Bộ trưởng Bộ Y tế Karl Lauterbach cho biết Đức phải cải tiến chiến lược tiêm vắc xin COVID-19 để đối phó với biến thể Omicron và đảm bảo nước này có thể phát triển một loại vắc xin mới nhanh chóng nếu phải đối mặt với một biến thể nguy hiểm hơn trong tương lai.

Bộ trưởng Y tế Đức: Cần phát triển nhanh vắc xin mới để chống biến thể nguy hiểm hơn Omicron

Sơn Vân | 09/01/2022, 09:05

Bộ trưởng Bộ Y tế Karl Lauterbach cho biết Đức phải cải tiến chiến lược tiêm vắc xin COVID-19 để đối phó với biến thể Omicron và đảm bảo nước này có thể phát triển một loại vắc xin mới nhanh chóng nếu phải đối mặt với một biến thể nguy hiểm hơn trong tương lai.

Trở thành Bộ trưởng Y tế Đức vào tháng trước, ông Karl Lauterbach đưa ra bình luận của mình trong cuộc phỏng vấn được đăng trên báo Welt am Sonntag.

Karl Lauterbach nói: “Nếu chứng kiến một biến thể dễ lây lan như Omicron nhưng nguy hiểm hơn đáng kể, chúng ta cần phát triển và sản xuất một loại vắc xin mới trong thời gian rất ngắn”.

Theo ông, chính phủ Đức đang có kế hoạch triển khai một hệ thống thường trực để mua và cung cấp vắc xin nhanh chóng vào bất kỳ thời điểm nào vì có thể xuất hiện những đợt bùng phát dịch mới nghiêm trọng.

Karl Lauterbach cho hay: “Chúng ta không được rơi vào giả định ngây thơ rằng đại dịch sẽ sớm kết thúc. Nó vẫn chưa kết thúc”.

can-phat-trien-nhanh-vac-xin-moi-chong-bien-the-nguy-hiem-hon-omicron.jpg
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach phát biểu trong cuộc họp báo - Ảnh: Reuters

Đức đã đóng cửa các trung tâm tiêm chủng lớn ở một số bang vào mùa hè năm ngoái khi nhu cầu tiêm vắc xin COVID-19 giảm xuống mức nhỏ giọt trong thời gian ngắn, trước khi tăng trở lại.

Viện Robert Koch (RKI) về bệnh truyền nhiễm cho biết biến thể Omicron hiện chiếm 44% số ca COVID-19 ở Đức. Hôm 8.1.2022, RKI đã thống kê được 55.889 ca mắc COVID-19 mới trong vòng 24 giờ, nhiều hơn gấp đôi con số một tuần trước đó.

Ngày 7.1.2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và các nhà lãnh đạo khu vực đã thắt chặt các quy định về việc đến nhà hàng và quán bar như một phần trong nỗ lực khuyến khích nhiều người hơn tiêm mũi vắc xin thứ 3.

Những người đã tiêm mũi vắc xin thứ 3 được miễn các quy định nghiêm ngặt hơn về việc ăn uống như yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính ngoài bằng chứng đã tiêm vắc xin hoặc khỏi COVID-19 để vào nhà hàng hoặc quán bar.

Theo các biện pháp mới được quyết định hôm 7.1.2022, những người ở Đức đã tiêm mũi vắc xin thứ 3 sẽ không phải cách ly sau khi tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19.

Ông Olaf Scholz nói rằng tất cả nhà lãnh đạo 16 bang đều ủng hộ việc thực hiện quy định tiêm vắc xin chung và Hạ viện (Bundestag) sẽ sớm thảo luận về dự thảo luật.

Số người chết COVID-19 ở Anh vượt quá 150.000 sau khi Omicron lây lan nhanh

Hôm 8.1.2022, số người chết được ghi nhận ở Anh do COVID-19 đã tăng trên 150.000, sau một làn sóng kỷ lục số ca do biến thể Omicron gây ra. Khoảng 313 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua được ghi nhận hôm 8.1.2022, nâng tổng số người chết lên 150.057.

Thủ tướng Anh - Boris Johnson tuyên bố: "COVID-19 đã gây ra thiệt hại khủng khiếp cho đất nước và hiện nay số người chết được ghi nhận đã lên tới 150.000 người. Cách để chúng ta thoát khỏi đại dịch này là mọi người nên tiêm mũi văc xin tăng cường hoặc liều đầu tiên, thứ hai nếu họ chưa tiêm".

Nước Anh chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca nhiễm biến thể Omicron những tuần gần đây, dù tỷ lệ tử vong thấp hơn so với các đợt dịch trước đó.

Chính phủ Anh đã tập trung vào việc triển khai tiêm mũi vắc xin tăng cường (đạt hơn 60% dân số) thay vì áp dụng lại các biện pháp hạn chế từng thấy trước đó trong đại dịch.

Khoảng 1,227 triệu người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong 7 ngày qua, nhiều hơn 11% so với tuần trước, trong khi số ca chết tuần qua tăng 38% so với tuần trước đó (1.271).

Có dấu hiệu dự kiến ​​số ca COVID-19 mới có thể đã chạm đỉnh, với 146.390 trường hợp được ghi nhận hôm 8.1.2022, giảm so với mức kỷ lục 218.724 được ghi nhận ngày 4.1.2022.

Số người chết do COVID-19 tích lũy ở của Anh cao thứ hai ở châu Âu, chỉ sau Nga (hơn 315.400). Song trên cơ sở đầu người, Mỹ, Ý, Bỉ và một số quốc gia ở Đông Âu có tỷ lệ tử vong do COVID-19 tích lũy cao hơn Anh.

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Anh cao hơn 7% so với tỷ lệ trung bình của Liên minh châu Âu (EU), theo số liệu từ trang Our World in Data.

Mới đây, Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng và Miễn dịch Anh (JCVI) cho biết vẫn chưa cần đến mũi tiêm vắc xin COVID-19 thứ tư, vì liều thứ ba vẫn đang cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại bệnh nặng do Omicron ở người lớn tuổi.

Theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), các số liệu mới nhất cho thấy, với những người trên 65 tuổi, khả năng bảo vệ chống lại nhập viện vẫn ở mức khoảng 90% trong 3 tháng kể từ khi tiêm mũi vắc xin thứ ba.

Điều đó đồng nghĩa JCVI đã khuyến nghị chính phủ tiếp tục ưu tiên tiêm mũi vắc xin thứ ba cho tất cả người lớn, thay vì bắt đầu cung cấp liều thứ tư cho các nhóm dễ bị tổn thương như những người từ 80 tuổi hoặc cư dân tại nhà chăm sóc. Qua đó, Vương quốc Anh đánh dấu việc không theo đuổi chiến lược tiêm vắc xin COVID-19 của Israel, vốn đang triển khai mũi tiêm thứ tư cho những người từ 60 tuổi, nhân viên y tế và những ai bị suy giảm miển dịch.

Giáo sư Wei Shen Lim, Chủ tịch JCVI, nói: “Dữ liệu hiện tại cho thấy mũi vắc xin tăng cường đang tiếp tục cung cấp mức độ bảo vệ cao chống lại bệnh COVID-19 nghiêm trọng, ngay cả với những nhóm tuổi già dễ bị tổn thương nhất. Vì lý do này, ủy ban đã kết luận rằng không cần thiết phải đưa ra liều tăng cường thứ hai ngay lập tức, dù điều này sẽ tiếp tục được xem xét”.

Ông Wei Shen Lim nói thêm rằng dữ liệu là "rất đáng khích lệ" và nhấn mạnh giá trị của mũi vắc xin tăng cường.

Với việc Omicron tiếp tục lan truyền rộng rãi, tôi khuyến khích mọi người nhận mũi vắc xin tăng cường, hoặc nếu chưa chủng ngừa thì tiêm hai liều đầu tiên, để tăng khả năng bảo vệ chống lại bệnh trọng”, ông Wei Shen Lim nói.

Dữ liệu dựa trên nghiên cứu của UKHSA xem xét hiệu quả mũi vắc xin thứ ba ở những người từ 65 tuổi. Họ thuộc những người đầu tiên đủ điều kiện tiêm mũi vắc xin tăng cường kể từ khi khởi động chiến dịch vào giữa tháng 9.2021.

Dù vậy, hiệu quả của mũi vắc xin thứ ba chống nhiễm Omicron có triệu chứng duy trì không lâu dài, giảm xuống khoảng 30% sau 3 tháng.

JCVI cho biết mục đích chính của chiến dịch tiêm vắc xin là ngăn ngừa bệnh nặng chứ không phải nhiễm SARS-CoV-2.

Bài liên quan
Bang được tiêm vắc xin nhiều nhất Đức có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất do Omicron
Có tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cao nhất nước đến nay nhưng bang Bremen trở thành nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự lây lan cực nhanh của biến thể Omicron

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp sạt lở trên các tuyến đê bờ sông Bùi
3 phút trước Sự kiện
TP.Hà Nội vừa công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê, sạt lở bờ sông Bùi tại huyện Chương Mỹ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Y tế Đức: Cần phát triển nhanh vắc xin mới để chống biến thể nguy hiểm hơn Omicron