Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rằng hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở còn thiếu và yếu; năng lực quản lý Nhà nước, xử lý tình huống còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về 3 bài học chống dịch COVID-19

Lam Thanh | 09/11/2021, 19:04

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rằng hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở còn thiếu và yếu; năng lực quản lý Nhà nước, xử lý tình huống còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu…

Giải trình tại Quốc hội ngày 9.11, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết các đại biểu có chung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 2021 nhiều khó khăn, thách thức khi đợt bùng phát COVID-19 lần thứ 4 xảy ra tại nhiều địa phương; dịch xâm nhập trung tâm kinh tế, đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, diễn biến phức tạp; biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn.

ncd.jpg
Bộ trường Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

"Chúng ta đã áp dụng biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ. Do đó, đời sống nhân dân, các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng phát triển kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng, sức chống chịu của người dân, những người có thu nhập thấp đã giảm mạnh", ông Dũng nhận định, và cho biết việc 4/12 chỉ tiêu năm 2021 không đạt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP, phản ánh sát tình hình thực tiễn.

Ông Dũng cho biết Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát đại dịch COVID-19 đã tạo nền tảng quan trọng để phục hồi kinh tế trong năm 2021 và phát triển ở 2022.

Có 3 bài học quan trọng được rút ra sau đợt dịch vừa qua, đặc biệt là những khiếm khuyết cần khắc phục.

Thứ nhất, hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở còn thiếu và yếu dẫn đến lúng túng khi dịch bệnh bùng phát nhanh, phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Thứ hai, năng lực quản lý Nhà nước, xử lý tình huống còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu thống nhất, đồng bộ, cục bộ địa phương, làm đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hóa, sản xuất và tiêu thụ.

Thứ ba, sức mạnh, vai trò của cả hệ thống chính trị và của người dân là rất lớn. Theo đó, cần có sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế.

Ông Dũng cho hay, sau gần 1 tháng triển khai Nghị quyết 128 thì kinh tế đã có nhiều điểm sáng, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Cũng giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, đối với thu chi ngân sách năm 2021, nhiệm vụ này đã hoàn thành. Ông Phớc cho biết bội chi cũng đảm bảo quy định 4% của Quốc hội.

Đối với ý kiến dư địa của nợ công còn lớn, cần tăng bội chi ngân sách, Bộ trưởng Phớc cho biết dư địa không còn nhiều, vì giai đoạn 2016-2020, tổng vay của Chính phủ là 1,852 triệu tỉ đồng. Giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến vay 3,068 triệu tỉ đồng. Nợ công cuối 2026 sẽ gấp 6 lần 2020. Theo đánh giá, nợ công 2025 theo đánh giá sẽ là 46,5% GDP mới, nếu tính theo GDP cũ là 57,9%, tức là đã vượt ngưỡng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính ủng hộ các gói kích cầu để đảm bảo kinh tế phát triển và sau đó mới quay trở lại thu ngân sách, giảm bội chi trong các năm sau.

“Chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng gói hỗ trợ lãi suất, mỗi năm khoảng 20.000 tỉ đồng trong 2 năm. Như vậy, nếu hỗ trợ 4%/năm thì chúng ta có 1 triệu tỉ 'ném' vào nền kinh tế và sau đó thúc đẩy việc làm và giảm bội chi ngân sách cho thời kỳ sau”, Bộ trưởng nói.

Về tỷ lệ điều tiết của TP.HCM, giai đoạn 2017-2021 là 18%; năm đó tổng chi ngân sách là hơn 60 nghìn tỉ đồng, bình quân 7,1 triệu/người.Năm 2021 tổng chi là hơn 69 nghìn tỉ đồng, bình quân 7,4 triệu đồng/người và năm 2022 xây dựng 84 nghìn tỉ, bình quân 8,8 triệu đồng/người.

“Rất mong các tỉnh giàu thông cảm vì ngân sách còn phải lo cho 47 tỉnh nghèo nữa. Hiện nay có những tỉnh mà đoàn ĐBQH chưa có xe ô tô, lãnh đạo tỉnh vẫn đi xe 20 năm và cơ sở hạ tầng rất kém, nhiều nơi chưa có điện, trường…”, Bộ trưởng nói.

bt-tai-chinh.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại Quốc hội 

Về đề nghị tăng dự toán thu dầu thô, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết không tăng được. Lý do là sản lượng thực tế hàng năm giai đoạn 2016-2020 giảm. Sản lượng khai thác các mỏ hiện tại cũng suy giảm do giếng dầu cạn và rủi ro kỹ thuật, địa chất cao.

Đối với vẫn đề hỗ trợ lãi suất năm 2009 dẫn đến nợ xấu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thời gian đó hỗ trợ diện rộng, dàn trải, hỗ trợ cả các doanh nghiệp có nợ xấu. Hiện nay, Bộ rút kinh nghiệm, sẽ hạn chế đối tượng hỗ trợ cho vay, tập trung vào nhóm có khả năng đầu tư tăng thêm giá trị cho nền kinh tế, đặc biệt đối tượng vay không có nợ xấu và đảm bảo đúng điều kiện vay, thủ tục đơn giản, quyết toán dễ dàng, chặt chẽ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về 3 bài học chống dịch COVID-19