Hôm 10.5, Trung Quốc phản pháo Mỹ khi nói rằng tên lửa Trường Chinh 5B rơi trở lại Trái đất theo cách có kiểm soát và các điểm hạ cánh cho các mảnh vỡ nằm trong ước tính của họ.
"Theo tôi được biết, giai đoạn cuối cùng của hoạt động tên lửa đã áp dụng công nghệ thụ động sẽ không gây ra bất kỳ vụ nổ nào trong quỹ đạo và phân tán các mảnh vỡ trong không gian. Phần lớn các thành phần đã bị phá hủy khi tái nhập vào bầu khí quyển của Trái đất và khả năng gây hại cho các hoạt động hàng không, mặt đất là rất ít", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hoa Xuân Oánh nói với các phóng viên.
Bà Hoa Xuân Oánh nói thêm rằng chưa có báo cáo về bất kỳ thiệt hại nào ở Mặt đất và Trung Quốc đã chia sẻ kết quả dự báo tái nhập của tên lửa với một "cơ quan hợp tác quốc tế", nhưng không nêu chi tiết.
Theo Cơ quan Không gian có người lái Trung Quốc, tàn tích của tên lửa đã rơi trở lại Trái đất lúc 10 giờ 24 giờ giờ Bắc Kinh hôm 9.5 xuống Ấn Độ Dương, gần quần đảo Maldives.
Trường Chinh 5B Y2, tên lửa lớn nhất Trung Quốc, được phóng vào ngày 29.4 để vận chuyển phần cốt lõi của cái sẽ trở thành phòng thí nghiệm và khu sinh hoạt cho các phi hành gia lên một trạm vũ trụ của nước này, dự kiến hoàn thành vào năm tới.
Trung Quốc tiết lộ rất ít về hậu cần của tàu vũ trụ không người lái, khiến các nhà chức trách vũ trụ ở Mỹ và châu Âu đưa ra cảnh báo vài ngày trước khi tên lửa quay trở lại Trái đất.
“Các quốc gia du hành vũ trụ phải giảm thiểu rủi ro với con người và tài sản trên Trái đất khi các vật thể không gian quay trở lại, tối đa hóa tính minh bạch liên quan đến các hoạt động đó. Rõ ràng là Trung Quốc đang không đáp ứng các tiêu chuẩn có trách nhiệm liên quan đến các mảnh vỡ không gian của họ", Quản trị viên NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) - Bill Nelson cho biết sau khi mảnh vỡ Trường Chinh 5B Y2 hạ cánh.
Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết trong một bài xã luận hôm 9.5 rằng "sự cường điệu và bôi nhọ từ chính quyền Mỹ cùng một số phương tiện truyền thông là vô ích", vì các điểm hạ cánh cho các mảnh vỡ tên lửa nằm trong tính toán của họ.
"Những người này ghen tị với sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong công nghệ vũ trụ. Họ không thể chịu được thực tế là trong vài năm nữa sẽ chỉ có Trạm vũ trụ của Trung Quốc trên quỹ đạo", Thời báo Hoàn cầu viết thêm.
Nếu thành công, Trạm vũ trụ Trung Quốc (dự kiến hoạt động trong 15 năm) có thể là duy nhất trên quỹ đạo khi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) do NASA dẫn đầu kết thúc vòng đời hoạt động sau 1 thập kỷ kể từ bây giờ.
Việc xây dựng nó phản ánh tham vọng lớn hơn của Trung Quốc trong việc dẫn đầu về khoa học và công nghệ. Trung Quốc đã bị Trạm vũ trụ Quốc tế cấm tham gia kể từ năm 2011 sau khi Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật nhằm ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ một cách ngẫu nhiên.
Một tàu vũ trụ của Trung Quốc đang quay quanh sao Hỏa trước một cuộc hạ cánh dự kiến vào giữa tháng 5.2021. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ là nước thứ hai sau Mỹ hạ cánh tàu thám hiểm trên sao Hỏa, hành tinh gần Trái đất nhất.