Hôm nay (14.5) là đúng 28 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng và đủ điều kiện để công bố hết dịch COVID-19, tuy nhiên Bộ Y tế vẫn chưa công bố hết dịch ở thời điểm này.
Theo Quyết định 02/2016/QĐ-TTg về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, ngoài việc đáp ứng điều kiện quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, việc công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm phải đáp ứng điều kiện: Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định cho từng bệnh.
Ngày 26.2.2020, Thủ tướng ban hành Quyết định 07/2020/QĐ-TTg sửa đổi một số Điều của Quyết định 02/2016/QĐ-TTg về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.
Theo đó, bổ sung thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới đối với bệnh COVID-19 (trước đây gọi là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra) tại Phục lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28.1.2016.
Cụ thể, bệnh COVID-19 thuộc nhóm A, thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 28 ngày (thời gian được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế). Việc bổ sung COVID-19 vào danh mục cũng như quy định thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới để có đủ cơ sở pháp lý làm căn cứ công bố hết dịch đối với dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện.
Trao đổi về vấn đề công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam khi liên tiếp 28 ngày không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Chúng tôi xác định đến khi không còn có ca nào nhiễm bệnh thì mới công bố, không nhất thiết phải công bố vì chúng ta vẫn đặt trong tình trạng luôn luôn sẵn sàng, không chủ quan, không lơ là để đảm bảo công tác phòng chống dịch có hiệu quả. Việt Nam kiểm soát dịch bệnh rất tốt, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta được chủ quan, không chú ý đến việc tránh lây nhiễm khi các hoạt động dịch vụ trở lại. Vẫn cần nâng cao đề phòng, hạn chế tiếp xúc nơi đông người và giữ gìn vệ sinh cẩn thận".
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đến hôm nay là 28 ngày Việt Nam không phát hiện thêm ca lây nhiễm nào trong cộng đồng. Tuy nhiên Việt Nam vẫn không công bố hết dịch vì vẫn còn các bệnh nhân đang điều trị trong các bệnh viện và bệnh này có các triệu chứng, diễn biến khó lường. Hơn nữa, trong khoảng thời gian tới đây, các nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ nước ngoài về vẫn còn nhiều vì chúng ta đang đón công dân trở về nước.
"Chính vì vậy, các đơn vị y tế, y tế dự phòng vẫn phải thường trực để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ dập dịch nếu bùng phát trở lại. Nếu chúng ta công bố hết dịch thì mọi hệ thống sẽ ngừng, ngành y tế sẽ không phải trực nữa. Nếu dịch bệnh bùng phát trở lại thì các hệ thống y tế dự phòng không kịp khởi động lại nên chưa thể công bố hết dịch được", ông Nga khẳng định.
Cũng trong sáng 14.5, báo cáo của Sở Y tế TP.HCM thông tin bệnh nhân 91 đang rất nguy kịch. Bộ Y tế đã giao các bệnh viện nhanh chóng sắp xếp để có phương án ghép phổi cho bệnh nhân. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người cho biết, đã có 2 người đăng ký hiến tạng cho bệnh nhân 91, tuy nhiên 1 người có phổi bị tổn thương, người còn lại phổi không phù hợp nên vẫn chưa thể ghép phổi cho bệnh nhân này.
“Bệnh nhân là người châu Âu, cấu trúc gen khác nên phổi được hiến tặng phải tương thích theo cân nặng, chiều cao, kích thước phổi mới đủ điều kiện ghép. Nếu ghép thành công, cơ thể thích nghi tốt, bệnh nhân có thể uống thuốc ức chế miễn dịch, chống thải ghép trong vòng 3-4 năm. Nếu có dấu hiệu đào thải, người bệnh phải uống thuốc này gần như suốt đời”, ông Phúc trao đổi.
Dạ Thảo