Giải trình trong khoảng thời gian còn lại ít ỏi của buổi chiều, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận có tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng cơ bản lớn, các dự án phê duyệt vượt quá 3 lần khả năng thu xếp vốn…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chúng tôi còn nể nang trong việc yêu cầu thực hiện luật

Trí Lâm | 14/06/2017, 21:26

Giải trình trong khoảng thời gian còn lại ít ỏi của buổi chiều, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận có tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng cơ bản lớn, các dự án phê duyệt vượt quá 3 lần khả năng thu xếp vốn…

Chiều 14.6, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Nội dung chất vấn gồm:Giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; Việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công;trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.

“Với tinh thần cầu thị, tôi xin trân trọng lắng nghe ý kiến của các đại biểu. Tôi cho rằng đây là dịp tốt để báo cáo những việc làm được và giải trình thêm những vấn đề mà cử tri còn chưa rõ. Đồng thời thấy được thêm trách nhiệm của cá nhân và đơn vị mình trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao”, Bộ trưởng nói trong phần mở đầu phiên chất vấn.

Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu rõ, phần báo cáo của Bộ trưởng về trách nhiệm của bộ ngành và địa phương trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia dài đến 7 trang, riêng trách nhiệm của Bộ KH-ĐT là 1 trang nhưng chủ yếu lại trích dẫn các văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi, những vấn đề này các đại biểu Quốc hội hoàn toàn có thể tra cứu được.

Bên cạnh đó, bà Thúy cũng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định trách nhiệm của bộ mình và trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia như thế nào và có cam kết gì?

Cũng đề cập đến vấn đề trách nhiệm của Bộ trưởng, Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng nêu rõ trách nhiệm của Bộ KH-ĐT trước thực trạng phân bổ vốn dàn trải, kéo dài khiến hiệu quả đầu tư công thấp, cũng như nguyên nhân của tình trạng giải ngân vốn chậm.

Một số đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng về trách nhiệm, giải pháp thu hút FDI công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp; trách nhiệm của bộ và Bộ trưởng trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia; giải pháp khắc phục những vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công; giải pháp cụ thể giải quyết vướng mắc trong giải ngân vốn ODA...

Giải trình trong khoảng thời gian còn lại ít ỏi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận có tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng cơ bản lớn, các dự án phê duyệt vượt quá 3 lần khả năng thu xếp vốn… Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ hệ thống pháp luật chưa được chặt chẽ.

“Luật Đầu tư công được ban hành đã giảm đáng kể tình trạng trên, tuy nhiên, việc thực hiện luật này trên thực tế vẫn còn lúng túng, bất cập, chưa thống nhất giữa các bộ, cơ quan, địa phương với Bộ KH-ĐT”, ông Dũng nói.

Theo vị này, việc mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng nguồn vốn dẫn tới tình trạng “co kéo” trong bố trí vốn đầu tư tại các bộ, cơ quan, địa phương. Điều này dẫn đến việc bố trí không đủ tỷ lệ, không đáp ứng tiến độ thực hiện dự án, không rõ ràng về sắp xếp thứ tự ưu tiên, kéo dài thời gian thực hiện dự án, bố trí vốn dàntrải... Trong một số trường hợp, bộ, cơ quan, địa phương cho rằng đây là trách nhiệm của Bộ bố trí vốn thiếu, nhưng theo quy định, việc lựa chọn danh mục dự án và bố trí cụ thể cho từng dự án thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương.

Bộ trưởng cũng thẳng thắn: “Chúng tôi xin nhận trách nhiệm, đó là là chưa cương quyết, còn nể nang trong việc yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Đầu tư công cũng như các nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ”.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) về thu hút vốn FDI, Bộ trưởng cho biết việc thu hút các dự án FDI đến nay đã được 30 năm. Hiện nay, trong bối cảnh tổng đầu tư toàn xã hội, đầu tư Nhà nước còn hạn hẹp thì dựa vào đầu tư xã hội gồm thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân là cần thiết.

Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng cho biết, thời gian tới, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài sẽ tập trung hướng vào ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường, ít sử dụng lao động, tài nguyên; hoàn thiện khung pháp lý theo hướng xóa bỏ sự khác biệt về gia nhập thị trường giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; hoàn thiện các quy định về mua bán và sáp nhập; tạo liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp tư nhân trong nước...

"Đau đầu" việc bố trí vốn cho dự án lớn

Nhiều dự án quan trọng chưa bố trí được vốn

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, còn một số dự án quan trọng, cấp bách chưa cân đối được nguồn bố trí như: Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chưa cân đối được vốn hỗ trợ từ NSTW cho công tác GPMB; Dự án nâng cấp mở rộng QL19 đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao QL1 (tỉnh Bình Định); Dự án đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án đường Hồ Chí Minh các đoạn còn lại theo quy định tại Nghị quyết số 66/2013/QH13;Các dự án BT phải thanh toán từ NSTW: Dự án đường HCM đoạn La Sơn – Túy Loan, Dự án nâng cấp mở rộng QL20 – Dự án thành phần 1 và Dự án thành phần 2, Dự án ĐTXD ngã ba Huế…

Theo đó, trong điều kiện ngân sách khó khăn, Chính phủ sẽ xem xét sử dụng một phần vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) để giải quyết trước một số dự án thực sự cấp thiết.

Lấy nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn làm Long Thành

Về dự án sân bay Long Thành, để đẩy nhanh tiến độ triển khaiChính phủ đã trình Quốc hội trong kỳ họp này việc tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập để triển khai trước.

Về nguồn vốn thực hiện, dự kiến nhu cầu để giải phóng mặt bằng, tái định theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai là 23.019 tỉ đồng (theo đơn giá năm 2017). Tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10.11.2016, Quốc hội đã cho phép sử dụng 5.000 tỉ đồng từ nguồn vốn TPCP giai đoạn 2017-2020 để thực hiện công tác GPMB.

Đối với số vốn còn thiếu khoảng 18.019 tỉ đồng, Bộ KH-ĐTsẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội bổ sung từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn (nếu có điều kiện) để tiếp tục triển khai thực hiện.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chúng tôi còn nể nang trong việc yêu cầu thực hiện luật