Theo những chuyên gia tham gia Triển lãm Ô tô Bắc Kinh, cuộc chiến giá khốc liệt trong lĩnh vực ô tô của Trung Quốc sẽ leo thang khi các nhà sản xuất tăng cường nỗ lực giành lấy thị phần lớn hơn tại nước này.
Thế giới số

Cuộc chiến giá ô tô điện ở Trung Quốc ngày càng khốc liệt khiến những hãng nhỏ sớm suy yếu

Sơn Vân 28/04/2024 10:25

Theo những chuyên gia tham gia Triển lãm Ô tô Bắc Kinh, cuộc chiến giá khốc liệt trong lĩnh vực ô tô của Trung Quốc sẽ leo thang khi các nhà sản xuất tăng cường nỗ lực giành lấy thị phần lớn hơn tại nước này.

Họ cho biết giá giảm có thể gây ra tổn thất nặng nề và làn sóng đóng cửa các công ty nhỏ, dẫn đến sự hợp nhất (công ty) trong toàn ngành mà chỉ những cái tên có sức mạnh sản xuất và túi tiền dồi dào mới tồn tại.

Lu Tian, ​​người đứng đầu bộ phận kinh doanh dòng xe Dynasty của BYD, nói với các phóng viên: “Xu hướng không thể đảo ngược là ô tô điện sẽ thay thế hoàn toàn xe chạy xăng”. BYD, nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu xác định lại một số phân khúc nhằm cung cấp những sản phẩm và giá tốt nhất để thu hút khách hàng Trung Quốc, Lu Tian nói thêm.

Lu Tian không cho biết liệu BYD có giảm giá ô tô điện thuần túy và xe hybrid plug-in thêm nữa hay không, sau khi công ty bắt đầu cuộc chiến giá cả vào tháng 2 bằng cách giảm giá từ 5 đến 20% để lôi kéo khách hàng tránh xa ô tô chạy xăng.

Xe plug-in hybrid là một loại ô tô sử dụng cả hai nguồn năng lượng là động cơ đốt trong và động cơ điện. Đặc trưng của xe plug-in hybrid là khả năng sạc điện từ nguồn ngoại vi, thường là một ổ cắm điện thông thường, giúp nó có thể chạy hoặc tăng cường nguồn năng lượng của mình từ lưới điện.

Các xe plug-in hybrid thường có khả năng chạy chỉ bằng điện cho một khoảng cách ngắn, sau đó chuyển sang sử dụng động cơ đốt trong khi pin điện cạn kiệt. Điều này tạo ra lợi ích về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính so với các ô tô chỉ sử dụng động cơ đốt trong.

Trong một báo cáo tuần trước, ngân hàng đầu tư nổi tiếng Goldman Sachs (Mỹ) cho biết lợi nhuận ròng của BYD có thể bằng 0 nếu đưa ra mức giảm giá 10.300 nhân dân tệ (1.421 USD) cho mỗi chiếc ô tô điện. Đây là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến giá leo thang ở Trung Quốc, thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới, sẽ gây bất lợi cho ngành công nghiệp đang phát triển nhanh này.

“Nếu một đợt giảm giá 10.300 nhân dân tệ nữa diễn ra (phù hợp với giả định của chúng tôi với BYD), chúng tôi ước tính lợi nhuận chung của ngành ô tô điện Trung Quốc có thể chuyển sang âm vào năm 2024”, Goldman Sachs nhận định.

Goldman Sachs cho biết mức giảm giá 10.300 nhân dân tệ tương đương 7% giá bán trung bình của BYD cho ô tô điện hãng này. BYD chủ yếu sản xuất các mẫu ô tô điện bình dân có giá từ 100.000 nhân dân tệ đến 200.000 nhân dân tệ.

Theo số liệu của Goldman Sachs, từ tháng 7.2023 đến nay, lợi nhuận chung của ô tô điện Trung Quốc đã giảm từ 2.100 nhân dân tệ xuống âm 1.600 nhân dân tệ do giá trung bình xe giảm 21.000 nhân dân tệ, tương đương 11% giá bán trung bình.

BYD đã khai mào cuộc chiến giá ô tô điện vào tháng 2, tung ra phiên bản mới của mẫu Qin Plus DM-i với giá khởi điểm là 79.800 nhân dân tệ, thấp hơn 20% so với phiên bản trước đó. BYD kể từ đó đã giảm giá gần như tất cả loại ô tô của mình từ 5 đến 20%.

Goldman Sachs cho biết giá của 50 mẫu ô tô thuộc nhiều nhãn hiệu khác nhau ở Trung Quốc đã giảm trung bình 10% kể từ thời điểm BYD chính thức khai mào cuộc chiến giá đó.

Tuần trước, Tesla đã hạ hơn 5% giá ô tô điện Model 3 và Model Y được sản xuất tại Thượng Hải, sau đợt giảm giá được thực hiện tại Mỹ.

Tiếp theo, Li Auto, đối thủ cạnh tranh với Tesla ở Trung Quốc, đã giảm giá tất cả loại ô tô điện của mình tới 5,7% để tăng cường doanh số.

Trung Quốc là thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% tổng doanh số toàn cầu. Tuy nhiên, ngành ô tô điện đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái do nền kinh tế tăng trưởng chậm và người tiêu dùng không muốn chi tiêu cho những mặt hàng có giá trị lớn.

Hiện chỉ một số nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc, chẳng hạn BYD và thương hiệu cao cấp Li Auto, có lãi, trong khi hầu hết công ty vẫn chưa hòa vốn.

cuoc-chien-gia-o-to-dien-o-trung-quoc-ngay-cang-khoc-liet-khien-nhung-hang-nho-som-suy-vong.jpg
BYD ra mắt mẫu xe plug-in hybrid mới vào ngày đầu tiên của Triển lãm Ô tô Quốc tế Bắc Kinh hôm 25.4 tại thủ đô Trung Quốc - Ảnh: Kyodo

Jacky Chen, người đứng đầu bộ phận kinh doanh quốc tế của nhà sản xuất ô tô Jetour (Trung Quốc), cho biết: “Việc mở rộng ra nước ngoài trở thành biện pháp chống lại tỷ suất lợi nhuận đang giảm ở trong nước”. Ông nói thêm rằng sự cạnh tranh về giá giữa các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc sẽ lan sang thị trường nước ngoài, đặc biệt là ở những quốc gia mà doanh số bán hàng vẫn đang tăng.

Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc, nói vào tháng 2 rằng hầu hết nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục giảm giá để giữ thị phần.

Eric Han, quản lý cấp cao tại công ty tư vấn Suolei ở Thượng Hải, nói: “Do lo ngại về tình trạng dư thừa công suất, các nhà sản xuất ô tô điện lớn ở Trung Quốc đã ưu tiên thị phần. Khi BYD bắt đầu cuộc chiến về giá, những công ty nhỏ khác đang ngày càng nhận thấy nguy cơ bị trục xuất khỏi thị trường vì mất doanh thu hoặc đối mặt với tỷ suất lợi nhuận bị sụt giảm”.

Tại Triển lãm Ô tô Bắc Kinh, một giám đốc bán hàng của hãng sản xuất ô tô General Motors (Mỹ) nói với tờ SCMP rằng giá cả và các chiến dịch khuyến mại, chứ không phải thiết kế và chất lượng của xe, mới là chìa khóa thành công của một thương hiệu ở Trung Quốc vì những người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu đang ưu tiên những món hời khi cân nhắc mua xe.

Được hậu thuẫn bởi tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett, BYD đã công bố lợi nhuận ròng kỷ lục 30 tỉ nhân dân tệ vào năm 2023, tăng 80,7% so với cùng kỳ 2022.

Tuy nhiên, lợi nhuận của BYD thua xa General Motors, công ty báo cáo thu nhập ròng 15 tỉ USD vào năm 2023, tăng 19,4% so với cùng kỳ 2022.

BYD đã giao tổng cộng 3,02 triệu ô tô điện thuần túy và xe plug-in hybrid trên toàn cầu vào năm 2023, tăng 62,3% so với 2022, vượt xa doanh số 1,82 triệu chiếc ô tô điện của Tesla.

BYD (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc) đã thử nghiệm ở một số thị trường nước ngoài và đạt được thành công về doanh số ngay lập tức, thường chỉ một năm sau khi gia nhập.

Do sự không chắc chắn về chính sách xung quanh việc xuất khẩu ô tô điện Trung Quốc sang các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, BYD đang tìm cách tăng doanh số bán hàng ở nước ngoài với việc chuyển sản xuất sang các khu vực được coi là thân thiện hơn. Hiện công ty đã có nhà máy ở Thái Lan, Brazil, Indonesia, Hungary và Uzbekistan.

Một số chuyên gia nói rằng cuộc chiến giảm giá ô tô điện đang đi đến hồi kết.

Brian Gu, Chủ tịch Xpeng - nhà sản xuất ô tô điện thông minh ở Trung Quốc, nói giá sẽ ổn định trong thời gian tới và sự thay đổi đó sẽ thúc đẩy sự phát triển xe điện trong dài hạn một cách hiệu quả.

Ông nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo: “Cạnh tranh thực sự đã dẫn đến sự mở rộng lĩnh vực ô tô điện và thúc đẩy sự thâm nhập của nó tại Trung Quốc. Nó khuyến khích nhiều người hơn mua các ô tô điện và tăng tốc độ thâm nhập của chúng vào thị trường”.

Bài liên quan
‘Ô tô điện giá rẻ mới có thể giải quyết các vấn đề của Tesla chứ không phải robotaxi’
Theo hãng phân tích nổi tiếng Wedbush, chiếc robotaxi mà Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla) tiết lộ sẽ ra mắt tháng 8 tới không phải là điều mà công ty cần tập trung trong ngắn hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc chiến giá ô tô điện ở Trung Quốc ngày càng khốc liệt khiến những hãng nhỏ sớm suy yếu