Dưới những tác động của dịch COVID-19, ngành giáo dục đã và đang từng bước thích ứng, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục, vừa phòng dịch.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: ‘Hai năm ứng phó với dịch bệnh cho thấy những nỗ lực rất đáng ghi nhận của thầy cô’

Báo Tin Tức | 20/11/2021, 07:00

Dưới những tác động của dịch COVID-19, ngành giáo dục đã và đang từng bước thích ứng, vừa đảm bảo chất lượng giáo dục, vừa phòng dịch.

Nhân Ngày Hiến chương các Nhà giáo Việt Nam (20.11), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ với báo Tin tức về những nỗ lực vượt khó của ngành cũng như những chính sách hỗ trợ với giáo viên trong thời gian tới.

Dưới đây là nội dung chi tiết:

Thưa Bộ trưởng, hai năm qua ngành giáo dục đã chịu những tổn thương nặng nề do dịch COVID-19. Việc dạy và học online kéo dài có nhiều hệ luỵ. Vậy ngành giáo dục đã có những giải pháp như thế nào để vượt qua đại dịch?

Trước yêu cầu phải thích nghi hiệu quả với dịch bệnh, ngành giáo dục đã chuyển trạng thái, tập trung làm tốt cả hai việc: Đảm bảo chất lượng giáo dục và thực hiện công tác phòng chống dịch. Những quyết sách của ngành vừa ứng phó khẩn cấp với tình hình biến chuyển nhanh chóng của dịch bệnh vừa hướng tới sự chuyển đổi lâu dài để thích ứng hiệu quả.

Kế hoạch và hoạt động dạy học tại mỗi địa phương cần phải có những giải pháp đa dạng, linh hoạt, phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tế trên cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng về kiến thức, kỹ năng cốt lõi mà người học cần phải đạt được. Trong đó, tận dụng tối đa thời gian học tập trực tiếp để tăng cường và củng cố kiến thức cần phải đạt đối với mỗi học sinh.

Để ứng phó khẩn cấp với tình hình dịch bệnh, Bộ đã ban hành hai Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố để tăng cường chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo, ứng phó với dịch COVID-19.

bo-truong-bo-gd-dt.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn - Ảnh: TTXVN

Bộ đã tiến hành tinh giản nội dung giảng dạy và phát triển học liệu trực tuyến, truyền hình. Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT đang liên kết đến các nguồn học liệu số, bài giảng điện tử và phát sóng trên truyền hình theo môn học, cấp học để các cơ sở giáo dục sử dụng (hơn 7 nghìn học liệu), đồng thời đang có kế hoạch phát triển kho học liệu lâu dài, trong đó có cuộc thi sản xuất bài giảng điện tử (hiện có hơn 41 nghìn bài đăng ký).

Bộ đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Nhân dân tổ chức bài giảng và phát sóng trên truyền hình trung ương và địa phương. Trong đó, tập trung phát triển bài giảng, học liệu cho các bậc học mầm non, tiểu học và phổ thông chuẩn bị thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bộ cũng tiến hành tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên nâng cao năng lực tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình và nhận diện được những vấn đề tâm lý của học sinh, đồng thời hướng dẫn kỹ năng tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh.

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng phát động, Bộ TT-TT là đầu mối. Trên cơ sở nhu cầu thực tế cần được hỗ trợ từ các địa phương, Bộ GD-ĐT đã điều hành công tác phân phối hơn 10 nghìn thiết bị trong tháng 10, dự kiến tiếp tục phân phối hơn 40 nghìn thiết bị cho các địa phương khác trong tháng 11. Kế hoạch phân phối thiết bị trong thời gian tới còn phụ thuộc vào tình hình mua sắm trang thiết bị, vốn đang gặp khó khăn trong việc nhập mua do dịch bệnh.

Cùng với đó, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Ngành giáo dục đã có những chỉ đạo, tập huấn gì cho giáo viên để thích ứng với việc dạy online trong bối cảnh dịch bệnh, vừa duy trì nền nếp học tập vừa đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, thưa Bộ trưởng?

Nhằm giúp cán bộ, giáo viên nhận diện được những vấn đề tâm lý của học sinh, đồng thời hướng dẫn kỹ năng tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong đại dịch COVID-19 và sau khi quay lại trường học, Bộ đã tổ chức tập huấn cho hơn 1.000 cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông trên toàn quốc về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Bộ tổ chức tập huấn và nâng cao năng lực tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình cho đội ngũ giáo viên cốt cán nhằm nâng cao năng lực giáo viên về tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình hiệu quả, chất lượng đáp ứng được mục tiêu đề ra trong năm học. Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là nhiệm vụ rất quan trọng trong tiến trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, nhiệm vụ này đã được triển khai đồng bộ cùng với quá trình xây dựng, triển khai chương trình và có sự phối hợp của nhiều bên liên quan.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh trong giai đoạn vừa qua đã ít nhiều làm ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Bộ GD-ĐT đã và đang có nhiều giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, hoàn thành đúng tiến độ từng giai đoạn, hợp phần bồi dưỡng và quan trọng hơn là bảo đảm chất lượng bồi dưỡng, tập huấn giáo viên.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, vậy ngành GD-ĐT sẽ có những chiến lược như thế nào trong thời gian tới để thích ứng trong việc dạy và học, thưa Bộ trưởng?

Bám sát tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, Bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo các tỉnh/thành phố thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập và hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.

Tiếp đó, Bộ đã ban hành công văn đề nghị các địa phương báo cáo việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, chủ động gặp và làm việc với Bộ Y tế để thống nhất các nội dung đảm bảo an toàn học đường cho học sinh học tập trực tiếp.

Theo Bộ trưởng, giáo viên là một trong những lực lượng người lao động bị ảnh hưởng trong đại dịch COVID-19, đặc biệt những giáo viên mầm non công lập, tư thục. Vậy thời gian tới, ngành giáo dục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để có chính sách hỗ trợ cho những giáo viên ở khu vực này?

Khó khăn, áp lực đối với với đội ngũ giáo viên là không thể tránh khỏi. Tôi rất chia sẻ với những khó khăn của đội ngũ nhà giáo trong hoạt động giảng dạy suốt 2 năm dịch bệnh vừa qua. Nghề giáo vốn đã có khó khăn, vất vả nay lại càng thêm vất vả, khó khăn nhiều lần do tác động của dịch bệnh. Hai năm ứng phó với dịch bệnh đã cho thấy những nỗ lực rất đáng ghi nhận của đội ngũ các thầy, cô giáo trên cả nước. Các thầy, cô chính là những người đã nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo đặt ra trong bối cảnh dịch bệnh.

Hàng ngàn giáo viên, đặc biệt là giáo viên thuộc hệ thống giáo dục mầm non tư thục rơi vào cảnh không có việc làm, phải xoay sở làm đủ việc để duy trì cuộc sống. Trước những khó khăn đó, Bộ đang tích cực có những đề xuất hỗ trợ người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có hợp đồng lao động, mất việc làm tại các cơ sở giáo dục mầm non; xem xét miễn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp đối với giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục mầm non đang tham gia đóng từ năm 2020 đến nay; xem xét miễn, giảm các loại phí, lệ phí; giãn thời gian nộp thuế, kéo dài thời gian quyết toán thuế từ năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!

Bài liên quan
Lãnh đạo TP.HCM thăm và chúc mừng ngành giáo dục nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam
Ngày 19.11, đoàn lãnh đạo TP.HCM đã đến thăm và chúc mừng Sở GD-ĐT TP.HCM nhân kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.10.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: ‘Hai năm ứng phó với dịch bệnh cho thấy những nỗ lực rất đáng ghi nhận của thầy cô’