không nên mong đợi nhận được giấy phép cho các hệ thống này kể từ ngày 1.1.2024.

Là hãng công nghệ giá trị nhất châu Âu, ASML thống trị thị trường toàn cầu về hệ thống in thạch bản, sử dụng tia laser để giúp tạo ra mạch điện tử. ASML độc quyền về các hệ thống in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến - không thể thiếu để sản xuất những chip cao cấp nhất, đồng thời cung cấp những máy quang khắc cực tím sâu (DUV) cần thiết để tạo ra chất bán dẫn hoàn thiện hơn.

Khi được hỏi về động thái của chính phủ Hà Lan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân, hôm 2.1.2024 kêu gọi Hà Lan "vô tư, tôn trọng các nguyên tắc thị trường và luật pháp, thực hiện các hành động thiết thực để bảo vệ lợi ích chung của cả hai nước và các công ty của họ cũng như duy trì sự ổn định cho chuỗi cung ứng quốc tế".

Khách hàng của ASML tại Trung Quốc có SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc) và những công ty khác.

SMIC và các công ty cùng lĩnh vực như Hua Hong, Nexchip Semiconductor, Wuhan Xinxin Integration Dianlu Manufacture, United Nova Technology không trả lời khi hãng tin Reuters đề nghị bình luận.

Không rõ có bao nhiêu máy sẽ bị ảnh hưởng bởi việc Hà Lan thu hồi giấy phép, dù ASML cho biết việc thay đổi sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của hãng năm 2023.

ASML đã đặt mục tiêu đạt doanh thu 6,7 tỉ - 7,1 tỉ euro (7,39 tỉ - 7,83 tỉ USD) trong quý 4/2023, trong đó khách hàng Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm gần một nửa doanh thu của hãng trong nửa cuối năm.

Cổ phiếu ASML giảm 0,7% xuống còn 677,00 euro vào ngày đầu tiên năm 2024 và tiếp tục giảm trong phiên giao dịch sớm hôm 2.1.2024.

bac-kinh-chi-trich-ha-lan-vi-ngan-chan-asml-ban-mot-so-thiet-bi-san-xuat-chip-cho-trung-quoc.jpg
ASML cho biết chính phủ Hà Lan đã thu hồi giấy phép xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip của hãng sang Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Những năm gần đây, Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của ASML sau Đài Loan và Hàn Quốc, nhưng lại là thị trường lớn nhất vào quý 3/2023, chiếm 46% doanh thu của công ty Hà Lan.

Năm 2023, chính quyền Biden công bố các quy định trao cho Mỹ quyền hạn chế xuất khẩu hệ thống Twinscan NXT1930Di của ASML nếu nó chứa bất kỳ bộ phận nào từ Mỹ.

Ngay sau đó, một số nhà làm luật Hà Lan đã chất vấn Bộ trưởng Thương mại Mỹ về việc liệu Mỹ có hành động đúng đắn khi đơn phương áp đặt các quy định điều chỉnh việc xuất khẩu sang Trung Quốc máy sản xuất chip ASML hay không.

ASML cho biết trong một tuyên bố: “Trong các cuộc thảo luận gần đây với chính phủ Mỹ, ASML đã làm rõ thêm về phạm vi và tác động của các quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. ASML hoàn toàn cam kết tuân thủ tất cả luật và quy định hiện hành, gồm cả luật kiểm soát xuất khẩu tại những quốc gia nơi chúng tôi hoạt động".

Trung Quốc đang nỗ lực bắt kịp ngành in thạch bản như một phần trong nỗ lực to lớn do chính phủ chỉ đạo nhằm tạo ra chuỗi cung ứng chất bán dẫn tự lực. Shanghai Micro Electronics Equipment (SMEE) là nhà sản xuất máy in thạch bản duy nhất được biết đến ở Trung Quốc, dù được đánh giá là xếp sau ASML và các công ty Nhật Bản cùng ngành.

Tháng trước, Zhangjiang Group, một trong những cổ đông của SMEE, là đã thông báo rằng công ty này đã phát triển thành công máy in thạch bản 28 nanomet trên tài khoản WeChat. Nếu là sự thật, điều này sẽ đánh dấu bước đột phá cho SMEE nói riêng và Trung Quốc nói chung. Tuy nhiên, Zhangjiang Group sau đó đã xóa bài đăng mà không nêu rõ lý do.

Hãng chip số 1 Trung Quốc tăng cường tích lũy công cụ sản xuất

SMIC đã tăng chi tiêu vốn vào năm nay, một dấu hiệu cho thấy hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc đang gấp rút mua các công cụ vào bối cảnh Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt quốc gia châu Á.

SMIC đã tăng ngân sách hàng năm lên 7,5 tỉ USD cho năm 2023, cao hơn 18% so với mức chi tiêu 6,35 tỉ USD của công ty vào năm ngoái. Gã khổng lồ chip có trụ sở tại thành phố Thượng Hải đã chi 5,1 tỉ USD trong ba quý đầu năm 2023 và trước đó ước tính rằng chi tiêu trong năm nay sẽ không thay đổi.

Chi tiêu tăng vọt phản ánh rằng SMIC đang tăng tốc mua và lắp đặt thiết bị sau khi Mỹ cập nhật các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ (vốn đã nghiêm ngặt) vào tháng ngày 17.10, một lần nữa hạ thấp ngưỡng với các loại công cụ sản xuất chip không thể bán cho các công ty Trung Quốc.

Nhập khẩu của Trung Quốc từ Hà Lan cũng tăng vọt trong tháng 10, được coi là dấu hiệu khác cho thấy nước này đang tranh giành mua các hệ thống in thạch bản đắt tiền đến từ ASML.

Bất chấp sự sụt giảm lớn trong thương mại với Liên minh châu Âu (EU), dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy các chuyến hàng từ Hà Lan đã tăng 29,5% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước.

SMIC không cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động mua bán của mình, nhưng đồng Giám đốc điều hành Zhao Haijun cho biết các yếu tố địa chính trị có một số rủi ro khó đoán với ngành, đề cập đến những mối nguy hiểm rõ ràng thường bị bỏ qua.

“Các yếu tố địa chính trị đã mang lại hiệu ứng khó đoán cho sự phát triển trung và dài hạn của ngành”, Zhao Haijun cho biết tại cuộc gọi báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2023 của SMIC, đồng thời nói thêm rằng tất cả những người tham gia trong ngành đang khám phá các chiến lược và con đường phía trước.

Zhao Haijun nói SMIC sẽ cho phép các nhà cung cấp công cụ chip thực hiện giao hàng sớm hơn để “đảm bảo tăng cường sản xuất tại các nhà máy đã được khởi công” do tác động ngày càng phức tạp của địa chính trị với thời gian vận chuyển. Ông nói số lượng thiết bị sẽ được chuyển đến nhà máy của SMIC trước cuối năm nay sẽ “tăng đáng kể” so với dự báo ban đầu.

Trong các quy định được cập nhật vào ngày 17.10.2023, Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ đã tăng cường các hạn chế xuất khẩu với một loạt thiết bị cần thiết cho các quy trình chính trong chế tạo đĩa bán dẫn, bao gồm in thạch bản, khắc, lắng đọng, cấy ghép và làm sạch. Các bản cập nhật từ Mỹ sẽ hạn chế ASML vận chuyển một số hệ thống DUV, gồm cả Twinscan NXT1980Di, sang Trung Quốc.

Zhao Haijun không bình luận về các bản tin cho rằng SMIC đã dùng máy DUV từ ASML để sản xuất chip 7 nanomet cho smartphone Mate 60 Pro 5G của Huawei.

ASML chưa bao giờ có thể bán EUV của mình cho Trung Quốc vì hạn chế xuất khẩu từ 2019. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích trong ngành, các mẫu DUV kém tiên tiến hơn có thể được thiết kế lại với thiết bị lắng đọng và ăn mòn để sản xuất chip 7 nanomet và thậm chí có thể tiên tiến hơn.

Quá trình này đắt hơn nhiều so với sử dụng EUV, khiến việc mở rộng quy mô sản xuất trong môi trường cạnh tranh trở nên rất khó khăn. Tuy nhiên tại Trung Quốc, chính phủ sẵn sàng gánh một phần đáng kể chi phí sản xuất chip. Các công ty Trung Quốc đã dự trữ hợp pháp DUV trong nhiều năm, đặc biệt là sau khi Mỹ đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ban đầu vào năm ngoái trước khi Nhật Bản và Hà Lan tham gia.

Áp lực từ chính quyền Biden đã thúc đẩy chính phủ Hà Lan vào mùa hè năm ngoái công bố kế hoạch cấm ASML vận chuyển ba trong số bốn DUV tiên tiến nhất, loại máy mạnh thứ hai của công ty, sang Trung Quốc nếu không có giấy phép.

Zhao Haijun nói khách mua hàng từ SMIC đã thấy thị phần của họ tăng lên nhờ việc cải tổ chuỗi cung ứng trong bối cảnh biến động địa chính trị. Dòng Mate 60 đã giúp Huawei tăng doanh số bán smartphone lên 37% trong quý 3/2023.

Bài liên quan
Cựu nhân viên ASML bị tố trộm bí mật thương mại, nay làm cho Huawei
Theo báo chí Hà Lan, một cựu nhân viên của ASML (Hà Lan) bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại từ nhà cung cấp thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, sau đó làm việc cho Huawei.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Kinh lên tiếng khi Hà Lan ngăn ASML bán một số thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc