SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc) đã sử dụng thiết bị của ASML để sản xuất bộ xử lý tiên tiến Kirin 9000s cho smartphone Huawei Mate 60 Pro, Bloomberg đưa tin.
ASML (Hà Lan) là hãng công nghệ có giá trị nhất châu Âu và nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới.
Có ý kiến cho rằng các hạn chế xuất khẩu với ASML có thể đã đến quá muộn để ngăn chặn những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip. Máy quang khắc cực tím sâu (DUV) của ASML đã được sử dụng kết hợp với các công cụ của những hãng khác để tạo ra chip cho Huawei, theo nguồn tin Bloomberg yêu cầu không tiết lộ danh tính do thảo luận về thông tin chưa được công bố.
ASML từ chối bình luận. Không có gợi ý nào cho thấy việc bán hàng của ASML vi phạm các hạn chế xuất khẩu của Hà Lan và Mỹ.
Cổ phiếu ASML đã giảm 2,1% tại Amsterdam (thủ đô Hà Lan) sau thông tin này và đang giao dịch thấp hơn 0,6% ở mức 558,5 euro mỗi cổ phiếu vào lúc 3 giờ 54 giờ chiều theo giờ địa phương.
Mỹ đã hợp tác với Nhật Bản và Hà Lan để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến như loại chip Kirin 9000s dựa trên tiến trình 7 nanomet cung cấp sức mạnh cho smartphone Mate 60 Pro, nhằm hạn chế tiến bộ công nghệ của Trung Quốc và ngăn nước này có được quyền lực quân sự.
Bất chấp những hạn chế rộng rãi đó, Huawei đã khiến cả thế giới ngạc nhiên vào tháng 8 khi lặng lẽ giới thiệu Mate 60 Pro có khả năng 5G và bộ xử lý tiên tiến Kirin 9000s. Việc phân tích smartphone này do hãng TechInsights thực hiện đã tiết lộ chip này được sản xuất bởi SMIC, thể hiện khả năng sản xuất vượt xa những gì Mỹ từng tìm cách ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc.
Điều đó đặt ra câu hỏi về cách SMIC có thể sản xuất chip tiên tiến cũng như tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát do Mỹ dẫn đầu. SMIC không trả lời khi được đề nghị bình luận.
ASML chiếm vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu, độc quyền về các hệ thống in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến - không thể thiếu để sản xuất những chip cao cấp nhất, đồng thời cung cấp các DUV cần thiết để tạo ra các chất bán dẫn hoàn thiện hơn.
ASML chưa bao giờ có thể bán EUV của mình cho Trung Quốc vì hạn chế xuất khẩu từ 2019. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích trong ngành, các mẫu DUV kém tiên tiến hơn có thể được thiết kế lại với thiết bị lắng đọng và ăn mòn để sản xuất chip 7 nanomet và thậm chí có thể tiên tiến hơn. Quá trình này đắt hơn nhiều so với sử dụng EUV, khiến việc mở rộng quy mô sản xuất trong môi trường cạnh tranh trở nên rất khó khăn.
Tuy nhiên tại Trung Quốc, chính phủ sẵn sàng gánh một phần đáng kể chi phí sản xuất chip. Các công ty Trung Quốc đã dự trữ hợp pháp DUV trong nhiều năm, đặc biệt là sau khi Mỹ đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ban đầu vào năm ngoái trước khi Nhật Bản và Hà Lan tham gia.
Áp lực từ chính quyền Biden đã thúc đẩy chính phủ Hà Lan vào mùa hè năm ngoái công bố kế hoạch cấm ASML vận chuyển ba trong số bốn DUV tiên tiến nhất, loại máy mạnh thứ hai của công ty, sang Trung Quốc nếu không có giấy phép. ASML hiện vẫn có thể xuất khẩu những máy đó sang Trung Quốc nhưng việc vận chuyển sẽ bị cấm từ tháng 1.2024.
Theo bài thuyết trình dành cho nhà đầu tư được công bố vào tuần trước, ASML đã trải qua một bước nhảy vọt trong hoạt động kinh doanh từ Trung Quốc vào năm nay khi các nhà sản xuất chip ở đó tăng cường đơn đặt hàng trước khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có hiệu lực hoàn toàn vào năm 2024. Trung Quốc chiếm 46% doanh số bán hàng của ASML trong quý 3/2023, so với 24% vào quý 2 và 8% ở quý 1.
Các biện pháp kiểm soát mới mà chính quyền Biden công bố hôm 17.10 càng hạn chế hơn nữa việc xuất khẩu DUV.
Giám đốc điều hành ASML - Peter Wennink nói với các nhà đầu tư vào tuần trước rằng các biện pháp hạn chế mới từ Mỹ và Hà Lan sẽ ảnh hưởng tới 15% doanh số bán hàng của công ty tại Trung Quốc.
Theo các quy định mới, ASML vẫn có thể vận chuyển máy NXT:1980Di kém tiên tiến hơn của mình đến các cơ sở sản xuất chip cũ hơn ở Trung Quốc, nhưng không thể bán cho các nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở gần công nghệ tiên tiến nhất.
Theo những người quen thuộc với vấn đề này, quy định đó ảnh hưởng đến việc vận chuyển ASML tới sáu nhà máy ở Trung Quốc, gồm cả một cơ sở của SMIC. Không rõ đó có phải là cơ sở sản xuất chip 7 nanomet cho Huawei hay không và Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ cũng không trả lời các câu hỏi về vấn đề này.
Đơn phương thay đổi các quy tắc
Theo một số chuyên gia trong ngành, các biện pháp mới từ Mỹ khiến các hạn chế xuất khẩu về thiết bị của nước này giống với Hà Lan. Thế nhưng, quy định về DUV nhúng là một lĩnh vực mà Mỹ đã đi xa hơn đồng minh của mình, có nguy cơ bị coi là hành vi bắt nạt ngoài lãnh thổ.
Một quan chức cấp cao Hà Lan xác nhận chính phủ nước này đã được Mỹ thông báo về các biện pháp ngày 17.10. Song, điều đó không có nghĩa là động thái này diễn ra tốt đẹp. Một nhóm chính trị gia Hà Lan, gồm cả các nhà lập pháp từ hai đảng trong liên minh cầm quyền, đã kêu gọi chính phủ nước này có lập trường chống lại các biện pháp mới của Mỹ.
Mustafa Amhaouch, nhà làm luật thuộc đảng Dân chủ Cơ đốc giáo Hà Lan, nói hồi đầu tuần: “Việc đơn phương thay đổi các quy tắc trong một cuộc chơi mà khả năng cạnh tranh và quyền tự chủ chiến lược đang bị đe dọa là điều khó chấp nhận, ngay cả với một đồng minh tốt”.
Peter Wennink, Giám đốc điều hành ASML, từng công khai phản đối các biện pháp này và cảnh báo chúng có thể khuyến khích Trung Quốc phát triển công nghệ cạnh tranh. “Bạn càng đặt họ dưới áp lực thì càng có nhiều khả năng họ sẽ nỗ lực gấp đôi”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1 với Bloomberg.
“Mỹ đã thực hiện một phân tích an ninh khác. Họ có quyền làm như vậy”, Bộ trưởng Ngoại thương Hà Lan - Leisje Schreinemacher phát biểu tại Quốc hội tuần này.
Tuy nhiên, Leisje Schreinemacher cũng tin rằng Liên minh châu Âu (EU) nên có vai trò lớn hơn trong các cuộc thảo luận với Mỹ về kiểm soát xuất khẩu công nghệ nhạy cảm và bà sẽ nêu vấn đề này với Thủ tướng Hà Lan - Mark Rutte.