Các hãng công nghệ Trung Quốc đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề tiêu cực trong vài tuần qua có thể ảnh hưởng đến hoạt động của họ ở nước ngoài.

Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc gặp họa ở Nga, Mỹ, Ấn Độ khi tăng trưởng chậm lại trong nước

Sơn Vân | 10/05/2022, 11:28

Các hãng công nghệ Trung Quốc đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề tiêu cực trong vài tuần qua có thể ảnh hưởng đến hoạt động của họ ở nước ngoài.

Chính phủ Mỹ được cho có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với nhà sản xuất camera giám sát Hikvision Digital Technology Co (trụ sở tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc) vì bị cáo buộc có liên quan đến vi phạm nhân quyền với người Hồi giáo ở khu vực Tân Cương, theo một báo cáo hôm 5.5.

Các biện pháp trừng phạt tiềm năng sẽ được quản lý bởi Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan công bố danh sách công dân bị chỉ định đặc biệt (SDN) cấm các công ty hoặc công dân Mỹ giao dịch hoặc thực hiện các giao dịch tài chính với những người bị liệt kê và đóng băng tài sản bị giữ ở Mỹ, tờ Financial Times cho biết, mà không nêu rõ biện pháp trừng phạt nào sẽ được sử dụng.

Chính quyền Trump đã thẳng tay đàn áp nhiều công ty Trung Quốc nhưng nhìn chung không sử dụng danh sách SDN, công cụ trừng phạt mạnh mẽ nhất của Mỹ.

Nếu được áp đặt, các lệnh trừng phạt có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với Hikvision Digital Technology, vốn phải đối mặt các hạn chế khác của Mỹ vì các hoạt động trái với chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ.

Hai trong số các nguồn tin nói với Financial Times rằng Mỹ đã bắt đầu thông báo cho các đồng minh vì Hikvision có khách hàng ở hơn 180 quốc gia.

Dù các nhà chức trách Mỹ chưa chính thức xác nhận cũng như phủ nhận, báo cáo đó đã khai hỏa đòn tấn công mới nhất trong cuộc chiến công nghệ đang âm ỉ giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc thêm các biện pháp trừng phạt với Hikvision, công ty nằm trong danh sách đen thương mại của Mỹ kể từ tháng 10.2019, sẽ đặt ra một tiền lệ nguy hiểm có thể dẫn đến các hành động tương tự với các công ty công nghệ Trung Quốc khác.

cac-ga-khong-lo-cong-nghe-trung-quoc-gap-hoa-o-nga-my-an-do.jpg
Mạo hiểm ra thị trường nước ngoài luôn là một công việc khó khăn và phức tạp với nhiều hãng công nghệ Trung Quốc - Ảnh: Shutterstock

Vào ngày 26.4, DJI Technology Co, nhà sản xuất máy bay không người lái hàng đầu của Trung Quốc, cho biết sẽ tạm thời đình chỉ tất cả hoạt động kinh doanh ở Nga và Ukraine để đảm bảo các sản phẩm của họ không được sử dụng trong chiến đấu, sau khi đánh giá nội bộ về “các yêu cầu tuân thủ trong các khu vực pháp lý khác nhau”.

DJI Technology Co trở thành công ty lớn đầu tiên của Trung Quốc viện dẫn lý do xung đột để ngừng bán hàng tại Nga.

Các quan chức Ukraine đã cáo buộc DJI Technology Co làm rò rỉ dữ liệu về quân đội Ukraine cho Nga. Đây là cáo buộc mà nhà sản xuất máy bay không người lái tiêu dùng và công nghiệp lớn nhất thế giới gọi là "hoàn toàn sai sự thật".

Một số công ty lớn khác đang cắt giảm các lô hàng ở Nga, nơi công nghệ Trung Quốc thống trị thị trường cho nhiều sản phẩm, mà không đưa ra bất kỳ thông báo công khai nào. Trong số đó có hãng máy tính khổng lồ Lenovo và nhà sản xuất smartphone Xiaomi.

Điều đó như một lời nhắc nhở về sự ngộ nhận rằng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ Trung Quốc có thể thay thế những gì phương Tây cung cấp ở Nga, nước đã bị trừng phạt thương mại sau khi tấn công Ukraine vào ngày 24.2.

Có rất ít sự lựa chọn cho các hãng công nghệ Trung Quốc ngoài việc giảm hoặc ngừng hoạt động của họ ở Nga trong bối cảnh có nguy cơ bị phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trừng phạt.

Tuy nhiên, các công ty này không thể công khai lối thoát cho việc buôn bán ở Nga vì điều đó sẽ đi ngược lại chính sách của Trung Quốc về việc phản đối các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, đồng thời khiến người tiêu dùng tại Nga tức giận.

Không có nhiều sự trợ giúp mà Bắc Kinh có thể trực tiếp cung cấp cho bất kỳ hãng công nghệ Trung Quốc nào bị nhắm mục tiêu trừng phạt vì vi phạm các hạn chế của phương Tây với Nga.

Ngày 30.4 vừa qua, Ấn Độ đã thu giữ 725 triệu USD từ các tài khoản ngân hàng địa phương của Xiaomi sau khi một cuộc điều tra phát hiện nhà sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc đã chuyển tiền bất hợp pháp cho các thực thể nước ngoài bằng cách chuyển chúng dưới hình thức thanh toán tiền bản quyền.

Tổng cục Thực thi Ấn Độ cho biết đã điều tra hoạt động kinh doanh của Xiaomi do cáo buộc vi phạm luật ngoại hối của Ấn Độ thông qua chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.

Cơ quan chống tội phạm tài chính Ấn Độ cùng ngày thông báo đã thu giữ tài sản trong tài khoản ngân hàng từ Xiaomi Technology India Private Limited sau khi phát hiện công ty này đã chuyển số ngoại tệ tương đương 55,5 tỉ rupee cho ba pháp nhân ở nước ngoài, trong đó có một pháp nhân thuộc Xiaomi, với “vỏ bọc” thanh toán tiền bản quyền.

Cơ quan này cho biết thêm, việc chuyển tiền cho hai thực thể không xác định và không liên quan khác có trụ sở tại Mỹ cũng vì lợi ích cuối cùng của các thực thể thuộc Xiaomi.

Ban Giám đốc Cơ quan chống tội phạm tài chính Ấn Độ tuyên bố: “Số tiền khổng lồ đó dưới danh nghĩa tiền bản quyền đã được nộp theo hướng dẫn của các đơn vị thuộc tập đoàn mẹ Trung Quốc”.

Trường hợp này đã được báo cáo rộng rãi ở Trung Quốc, đưa ra lời nhắc nhở khác về những cạm bẫy tiềm ẩn trong việc kinh doanh tại nước ngoài.

Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới và thị trường smartphone lớn thứ hai, Ấn Độ đã thu hút nhiều hãng công nghệ Trung Quốc hãy coi đất nước này là mảnh đất màu mỡ để phát triển doanh nghiệp của họ bằng cách nhân rộng trải nghiệm tại đây. Tuy nhiên, Ấn Độ đã cấm hơn 270 ứng dụng do Trung Quốc phát triển, bao gồm cả TikTok, WeChat và Taobao, vì lo ngại về quyền riêng tư và an ninh quốc gia kể từ tháng 6.2020, sau cuộc đụng độ chết người ở biên giới Himalaya giữa quân đội hai nước.

Mạo hiểm ra thị trường nước ngoài luôn là một công việc khó khăn và phức tạp với bất kỳ hãng công nghệ nào. Những gã khổng lồ công nghệ Mỹ, bao gồm cả Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) và Google, dự kiến ​​sẽ phải đối mặt với nhiều ràng buộc về dữ liệu hơn ở châu Âu.

Các nhà khai thác nền tảng trực tuyến của Mỹ cũng gặp khó khăn khi hoạt động ở Trung Quốc, thậm chí Facebook và Google bị chặn hoàn toàn, trong khi lại có được sự nổi tiếng tại Hồng Kông.

Với các hãng công nghệ Trung Quốc, động lực mở rộng hoạt động ra nước ngoài ngày càng lớn để theo đuổi các cơ hội mới do thị trường ngày càng bão hòa và tăng trưởng chậm lại trong nước. Song, thách thức với họ cũng ngày càng cao hơn do căng thẳng địa chính trị, lạm phát toàn cầu vì đại dịch và cuộc chiến Nga-Ukraine.

Bài liên quan
Hãng máy bay không người lái số 1 Trung Quốc ngừng bán ở Nga và Ukraine sau khi bị tố làm lộ dữ liệu quân đội
Công ty sản xuất máy bay không người lái DJI Technology Co cho biết sẽ tạm ngừng kinh doanh tại Nga và Ukraine để đảm bảo các sản phẩm của họ không được sử dụng trong chiến đấu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc gặp họa ở Nga, Mỹ, Ấn Độ khi tăng trưởng chậm lại trong nước