Ngày 10.10.2018, căn cứ không quân Tyndall tại Florida bị tàn phá hoàn toàn với 95% tòa nhà bên trong hư hại nghiêm trọng hoặc sụp đổ. Thời điểm đó nơi đây là địa điểm đồn trú của gần 1/3 số máy bay tiêm kích tàng hình F-22 Raptor rất đáng giá.
17 chiếc F-22 được đưa vào nhà chứa, nhưng phần mái nhà chứa lại sập xuống. Số tiêm kích hư hỏng có thể sửa chữa, không quân Mỹ phải chi 5 tỉ USD tái xây dựng Tyndall cùng một căn cứ nữa, đồng thời chuyển F-22 đến nơi khác.
Thiệt hại trên giống như kết quả của một cuộc tấn công. Tuy nhiên trên thực tế thứ tấn công căn cứ Tyndall không phải máy bay kẻ địch mà là siêu bão Michael sức gió 150 dặm/giờ - dấu hiệu cho thời tiết cực đoan tàn phá khắp nơi, tương tự bão Sally và cháy rừng tại California hiện tại.
Mặc dù bão và cháy rừng là hiện tượng tự nhiên không thể tránh khỏi, giới khoa học vẫn tìm ra bằng chứng thuyết phục cho thấy biến đổi khí hậu khiến thời tiết cực đoan mạnh hơn về cường độ.
Nhà khí tượng học Jeff Berardelli của đài CBS News cho biết: “Nước trên Trái đất ấm lên do nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng, nước ấm cung cấp năng lượng cho bão. Nhiệt độ vịnh Mexico vào mùa thu năm 2018 cao hơn mức bình thường 3 - 5 độ F, làm tăng vận tốc gió trong cơn bão đến mức sức phá hoại của chúng mạnh lên 60 - 100%”.
Vụ việc căn cứ Tyndall tồi tệ hơn bất cứ điều gì mà quân đội Mỹ trải qua trong những cuộc tấn công bằng tên lửa ở Trung Đông. Vì vậy mà bên cạnh công tác lập kế hoạch đối phó chiến tranh xảy ra với quốc gia khác, Lầu Năm Góc kể từ năm 2010 quyết định tính toán đến mối nguy biến đổi khí hậu.
May mắn là họ vẫn tiếp tục nghiên cứu tác động khả dĩ mà biến đổi khí hậu đem lại dựa trên dự đoán từ nhiều chuyên gia trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump phủ nhận chuyện này và phá bỏ hàng loạt quy định bảo vệ môi trường. Một báo cáo năm 2019 của Lầu Năm Góc xác định 79 căn cứ quân sự sẽ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng cao cùng lũ lụt thường xuyên. Đặc biệt căn cứ hải quân quy mô lớn trên địa bàn thành phố Norfolk (bang Virginia) có thể không sử dụng được, hàng loạt căn cứ ngoài đảo - nơi đặt hệ thống tên lửa và radar phòng không trị giá hàng tỉ USD - cũng chẳng còn ở được do ngập và xâm nhập mặn.
Ngoài ra, một nghiên cứu của Trường cao đẳng Quân sự lục quân Mỹ (USAWC) cũng kết luận xâm nhập mặn ven biển làm tổn hại hoặc loại bỏ nguồn cung cấp nước ở nhiều nơi trên thế giới - đặt ra thêm thách thức cho binh lính ngoài chiến trường.
Lầu Năm Góc cũng lo ngại thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu khiến cơ sở hạ tầng Mỹ thiệt hại trên diện rộng, buộc quân đội phải dành phần lớn nguồn lực để trợ giúp.
Ví dụ, thiệt hại gây ra bởi bão và nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng cao do nhiệt độ tăng cao sẽ làm sụp đổ hệ thống điện già cỗi của Mỹ trong 20 năm tới - đẩy hàng chục triệu người vào cảnh mất điện. Di cư vì những thảm họa kiểu này cùng sự gia tăng số lượng côn trùng do tình trạng ấm lên toàn cầu làm xuất hiện thêm nhiều đại dịch hơn nữa. Còn lũ lụt phá hủy hàng loạt cảng biển nơi Mỹ xuất nhập khẩu 80% nông sản - đẩy kinh tế rơi vào hỗn loạn. Khi đó quân đội không thể không tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo thay vì tập trung đối phó mối đe dọa bên ngoài.
Tất nhiên quân đội không thể đơn độc ngăn chặn biến đổi khí hậu. Họ chỉ có thể lập kế hoạch giảm thiểu thiệt hại và xây dựng biện pháp ứng phó: gia cố căn cứ dễ bị tổn hại bằng cách xây tường bao quanh ngăn nước biển, tăng cường năng lực hậu cần cho tình huống xảy ra thời tiết cực đoan như cơn bão Maria tàn phá Puerto Rico năm 2017, yêu cầu mọi căn cứ giảm bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch qua mỗi năm, phát triển phương tiện quân sự sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn và có khả năng chịu nhiệt cao hơn.
Cẩm Bình (theo NBC News)