Các đối thủ hàng đầu của Apple đang điều chỉnh lại chiến lược với smartphone và kính thực tế hỗn hợp nhằm ghi dấu ấn.
Thế giới số

Các đối thủ hàng đầu của Apple thách thức iPhone và Vision Pro

Sơn Vân 23:11 28/04/2024

Các đối thủ hàng đầu của Apple đang điều chỉnh lại chiến lược với smartphone và kính thực tế hỗn hợp nhằm ghi dấu ấn.

Các đối thủ cạnh tranh của Apple đang tìm thấy cơ hội để cạnh tranh tốt hơn với iPhone, Vision Pro và các sản phẩm chủ chốt khác.

Đầu tháng này, Google đã thực hiện cuộc đại tu mang tính thay đổi lớn nhất với đội ngũ quản lý của mình kể từ khi Sundar Pichai được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành vào năm 2015. Trong khi đó, Meta Platforms đã đưa ra thông báo quan trọng rằng sẽ mở cửa hệ điều hành thực tế ảo của mình với bất kỳ nhà sản xuất kính nào, áp dụng cách tiếp cận được sử dụng cho Windows và Android.

Tại Google, cuộc cải tổ quản lý đã đưa Rick Osterloh, Giám đốc phần cứng Pixel, lên vai trò giám sát hệ điều hành Android. Sự thay đổi này được công ty định vị là một cách để tích hợp AI vào các sản phẩm của mình nhanh hơn và sâu hơn, nhưng đừng nhầm lẫn: Đây là một nỗ lực bắt chước mô hình phát triển sản phẩm của Apple.

Trong nhiều năm, các nhóm Google làm việc trên các sản phẩm phần cứng và Android đã có nhiều mâu thuẫn. Một nhóm đang cố gắng đưa những tính năng phần mềm tốt nhất vào thiết bị của mình trước tiên. Nhóm còn lại đang nỗ lực phát triển hệ sinh thái Android rộng lớn hơn cho hàng tỉ điện thoại, máy tính bảng và các sản phẩm khác - hầu hết trong số đó không phải do Google sản xuất.

Kể từ khi bắt đầu phát triển điện thoại của riêng mình cách đây 8 năm, Google đã phân chia phần cứng, phần mềm và dịch vụ ở các mảng riêng biệt. Hậu quả là các nhóm không thể cộng tác hiệu quả. Bây giờ, Google đang muốn giống Apple hơn. Động thái tại Google tương đồng cuộc cải tổ quản lý lớn đầu tiên của Tim Cook vào năm 2012, khi ông bổ nhiệm Giám đốc mảng dịch vụ Eddy Cue và Giám đốc phần mềm macOS lúc đó là Craig Federighi lên nắm giữ các vai trò rộng lớn hơn, đồng thời đẩy đi cựu giám đốc iOS - Scott Forstall.

Rick Osterloh và nhóm Pixel đã chịu áp lực trong nhiều năm để kiếm nhiều tiền hơn từ các thiết bị của họ, vốn có chi phí phát triển hoặc sản xuất không hề rẻ. Thế nhưng, nhóm Android chỉ coi mảng Pixel là một khách hàng khác, như Samsung Electronics, chứ không phải là một nửa hoạt động kinh doanh còn lại của công ty.

Với áp lực tăng trưởng lợi nhuận ngày càng tăng ở Google và thời thế đang thay đổi trong thị trường tìm kiếm cùng video trực tuyến, cách tiếp cận đó sẽ không còn hiệu quả nữa. Các thiết bị của Google cần phải trở thành ưu tiên hàng đầu của công ty. Vì vậy, chỉ vài tuần trước hội nghị thường niên dành cho các nhà phát triển Google I/O (nơi các tính năng mới của Android sẽ được ra mắt), Google đã tiến hành những thay đổi này, gồm việc sa thải giám đốc phần mềm lâu năm Hiroshi Lockheimer.

Rick Osterloh về cơ bản hiện gần giống như giám đốc điều hành các sản phẩm của Google. Ông ta nắm quyền kiểm soát tất cả sản phẩm không thuộc lĩnh vực internet của Google.

Dù Pixel đã có thương hiệu mạnh và tính năng phần cứng ấn tượng trong nhiều năm nhưng các thiết bị này chưa bao giờ tạo được nhiều bước tiến lớn trên thị trường. Bây giờ Google có một cơ hội tốt để xoay chuyển tình thế.

iPhone đang gặp khó khăn ở một số thị trường trọng điểm, bao gồm cả Trung Quốc, và Google có thể gia tăng thị phần smartphone bằng cách tạo ra các sản phẩm tốt hơn, tích hợp hơn.

Một lý do có thể khác dẫn đến sự thay đổi ở Google: Công ty không thể thâm nhập thị trường thực tế hỗn hợp (MR). Google đã nghiên cứu các tính năng thực tế tăng cường (AR) trong vài năm nhưng rõ ràng là đi sau Apple và Meta Platforms rất nhiều. Không có hệ điều hành Android cho MR, kết hợp AR với VR (thực tế ảo) và Google còn nhiều tháng nữa mới phát hành kính hợp tác với Samsung.

1200x799.jpg
Một người sử dụng kính thực tế ảo Meta Quest 3 - Ảnh: Bloomberg

Phương pháp phát triển sản phẩm tích hợp được cả Apple và Meta Platforms sử dụng chính là yếu tố giúp họ đưa kính thực tế hỗn hợp và thực tế ảo ra thị trường, trong khi Google vẫn đang loay hoay tìm cách.

Song có một sự thay đổi thú vị ở đây, vì Meta Platforms đang chuyển sang một chiến lược gợi nhớ đến Android hơn. Công ty đã thông báo rằng sẽ đổi tên hệ điều hành cho kính thực tế ảo của mình thành Meta Horizon OS và sẽ cung cấp nó cho bất kỳ nhà sản xuất nào.

Đó cũng chính là cách tiếp cận đã khiến Windows trở thành hệ điều hành máy tính thống trị và Android trở thành hệ điều hành smartphone được sử dụng nhiều nhất. Một lần nữa, đây cũng là một cơ hội tiềm năng để Meta Platforms vượt qua Apple. Vision Pro có thể là kính thực tế hỗn hợp ưu việt nhất hiện nay, nhưng nó quá đắt với hầu hết người tiêu dùng (giá 3.500 USD) và doanh số bán hàng đang chậm lại.

Việc mở rộng hệ điều hành của Meta Platforms cho tất cả người dùng có thể là con đường nhanh nhất để biến nó thành một cái tên quen thuộc trong thực tế hỗn hợp.

Tin tốt cho công ty mẹ Facebook là có nhiều thời gian để theo đuổi mục tiêu đó. Lộ trình sản phẩm của Vision Pro hiện là không ra mắt phiên bản thế hệ thứ hai cho đến cuối năm 2026, dù công ty đang cố gắng tìm cách đưa phiên bản rẻ hơn ra thị trường trước thời điểm đó. Theo Mark Gurman - nhà báo nổi tiếng của hãng tin Bloomberg, Apple vẫn đang bối rối về cách chính xác để giảm chi phí Vision Pro.

Apple sẽ giới thiệu VisionOS 2.0, phiên bản mới của hệ điều hành cho Vision Pro, trong năm nay nhưng điều đó không được cho sẽ thay đổi cuộc chơi. Bước tiến lớn tiếp theo của Vision Pro sẽ là mở rộng ra thị trường quốc tế, với việc Apple sẵn sàng bán thiết bị này ở Trung Quốc trong tương lai rất gần.

Dù sao đi nữa, đây vẫn là giai đoạn đầu của ngành thực tế hỗn hợp. Câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp là liệu có thiết bị nào khác cuối cùng sẽ thay thế hoàn toàn smartphone hay không. Điều đó tạo cơ hội cho các đối thủ của Apple để ghi dấu ấn.

Bài liên quan
Truyền thông Mỹ: Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple
CNBC, kênh truyền hình tin tức tài chính hàng đầu Mỹ, nhận định Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các đối thủ hàng đầu của Apple thách thức iPhone và Vision Pro