Một số hãng công nghệ Trung Quốc lớn đang lặng lẽ rút hoạt động kinh doanh khỏi Nga trước áp lực từ lệnh trừng phạt của Mỹ và các nhà cung cấp, bất chấp lời kêu gọi từ Bắc Kinh yêu cầu họ chống lại sự ép buộc ở nước ngoài.
Một số công ty lớn đang cắt giảm các lô hàng ở Nga, nơi công nghệ Trung Quốc thống trị thị trường cho nhiều sản phẩm, mà không đưa ra bất kỳ thông báo công khai nào, theo các cuộc phỏng vấn của tờ WSJ với những người quen thuộc với vấn đề này. Trong số đó có hãng máy tính khổng lồ Lenovo và nhà sản xuất smartphone Xiaomi.
Trái ngược với nhiều công ty phương Tây, các hãng Trung Quốc tránh đưa ra những tuyên bố công khai về cuộc chiến của Nga ở Ukraine hoặc hoạt động kinh doanh của họ ở nước này khi Bắc Kinh phản đối các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
DJI Technology Co, nhà sản xuất máy bay không người lái tiêu dùng hàng đầu Trung Quốc, có động thái bất thường khi thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh của mình vào tháng trước ở cả Nga và Ukraine để đảm bảo các sản phẩm của họ không được sử dụng trong chiến đấu.
DJI Technology Co trở thành công ty lớn đầu tiên của Trung Quốc viện dẫn lý do xung đột để ngừng bán hàng tại Nga.
Các quan chức Ukraine đã cáo buộc DJI Technology Co làm rò rỉ dữ liệu về quân đội Ukraine cho Nga. Đây là cáo buộc mà nhà sản xuất máy bay không người lái tiêu dùng và công nghiệp lớn nhất thế giới gọi là "hoàn toàn sai sự thật".
Xuất khẩu các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc sang Nga đã giảm mạnh trong tháng 3.2022 so với tháng 2.2022, với lô hàng máy tính xách tay giảm hơn 40%, smartphone giảm gần 2/3 và các trạm phát sóng viễn thông giảm 98%, theo dữ liệu thương mại của chính phủ Trung Quốc gần nhất.
Thương mại của Trung Quốc với phần lớn thế giới cũng bị gián đoạn do cuộc phong tỏa liên quan đến COVID-19 ở Thượng Hải, nơi có nhiều mặt hàng xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc.
Sự thoái lui đến sau làn sóng trừng phạt tài chính và kiểm soát xuất khẩu trên diện rộng do Mỹ cùng các đồng minh áp đặt lên Nga vì tấn công Ukraine vào cuối tháng 2.2022. Mỹ đã đe dọa trừng phạt các công ty Trung Quốc không tuân theo quy tắc.
Theo những người quen thuộc với vấn đề này, các hãng chip lớn của Mỹ cung cấp cho phía Trung Quốc đang ép buộc khách hàng tuân thủ các quy tắc và đảm bảo chất bán dẫn của họ không nằm trong hàng hóa bên thứ ba được vận chuyển đến Nga vì sẽ vi phạm quy tắc. Một nhà cung cấp đã gửi lá thư cho tất cả khách hàng của mình vào tháng 3.2022 để yêu cầu họ tuân thủ, trong khi nhân viên bán hàng cũng được liên hệ để đảm bảo việc này.
Bộ Thương mại Trung Quốc tháng trước thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt đã làm gián đoạn hoạt động thương mại của Trung Quốc với Nga, nhưng kêu gọi các công ty “không phục tùng sự ép buộc từ bên ngoài và đưa ra các tuyên bố không phù hợp”.
Sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu công nghệ sang Nga cho thấy bản chất sâu rộng của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây và khả năng tiếp cận sâu vào chuỗi cung ứng để buộc các công ty có trụ sở ở xa tuân theo ý mình.
Dữ liệu thương mại chính thức cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga giảm 27% về giá trị từ tháng 2 đến tháng 3.2022.
Trung Quốc đã mở rộng bộ công cụ gồm cả những biện pháp nhằm chống lại lệnh trừng phạt của nước ngoài, trong đó có các quy tắc buộc các công ty Trung Quốc không tuân thủ lệnh trừng phạt từ nước ngoài mà họ cho là không hợp lý. Song đến nay, Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ lệnh nào về việc không tuân thủ như vậy.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào công ty Trung Quốc đe dọa làm gia tăng rạn nứt giữa quan hệ giữa hai nước ở cuộc xung đột Nga-Ukraine và tiếp tục kích động tham vọng của Trung Quốc trong việc phát triển chuỗi cung ứng độc lập với công nghệ Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây bao gồm kiểm soát chặt chẽ ngăn chặn xuất khẩu sang lĩnh vực quốc phòng Nga cũng như các sản phẩm được sản xuất bằng thiết bị, phần mềm hoặc bản thiết kế của Mỹ, ngay cả khi chúng được làm bởi các công ty không thuộc Mỹ. Các biện pháp đã được chứng minh là đặc biệt hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ, nơi mà chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp cung cấp nhiều đòn bẩy cho chính phủ Mỹ để kéo.
Dù bản chất của các biện pháp trừng phạt trên phạm vi rộng, một số mặt hàng vẫn có thể được thông qua. Ví dụ, nhà điều hành viễn thông Beeline (Nga), thuộc sở hữu của công ty Veon (Hà Lan), đầu tháng 5.2022 cho biết đã nhận một lô hàng thiết bị viễn thông vào tháng 3.2022 từ gã khổng lồ Huawei Technologies (Trung Quốc).
Beeline cho biết lô hàng là kết quả của cuộc đánh giá năm 2021 về nhu cầu cơ sở hạ tầng trong tương lai, nói rằng việc giao hàng "hoàn toàn tuân thủ tất cả luật hiện hành, bao gồm cả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ".
Vào tháng 4.2022, Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và các đồng minh đã cắt giảm nhập khẩu vào Nga hơn một nửa hàng hóa công nghệ cao, đồng thời khiến Nga thiếu hụt chất bán dẫn và chật vật tìm kiếm phụ tùng cho quân đội của mình. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times hồi tháng 3.2022, bà Gina Raimondo đã đe dọa các công ty Trung Quốc sẽ gánh hậu quả nếu không tuân thủ các lệnh trừng phạt.
Steve Brazier, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu thị trường Canalys, cho biết nếu một công ty PC Trung Quốc bị cắt khỏi nhà cung cấp chip chủ chốt, “đó sẽ là một thảm họa”.
“Bạn có thể hiểu tại sao họ có động lực để không bị rơi vào tình cảnh đó”, Steve Brazier nói.
Kevin Wolf, cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ và là đối tác của công ty luật Akin Gump Strauss Hauer & Feld LLP, cho biết: Dù các lệnh trừng phạt của Mỹ có ngoại lệ với một số thiết bị điện tử tiêu dùng, chúng phải được bán trực tiếp cho các tổ chức phi chính phủ hoặc người tiêu dùng để được phép xuất khẩu. Hầu hết nhà cung cấp công nghệ lớn đều bán sản phẩm của họ thông qua các nhà phân phối và nhà bán lẻ bên thứ ba.
Trong số các công ty Trung Quốc ngừng vận chuyển hàng đến Nga có Lenovo, nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới và là hãng bán thiết bị số 2 ở Nga sau HP vào năm ngoái.
Các hãng bán PC hàng đầu ở Mỹ đã tạm dừng các lô hàng đến Nga sau khi nước này tấn công Ukraine và các lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực, dù một số hàng tồn kho hiện có vẫn để bán trong nước.
Xiaomi, hãng bán điện thoại số 2 ở Nga vào năm ngoái sau Samsung Electronics, cũng cắt giảm các lô hàng đến Nga, với một nhà phân phối hoạt động trong khu vực cho biết đã không có máy những tuần gần đây.
Không phải tất cả công ty Trung Quốc đều im tiếng về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. DJI Technology Co thông báo vào tháng trước rằng họ sẽ tạm ngừng hoạt động kinh doanh ở Nga và Ukraine để đảm bảo các sản phẩm của họ không được sử dụng trong chiến đấu. Qua đó, DJI Technology Co trở thành công ty Trung Quốc hiếm hoi công khai ngừng các kinh doanh ở hai nước này vì xung đột.
DJI Technology Co làm như vậy sau các báo cáo về việc sử dụng máy bay không người lái của họ trong cuộc xung đột và khiếu nại từ các quan chức Ukraine về trục trặc kỹ thuật trong các sản phẩm của họ.
“DJI thực hiện hành động này không phải để đưa ra tuyên bố về bất kỳ quốc gia nào, mà là để đưa ra tuyên bố về các nguyên tắc của chúng tôi. DJI phản đối mọi hành vi sử dụng máy bay không người lái của mình để gây hại và đang tạm ngừng bán hàng ở hai nước này này để đảm bảo không có ai sử dụng máy bay không người lái của mình trong chiến đấu”, một phát ngôn viên của DJI cho biết.