UBND tỉnh Bạc Liêu đã có tờ trình gửi Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, xin hỗ trợ kinh phí chống hạn, xâm nhập mặn để bảo vệ sản xuất nông nghiệp mùa khô 2020, với tổng số tiền hơn 225 tỉ đồng.
Theo tờ trình do ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ký, số tiền trên địa phương sẽ đầu tư vào việc nạo vét một số tuyến kênh tạo nguồn đã bị bồi lắng. Đồng thời, sẽ bơm tát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; mở rộng kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô 2020 và đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc nước tự động.
Cụ thể, từ nguồn vốn này, tỉnh sẽ bố trí gần 69 tỉ đồng nạo vét 123 tuyến kênh khơi thông dòng chảy đưa nước về phục vụ sản xuất. Trong đó, TP.Bạc Liêu 4 tuyến kênh; H.Hòa Bình 14 tuyến; H.Vĩnh Lợi 13 tuyến; H.Phước Long 22 tuyến; H.Hồng Dân 27 tuyến; TX.Giá Rai 17 tuyến; H.Đông Hải 26 tuyến.
Sẽbố trí 70 tỉ đồng sửa chữa 5 cống, gồm: Cái Tràm, Cầu số 3, Chiệt Niêu, ấp Dôn (H.Hòa Bình), cống phân ranh mặn ngọt (TX.Giá Rai). Tiếp đó tỉnh bố trí hơn 11 tỉ đồng để các địa phương đắp đập ngăn mặn, hỗ trợ bơm tát nước chống hạn cho nông dân; đầu tư gần 13 tỉ đồng kéo dài đường ống cấp nước cho 8 trạm bơm nước tập trung và khoan mới 4 giếng nước. Số tiền 63 tỉ đồng còn lại sẽ đểlắp đặt 21 trạm quan trắc nước tự động.
Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng đang diễn ra với mức độ sâu hơn, gây gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Theo dự báo, thời điểm xâm nhập mặn cao nhất trong năm tập trung từ tháng 2 đến tháng 3. Giai đoạn này, cũng là thời điểm địa phương phải đảm bảo điều tiết nước mặn để phục vụ nuôi trồng thủy sản, vừa không để nước mặn xâm nhập vào vùng giữ ngọt ổn định, nên công tác chống hạn, mặn vô cùng khó khăn.
Bạc Liêu có cùng một hệ thống kênh thủy lợi, nhưng cùng lúc điều tiết cả nước mặnlẫn nước ngọt cho vùng chuyển đổi sản xuất. Nếu trong quá trình điều tiết nước thiếu linh hoạt, không chủ động, mộttrong 2 nguồn nước thừa hoặc thiếu sẽ gây ra thiệt hại là điều khó tránh khỏi.
Để tháo gỡ khó khăn này, biện pháp tối ưu được tỉnh chọn là đầu tư nạo vét kênh mương; nâng cấp cống ngăn mặn, điều tiết nước; đắp đập, bơm nước chống hạn… Đây là giải pháp, cũng là công trình cấp bách để phục vụ chống hạn, mặn bảo vệ sản xuát vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô 2020.
Hải An