Sau khi khỏi bệnh COVID-19, bệnh nhân bị đau ngực, khó thở rồi bất ngờ ngưng tim kéo dài nguy kịch, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc phải một căn bệnh nguy hiểm hậu COVID-19.

Bệnh nhân khỏi COVID-19 coi chừng phát sinh bệnh thuyên tắc phổi nguy hiểm

Hồ Quang | 24/12/2021, 14:44

Sau khi khỏi bệnh COVID-19, bệnh nhân bị đau ngực, khó thở rồi bất ngờ ngưng tim kéo dài nguy kịch, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc phải một căn bệnh nguy hiểm hậu COVID-19.

Vào tháng 11.2021, bệnh nhân N.B.T. (60 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) mắc COVID-19. Sau khi điều trị tại nhà, bệnh nhân đã khỏi bệnh COVID-19. Tuy nhiên, hơn 1 tháng sau đến ngày 17.12, bệnh nhân cảm thấy đau ngực, khó thở nên người nhà chuyển đến Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP.HCM).

Tại đây, bệnh nhân được hội chẩn khẩn và chuyển ngay vào phòng mổ Khoa Phẫu Thuật Tim trong tình trạng khó thở nhanh nông, tím với độ bảo hòa oxy máu (SpO2) là 79%, nhịp tim nhanh 127 l/p, hỏi đáp trả lời rất chậm, HA: 76/52.

benh-nhan-khoi-covid-19-coi-chung-phat-sinh-benh-thuyen-tac-phoi-nguy-kich-hinh-anh(1).png
Sau khi khỏi bệnh COVID019 được hơn 1 tháng, bệnh nhân N.B.T. (60 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) bị thuyên tắc phổi và rơi vào tình trạng nguy kịch - Ảnh: BVCC

TS.BS Bùi Minh Thành – Trưởng Khoa Phẫu thuật tim nhận định bệnh nhân này bị thuyên tắc phổi và sẽ rơi vào tình trạng suy hô hấp và tuần hoàn cấp. “Chúng tôi khẩn trương vừa gây mê hồi sức để tiến hành phẫu thuật ngay. Trong lúc đang tiến hành thực hiện các thủ thuật gây mê hồi sức, tình trạng tim mạch bệnh nhân diễn tiến xấu rất nhanh và ngưng tim, xoa bóp tim ngoài lồng ngực được thực hiện ngay cùng đồng thời tiêm adrenalin liên tục vào đường tĩnh mạch trung tâm, mười phút trôi qua với 32 ống adrenalin nhưng tim vẫn không đập lại”, bác sĩ Thành cho biết.

Lúc này, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim phải mở ngực khẩn qua đường cưa xương ức và xoa bóp tim trực tiếp, đồng thời đặt các mũi khâu lên động mạch chủ và hai tĩnh mạch chủ để khởi động hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể nhanh nhất có thể nhằm cứu vãng tình thế thiếu máu não, tim và các tạng trong cơ thể.

Sau khi hạ thân nhiệt, liệt tim, các bác sĩ đã tiến hành thủ thuật lấy huyết khối lấp đầy 2 động mạch phổi trái, phải và các nhánh, kiểm tra huyết khối trong các buồng tim.

“Chính các huyết khối này đã lấp và ngăn không cho dòng máu lên phổi để trao đổi oxy gây nên tình trạng thiếu oxy máu trầm trọng và suy tim cấp ngay sau đó dẫn đến tình trạng trụy tim mạch và tử vong nhanh.”, bác sĩ Thành nói.

Bác sĩ Thành cho biết sau 4 giờ phẫu thuật và hỗ trợ tuần hoàn hô hấp bằng máy tuần hoàn ngoài cơ thể, bệnh nhân được theo dõi và tiếp tục điều trị tại hồi sức tim sau mổ. Sau 24 giờ phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh dần và được rút nội khí quản và 72 giờ sau đó bệnh nhân ổn định về hô hấp tuần hoàn, nhưng vẫn còn ngủ nhiều và giảm trí nhớ, sau 96 giờ mới phục hồi gần như hoàn toàn. “Đến hôm nay (24.12) bệnh nhân đã ổn định và dự kiến sẽ được xuất viện trong tuần tới”, bác sĩ Thành cho biết thêm.

Phân tích về nguyên nhân gây thuyên tắc phổi nguy hiểm, bác sĩ Thành nói khi nhiễm COVID-19, bệnh nhân có tình trạng tăng đông máu, nhất là hệ thống mạch máu phổi, gây thuyên tắc (tắc nghẽn) các mạch máu nhỏ rồi các mạch máu lớn, đi kèm với tình trạng thương tổn các phế nang, độc tố gây viêm nhiễm xuất tiết…dẫn đến suy hô hấp nhanh và trầm trọng rồi tử vong sau đó nếu không được can thiệp kịp thời.

Với bệnh nhân hậu COVID-19, tình trạng tăng đông máu vẫn còn, tuy có giảm so với trước đó, nhưng vẫn có khả năng gây nên sự hình thành các cục máu đông trong lòng mạch dẫn đến tình trạng thuyên tắc mạch máu chi, mạch máu tạng và mạch phổi…gây nguy hiểm cho tính mạng.

Trong trường hợp bệnh nhân này, các bác sĩ đã tìm hiểu kỹ về tình trạng sức khỏe trước đây cho thấy, bệnh nhân không mắc các bệnh gây tăng đông máu như: bệnh ác tính, không có rung nhĩ, cũng không tìm thấy nguyên nhân gây tăng đông máu ngoài tiền sử tăng huyết áp và mắc COVID-19 cách đây hơn một tháng.

“Vấn đề đặt ra là sau nhiễm COVID-19 liệu trình kháng đông sẽ được áp dụng như thế nào, sử dụng loại gì, theo dõi như thế nào… Chuyên đề này cần phải có nhiều nghiên cứu lâm sàng để giải quyết hậu quả thuyên tắc mạch sau mắc COVID-19. Hy vọng sẽ có giải pháp hữu hiệu trong một tương lai không xa. Bên cạnh đó các bệnh nhân đã mắc COVID-19 nên cảnh giác với các triệu chứng đau tức ngực, khó thở mặc dù trước đó chưa từng bị mắc bệnh tim”, bác sĩ Thành chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh nhân khỏi COVID-19 coi chừng phát sinh bệnh thuyên tắc phổi nguy hiểm