Đội tuyển U.22 Việt Nam lại thua bạc nhược và đầy cay đắng trước Thái Lan 0-3 tại vòng bảng để rồi rời SEA Games 29 trong thế cúi đầu. Người hâm mộ thất vọng nhưng không hụt hẫng bởi tự hiểu bóng đá nam đã bao năm qua luôn là như vậy.
Chu trình cho các đội tuyển nam ở các giải lớn gần đây luôn làđầu tư nhiều, kỳ vọng lớn, tắm mình trong những lần tung hô rồi cuối cùng là thua khó hiểu, thua trong hoài nghi.
Đi tìm nguyên nhân liên tục thua của các cầu thủ nam từng giải thì chúng ta có quá nhiều phân tích rồi. Nhưng nếu nhìn sâu vấn đề mang tính hệ thống thì thấy nếu các cầu thủ chịu "cần kiệm liêm chính" thì chắc bóng đá nam chúng ta không thua nhiều, thua dai, thua bền vữngthời gian qua.
Cần ở đây là cần cù, các cầu thủ không chỉ luyện tập kéo dài mà phải luyện tập thực chất, có hiệu quả. Đội tuyển bóng đá nam trước khi dự SEA Games đã được luyện tập rất lâu còn người Thái luyện tập chỉ vài tuần mà lại chơi hơn hẳn chúng ta thì phải xem lại cách tập của các cầu thủ có thật hiệu quả không.
Kiệm chính là tiết kiệm. Vấn đề cần nói ở đây không phải là chuyện các cầu thủ phung phí nhiều cơ hội, sút phạt đền vọt xà mà là lối sống cầu thủ. Họ dễ dàng chạy theo đồng tiền, bị ám ảnh bởi những đồng tiền thưởng nên xao lãng chuyện chuyên môn. Cứ nhìn các cầu thủ khoe khoang xe cộ trên mạng xã hội là biết họ chẳng kiệm. Hệ quả là nhiều cầu thủ vì không biết kiệm nên chẳng giữ được chữ liêm và chữ chính.
Liêm ở đây chính là liêm khiết, trong sạch, chính ở đây là chính trực, ngay thẳng. Bóng đá Việt Nam bị ảnh hưởng vì thiếu trong sạch, vì gian dối. Nhiều tuyển thủ mà bán rẻ danh dự, tham gia cá độ phải chịu cảnh tù tội. Tai hại hơn, họ khiến người hâm mộ đánh mất niềm tin. Thế nên khi Việt Nam thua Thái Lan thì nhiều người lại buột miệng “hay là chúng nó lại bán”. Hết hiệp 1, nhiều người đã tắt TV hay chuyển sang xem trận Indonesia – Campuchia mà họ cảm thấy tin tưởng hơn.
Không chỉ đặt vấn đề với các các cầu thủ mà chúng ta còn phải xem ban huấn luyện đã thật sự “chí công vô tư” chưa. “Chí công, vô tư” là hết lòng, hết sức lo cho công việc chung của tập thể, hết sức về sự công bằng, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, riêng tư. Nhưng giải lần này, nhiều ý kiến cho rằng ban huấn luyện o bế một số cầu thủ thân thiết, không có phong độ tốt vào đá chính khiến ảnh hưởng đến kết quả của cả đội. Cho nên vấn đề “chí công vô tư” trong đội tuyển U.22 cần mổ xẻ thấu đáo.
Cũng không chỉ cầu thủ mới cần kiệm liêm chính, ban huấn luyện cần chí công vô tư mà cácquan chức VFF cũng cần xem lại mình. Các quan chức VFF cần hướng tới một nền bóng đá cần kiệm liêm chính, điều hành chí công vô tư thì bóng đá mới phát triển được.
Minh Tâm