Liên quan đến công tác quản lý vốn đầu tư công tại Bộ TN-MT theo Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, Bộ TN-MT đã lên tiếng về vấn đề này. Theo Bộ lý giải thì việc thanh tra của Bộ Tài chính là hoạt động thanh tra định kỳ, không phải thanh tra vụ việc cụ thể khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.
Theo đó, trong quá trình thanh tra, Bộ TN-MT đã có báo cáo, giải trình cụ thể về các nội dung của từng dự án và đã được Thanh tra Bộ Tài chính tiếp thu. Trong đó chủ yếu là thiếu sót về trình tự thủ tục, thời gian, không phải là vi phạm về sử dụng, chi sai nguồn vốn, gây ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.
Thanh tra Bộ Tài chính cũng không phát hiện có tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn và tài sản của nhà nước tại Bộ TN-MT qua đợt thanh tra nói trên.
Liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đối với các dự án có quyết định đầu tư sau ngày 30.3.2016 và giao kế hoạch đầu tư trung hạn (đợt 2) cho 5 dự án có quyết định đầu tư sau năm 2016, Bộ TN-MT cho biết, năm 2016 là năm đầu thực hiện xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật Đầu tư công.
Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều lúng túng, phải nhiều lần điều chỉnh dự án theo tổng nguồn vốn được thông báo nên việc phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án mở mới chưa kịp thời so với yêu cầu. Tuy vậy, đối với 7 dự án của Bộ TN-MT được nêu trong kết luận thanh tra Bộ TN-MT đã được phê duyệt và trình cấp có thẩm quyền đúng theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư.
Các dự án này đã đảm bảo yêu cầu, được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT giao kế hoạch trung hạn đợt 2 (ngày 29.8.2017). Như vậy, kết luận thanh tra về việc trình cấp có thẩm quyền giao vốn chưa đúng quy định bản chất là chưa đúng tiến độ về mặt thời gian theo hướng dẫn.
Về việc phê duyệt dự án đầu tư giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa cân đối đủ nguồn vốn để hoàn thành với số tiền 1.073 tỉ đồng, Bộ TN-MT lý giải do tổng vốn đầu tư công trung hạn được thông báo chỉ đáp ứng được 1/2 so với nhu cầu triển khai các dự án. Do đó, để thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN-MT thực hiện rà soát, cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ và cơ cấu lại việc bố trí nguồn vốn cho các dự án theo thứ tự ưu tiên đảm bảo đúng với số vốn được thông báo.
Trong tổng số 1.073 tỉ đồng chưa cân đối đủ nêu trên, riêng dự án “Đầu tư tàu điều tra, nghiên cứu tài nguyên và môi trường biển” là 1.047 tỉ đồng. Bộ TN-MT đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho bố trí kinh phí từ nguồn vốn khác để thực hiện hoặc dừng kỹ thuật, giãn tiến độ.
Ghi nhận đây là nguyên nhân khách quan nên Thanh tra Bộ Tài chính chỉ kiến nghị Bộ TN-MT rút kinh nghiệm và cân đối bố trí đủ nguồn vốn để hoàn thành các dự án trong giai đoạn 2016-2020.
Liên quan đến 2 dự án không sử dụng gạch không nung theo quy định của Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT cho hay do nguồn cung chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giá cả do đó cơ quan tư vấn thiết kế, dự toán xây dựng công trình đề nghị đề nghị sử dụng gạch nung. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án tại Thái Nguyên, do nguồn cung về gạch không nung đã đáp được yêu cầu nên dự án đã chuyển sang sử dụng gạch không nung để xây dựng công trình.
“Việc chỉ một dự án quy mô nhỏ trong số rất nhiều dự án đầu tư của Bộ TN-MT sử dụng gạch nung là do điều kiện khách quan về thị trường tại nơi thực hiện dự án, hoàn toàn không phải là việc đi ngược chủ trương của Chính phủ về bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm tài nguyên trong xu thế phát triển bền vững”, Bộ nêu.
Đề cập vấn đề bàn giao thiết bị không tuân thủ quyết định phê duyệt dự án, Bộ TN-MT cho biết các đơn vị sự nghiệp của Tổng cục Địa chất - Khoáng sản Việt Nam được đầu tư thiết bị từ dự án để thực hiện công tác điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản. Khi hoàn thành mua sắm, do một số đơn vị của Tổng cục được giao thực hiện nhiệm vụ mới của Chính phủ cần có ngay thiết bị để triển khai, nên Tổng cục đã điều chuyển một số thiết bị thi công hiện trường cho một số đơn vị khác thuộc Tổng cục so với thuyết minh dự án ban đầu.
Việc điều chuyển này, Tổng Cục Địa chất - Khoáng sản đã nhận thiếu sót là chưa thực hiện báo cáo cấp thẩm quyền chấp thuận trước khi thực hiện, do điều kiện khách quan, các công trình cần phải được gấp rút triển khai để thực hiện nhiệm vụ. Hoạt động này không gây thất thoát hoặc lãng phí tài sản và ngân sách nhà nước.
Liên quan đến duyệt chi những khoản chi không thuộc nhiệm vụ của vốn đầu tư xây dựng số tiền 48,6 tỉ đồng, Bộ TN-MT nêu số kinh phí này được tổng hợp từ dự toán của các dự án. Trong đó riêng tiểu dự án “xây dựng hệ thống giám sát biến động bờ sông, bờ biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long bằng công nghệ viễn thám” dự toán cho hạng mục ứng dụng thu thập ảnh viễn thám cho xây dựng cơ sở dữ liệu nền là 37,5 tỉ đồng. Nội dung chi này là cần thiết và được nhà tài trợ WB chấp thuận.
Các khoản chi khác phần lớn là phục vụ cho việc vận hành thử nghiệm các trạm quan trắc để đảm bảo tính ổn định các thông số kỹ thuật trước khi vận hành chính thức. Theo quy định việc bố trí kinh phí thường xuyên chỉ được sử dụng khi các trạm quan trắc đi vào vận hành chính thức.
Trong năm 2017, mới chỉ có 1 dự án sử dụng 2,7 tỉ đồng đồng. Khoản chi này, phù hợp với yêu cầu về tính đặc thù trong đầu tư, xây dựng các trạm quan trắc về tài nguyên và môi trường, không chi sai chế độ, hoặc gây thất thoát nguồn vốn.
Về một số nội dung khác Thanh tra Bộ Tài chính đã chỉ ra còn thiếu sót, khiếm khuyết theo mức độ nhất định tại các đơn vị và chủ đầu tư, Bộ TN-MT nói rằng đã tiếp thu và yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị liên quan nghiêm túc kiểm điểm và thực hiện theo kiến nghị của Thanh tra Bộ Tài chính, trong đó giảm dự toán đối với các dự án đang thực hiện số tiền là gần 2,4 tỉ đồng và thu hồi nộp ngân sách số tiền trên 130 triệu đồng. Việc khắc phục các thiếu sót nêu trên sẽ được tổng hợp gửi Bộ Tài chính theo yêu cầu trước ngày 30.6.2018.
Lam Thanh