Về xây dựng chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Tôi nói thẳng tinh thần là người dân còn đói thì đừng có nghĩ đến việc về nhà. Theo đó, anh em đều rất quán triệt, triển khai xây dựng chính sách rất nhanh”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Người dân còn đói thì đừng nghĩ đến việc về nhà"

Lam Thanh | 10/11/2021, 17:30

Về xây dựng chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Tôi nói thẳng tinh thần là người dân còn đói thì đừng có nghĩ đến việc về nhà. Theo đó, anh em đều rất quán triệt, triển khai xây dựng chính sách rất nhanh”.

"Người dân còn đói thì đừng nghĩ đến việc về nhà"

Trả lời vấn đề của đại biểu về tình trạng chậm hỗ trợ người dân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho rằng, sau khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, các cấp lãnh đạo đã đốc thúc Bộ đề xuất, xây dựng chính sách. Nhiều cán bộ trong ngành đã làm ngày làm đêm.

"Tôi nói thẳng tinh thần là người dân còn đói thì đừng có nghĩ việc về nhà. Với tinh thần đó nên anh em quán triệt rất kỹ. Chúng tôi cố gắng, chỉ trừ những vấn đề gì vượt luật thì mới để lại, còn vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì chúng tôi đề nghị sửa đổi ngay. Do đó, Nghị quyết 68 là đã thông thoáng hết mức có thể về thủ tục rồi. Trong 1 tháng rưỡi thực hiện Nghị quyết 68 chỉ có 2 vướng mắc và được sửa ngay”, Bộ trưởng Dung nói.

btdnd.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trong quá trình thực hiện thì có nơi này nơi kia còn máy móc. “Chỉ riêng việc hỗ trợ tiền ăn cho F0 mà có địa phương kiến nghị tới 3 trang giấy về vướng mắc. Có những nơi cẩn trọng quá vì sợ sai, sợ trách nhiệm. Tôi phải nói rằng nếu sau này ai không thanh toán thì tôi sẽ chịu trách nhiệm”.

Về vấn đề trục lợi chính sách, Bộ trưởng cho biết khi xây dựng các chính sách, các văn bản đều nêu rõ phân công trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương, lãnh đạo các ngành liên quan.

“Bộ cũng mới tổ chức 12 đoàn đi kiểm tra 33 địa phương và có tình trạng trục lợi. Ở việc triển khai Nghị quyết 42 từng có những cán bộ bị kỷ luật vì đưa danh sách người nhà vào diện được hưởng hỗ trợ, Nghị quyết 68 cũng phát hiện chỗ này chỗ kia. Những sai phạm cá biệt không tránh được nhưng về cơ bản các chính sách đã được thực hiện minh bạch”, Bộ trưởng Dung khẳng định.

Không thể lấy tiền từ quỹ để làm việc khác

Ngoài ra, Bộ trưởng Dung cũng cho hay, đến hết năm 2020, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư 94.000 tỉ đồng. Theo thông thường, kết dư của các quỹ ngắn hạn chỉ khoảng 10%. Như vậy, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang kết dư tương đối tốt, độ an toàn cao. Với năm 2020, quỹ chi 1/4 số kết dư này.

Theo ông Dung, trong bối cảnh hiện tại thì người lao động cũng như chủ sử dụng lao động hết sức khó khăn mà để quỹ kết dư lớn như vậy cũng không ổn. Vậy nên sau khi đánh giá tác động để quỹ đảm bảo kết dư an toàn trong 5 năm tới thì thấy là có cơ sở để báo cáo các cấp có thẩm quyền.

“Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến, ra Nghị quyết đồng ý sử dụng 38.000 tỉ đồng từ quỹ này để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Sau khi sử dụng 38.000 tỉ này thì quỹ còn khoảng 56.000 tỉ, gấp gần 2 lần tổng thể yêu cầu chi của 5 năm tới nên hoàn toàn có thể yên tâm với quỹ này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) nêu báo cáo tổng kết kết dư Quỹ Bảo hiểm xã hội còn gần 1 triệu tỉ, các quỹ ngắn hạn cũng còn nhiều, sao không chi nhiều hơn cho người dân?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng việc các quỹ kết dư lớn là đáng mừng. Tuy nhiên, tổng quỹ còn xấp xỉ 1 triệu tỉ nhưng trong đó có 900.000 tỉ là của Quỹ hưu trí, tử tuất, là quỹ dài hạn, là lương hưu, là cuộc sống của hàng triệu con người và không thể sử dụng với mục đích khác.

Hoạt động thiện nguyện sẽ đi vào nền nếp

Nói về những “lùm xùm” trong làm thiện nguyện thời gian qua, Bộ trưởng Dung cho rằng nguyên tắc nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia làm thiện nguyện, giúp đỡ người khó khăn. Nhà nước cũng quy định 2 cơ quan tham gia việc kiểm tra, giám sát hoạt động này là Ủy ban Trung ương MTTQ và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Theo Nghị định 64, đây là 2 cơ quan đứng ra tổ chức các hoạt động này. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, pháp luật chưa quy định cụ thể hoạt động huy động tiền thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức khác thế nào, khâu cấp phát ra sao.

Theo ông Dung, vừa qua các tổ chức cá nhân đã thực hiện việc mua, chuyển hàng đến người dân khó khăn. “Chúng tôi chủ trương khuyến khích nhưng làm từ thiện phải trên cơ sở có nguyên tắc, quy định pháp luật”.

“Vậy nên từ thực tế vừa qua, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 64 bằng Nghị định 93, nêu rõ cách làm, huy động bằng tiền, quyên góp hiện vật thì đều có hướng dẫn cụ thể. Tôi tin khi Nghị định 93 có hiệu lực, hoạt động này sẽ vào nền nếp. Còn vừa qua, ai làm sai chúng ta buộc phải xử lý, dù không muốn”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết hiện Bộ Công an đang tiến hành thụ lý, xác minh các nguồn tin phản ánh trên thông tin đại chúng về công tác từ thiện của một số nghệ sĩ. Cơ quan công an đang kiểm tra, xác minh, đang phối hợp với các ngân hàng rà soát các tài khoản huy động quyên góp; đồng thời phối hợp với các địa phương kiểm tra việc giải ngân, xác minh số tiền, hàng.

“Qua rà soát tại các địa phương thì cơ quan cảnh sát điều tra đã tiếp nhận 6 tố giác liên quan đến hoạt động huy động từ thiện của các nghệ sĩ. Cơ quan công an đang tiếp tục phân loại, điều tra”, Bộ trưởng Bộ Công an nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
33 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Người dân còn đói thì đừng nghĩ đến việc về nhà"