Dù bận rộn, bộn bề với công việc kinh doanh, mua bán của gia đình, nhưng hễ khi nào có người liên hệ để vận động ủng hộ làm từ thiện, là 2 anh em ông Chung Thành Liêm (70 tuổi) và Chung Thành Quân (64 tuổi, cùng ngụ xã Lợi An, H.Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) lại tạm gác công việc của gia đình sang một bên, rồi lật đật đi khảo sát hoàn cảnh của người cần giúp đỡ trước khi đưa ra quyết định làm từ thiện.

Cà Mau: Hai anh em 'ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng’

Trần Khải | 11/03/2020, 18:32

Dù bận rộn, bộn bề với công việc kinh doanh, mua bán của gia đình, nhưng hễ khi nào có người liên hệ để vận động ủng hộ làm từ thiện, là 2 anh em ông Chung Thành Liêm (70 tuổi) và Chung Thành Quân (64 tuổi, cùng ngụ xã Lợi An, H.Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) lại tạm gác công việc của gia đình sang một bên, rồi lật đật đi khảo sát hoàn cảnh của người cần giúp đỡ trước khi đưa ra quyết định làm từ thiện.

Đem lại ánh sáng cho hàng chục người suýt mù

Ông Quân - người đàn ông tuổi lục tuần nhưng còn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nói năng từ tốn và nhỏ nhẹ, lịch thiệp. Nói về công việc làm từ thiện, ông Quân xua tay bảo:

“Tôi có làm được chuyện gì lớn đâu mà phô trương làm gì, những việc tôi làm là trong khả năng của mình thôi. Những người tôi giúp, tất cả họ đều xứng đáng được nhận, chứ không phải ai xin tôi cũng cho. Trước khi cho, tôi phải xác minh hoàn cảnh rõ ràng, tránh việc lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi”.

Ông Liêm và cây cầu được ông hỗ trợ xây dựng cho địa phương - Ảnh: Khải Trần

Theo ông Quân, mặc dù bản thân ông không có dư dả gì, nhưng bằng mối quan hệ quen biết của mình, khi có hoàn cảnh gia đình nào đó gặp khó khăn thật sự, ông Quân đã đến phối hợp với chính quyền sở tại rồi tìm hiểu hoàn cảnh đó như thế nào, sau đó quay clip để đi vận động.

“Trước tiên là tôi đem cho bạn bè xem rồi vận động, ai có được bao nhiêu thì ủng hộ bấy nhiêu, số còn lại tôi bù vào, chứ tôi không áp đặt bạn bè mình phải cho bao nhiêu. Vì khả năng của họ như thế nào, họ tự chủ được thì ủng hộ chớ sao mình ép được. Làm từ thiện là phải làm từ cái tâm, cái tình giữa con người với nhau”, ông Quân cho biết.

Người đàn ông này còn nói, từ trước đến nay ông đã hỗ trợ kinh phí ăn uống, đi lại cho hàng chục bệnh nhân nghèo có cơ hội được đi mổ mắt miễn phí, tìm lại ánh sáng. Riêng khoản chi phí phục vụ cho mỗi ca mổ lên đến hơn 10 triệu đồng/trường hợp, thì ông Quân thông qua mối quan hệ cá nhân với các cơ sở từ thiện để đưa họ đi mổ mắt miễn phí. Nguồn kinh phí chủ yếu từ nguồn vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm gần xa. Từ nhiều năm qua, ông Quân đã đưa hàng chục người bị cườm đá, đục thủy tinh thể… có nguy cơ bị mù mắt tìm thấy ánh sáng.

Ông Liêm luôn tâm niệm làm việc thiện để tích đức cho con cháu về sau - Ảnh: Khải Trần

Ông Quân tâm tình: “Khi họ sáng mắt, họ mừng lắm, họ mong muốn tìm mình để nói lời cảm ơn, nhưng tôi nói thôi, vì hoàn cảnh họ khó khăn, đi lại sẽ rất tốn kém. Với tôi, giúp được gì cho người nghèo là mừng rồi, tôi chẳng cần sự trả ơn, đáp đền làm gì đâu. Hơn hết, tôi giúp được ai đó thì tôi phấn khởi vô cùng, bữa đó chắc chắn việc ăn ngủ ngon lành luôn”.

Ông Quân hồi tưởng: “Tôi nhớ có lần đi khảo sát để xây dựng nhà cho 1 hộ dân ở H.Trần Văn Thời. Phải nói là trường hợp đó rất hoàn cảnh, căn nhà của họ chẳng khác nào ổ chuột, mái nhà lá rách nát, chỉ còn trơ lại mỗicọng sống lá thôi, cao su thì căng, buộc chằng chịt. Ngày mưa, hay ngày nắng thì trong nhà, ngoài sân không khác gì nhau”.

Người đàn ông trong căn nhà đó mắc bệnh hiểm nghèo, bản thân ông này mất khả năng lao động, nhưng lại phải nuôi đứa cháu ngoại tật nguyền vì bị bệnh hở hàm ếch, khiến cho việc ăn uống rất khó khăn.

“Lần đó, ban đầu tôi dự định hỗ trợ tiền cháu bé đi trị bệnh, nhưng khi vào đó, thì cháu bé được 1 nhà hảo tâm khác nhận hỗ trợ rồi. Chứng kiến hoàn cảnh như vậy, tôi mới quay clip vận động bạn bè ủng hộ, còn thiếu thì tôi bỏ tiền túi ra để xây cho gia đình đó 1 căn nhà che mưa nắng. Ngày giao nhà, họ xúc động đến phát khóc luôn, tội nghiệp dữ lắm và luôn miệng cảm ơn tôi”.

Ông Lê Văn Tổng, ngụ xã Khánh Hưng, H.Trần Văn Thời chia sẻ thông tin với PV - Ảnh: Khải Trần

Nói về ông Quân, ông Lê Thanh Tổng (64 tuổi, ngụ xã Khánh Hưng, H.Trần Văn Thời), người có thâm niên gần 15 năm vận động làm từ thiện, cho biết: “Ông Quân là người sống gần gũi, nghĩa tình, khi có trường hợp nào khó khăn, tôi mở lời là ông sẵn sàng giúp ngay. Với ai tôi không biết, chứ với ông Quân thì rất dứt khoát, đã không hứa thì thôi, một khi đã hứa thì rất là uy tín. Ông Quân hứa với tôi, sắp tới ông ấy sẽ vận động bạn bè hỗ trợ xây 1 căn nhà cho 1 trường hợp khó khăn ở xã lân cận. Ông ấy là người rất có tâm và tình nghĩa lắm, chẳng bao giờ so sánh thiệt hơn đâu”.

Hai anh em cùng làm thiện

Còn ông Chung Thành Liêm (70 tuổi, là anh ruột của ông Quân), cũng là con người rất nguyên tắc, sống nghĩa tình, thích làm từ thiện. Ở địa phương, 2 anh em của ông Liêm - Quân luôn được người dân địa phương quý mến và đặt cho cái tên thân thương là những người thích “lo chuyện bao đồng”.

Rất nhiều cây cầu GTNT được ông Liêm xây tặng cho người dân địa phương - Ảnh: Khải Trần

Bởi ngoài việc kinh doanh của gia đình, anh em ông Liêm còn bỏ tiền ra xây cầu, đường giúp cho việc đi lại của người dân địa phương được thuận tiện, dễ dàng hơn. Từ nhiều năm qua, hễ đi đến đâu, thấy đường sá xập xệ, xuống cấp là anh em ông Liêm tự thuê nhân công, rồi lấy vật liệu của gia đình đi xây đường, làm cầu cho “thiên hạ”.

“Lâu nay, nhiều người nói anh em tôi suốt ngày không lo làm ăn, mà đi lo cho “thiên hạ”. Khi đó, tôi cười hề hề rồi nói rằng, đời người có sống được bao lâu đâu, lo được gì, giúp được gì cho xã hội này thì giúp cũng đáng. Chứ chết đi rồi, của cải có nhiều cũng có đem theo được đâu. Thôi thì, làm từ thiện để đức lại cho con cháu mình sau này. Để khi mất đi, người đời còn nhắc tên mình nữa chứ”, ông Liêm cười hiền.

Được biết, ông Liêm còn được biết đến là người trực tiếp “se duyên” cho hàng chục cặp đôi nên nghĩa vợ chồng. Những người nào làm thuê cho ông, gắn bó với gia đình ông từ 2 năm trở lên nếu có nhu cầu cưới vợ, lấy chồng là ông sẵn sàng giúp hết. Ông nói: “Nhiều người nói, họ ở với mình, mình trả lương rồi thì thôi, cớ gì giúp họ cưới hỏi làm gì cho tốn kém.

Ông Quân sẵn sàng bỏ tiền ra để giúp những hoàn cảnh khó khăn thật sự - Ảnh: Khải Trần

Nhưng tôi thì suy nghĩ khác, mình trả lương là một chuyện, còn mình giúp họ cưới vợ là chuyện khác chứ, làm điều đó, các em, các cháu nó trân quý mình dữ lắm. Vì có khi, đồng lương họ lãnh ra, còn phải lo toan mọi thứ, thì lấy đâu ra tiền mà cưới vợ, mình giúp họ có được điều họ muốn thôi, chứ tôi không cần nhận lại sự trả ơn đâu. Đồng tiền tuy có quý giá, nhưng tình nghĩa còn quý hơn gấp bội lần”.

Chẳng những ông Liêm giúp đỡ người làm thuê cưới vợ là xong việc, bên cạnh đó, ông còn xây nhà cho họ ở và giúp vốn, hỗ trợ sinh kế cho những người này làm ăn. Từ đó, giúp họ có thêm động lực để phấn đấu.

Ông Liêm thông tin: “Những người tôi giúp phải là người tử tế, chịu khó và thật thà. Tôi nhìn người ai thật, ai gian là biết liền à. Cho nên, có đứa chịu khó, tôi còn đứng ra mua xe ô tô cho nó chạy xe dịch vụ, rồi trả dần cho tôi tiền vốn, chứ tôi không tính lãi. Giờ tụi nó đến cảm ơn tôi, tôi nói cháu lo làm ăn, lo cho gia đình đó đã là trả ơn cho bác rồi”.

Anh em ông Liêm - Quân đến làm từ thiện tại 1 ngôi chùa - Ảnh: Khải Trần

Chị Lưu Khánh Ly, 34 tuổi, ngụ ấp Cỏ Xước, xã Lợi An, hồ hởi: “Bác Liêm rất tốt, xã hội này rất hiếm người như bác ấy. Trước đây, gia cảnh tôi khó khăn, cũng may được bác xây tặng căn nhà có nơi che nắng, che mưa nên tôi rất vui mừng. Bác ấy là người lương thiện nhất mà tôi từng gặp. Từ khi có nhà ở do bác ấy tặng, cuộc sống gia đình tôi dần ổn định. Tôi rất biết ơn bác, nhờ có bác giúp đỡ mà tôi mới có được như ngày hôm nay”.

Một lãnh đạo H.Trần Văn Thời, ghi nhận: “Nhiều năm qua, anh em ông Liêm - Quân có rất nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội ở địa phương. Năm vừa rồi, ông Liêm còn vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng bằng khen vì có thành tích tốt trong phong trào đóng góp xây dựng Nông thôn mới. Tấm lòng của anh em ông Liêm rất đáng trân trọng. Đặc biệt, anh em ông Liêm rất nhiệt tình và có tâm, mỗi khi địa phương có vận động gì, nếu trong khả năng thì các ông luôn nhận lời”.

Khải Trần
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Hai anh em 'ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng’