Căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus có thể là mảnh ghép quan trọng cho nỗ lực đối phó Trung Quốc tại các vùng biển khu vực mà giới hoạch định chiến lược Mỹ đang tìm kiếm. Tuy nhiên kế hoạch bắt tay với Úc để tái lập và thậm chí triển khai lực lượng đến đây trong tương lai của Washington phải được tiến hành cẩn thận nếu không muốn làm mất lòng Indonesia cũng như Papua New Guinea.
Quân đội Mỹ xây dựng căn cứ Lombrum vào năm 1944, nhằm mục đích mở hướng tấn công tái chiếm Thái Bình Dương từ tay Nhật, cũng như yểm trợ nỗ lực giải phóng Philippines. Lúc chiến tranh ở mức cao trào, căn cứnày có cả một đường băng dài gần 3.000 mét, kho nhiên liệu, bệnh viện và là nơi đồn trú của khoảng 800 tàu cùng hàng chục nghìn lính thủy đánh bộ.
Ngày 17.11 trước, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Washington sẽ cùng Papua New Guinea với Úc tái phát triển căn cứ Lombrum để bảo vệ cho chủ quyền, cũng như quyền tự do hàng hải của tất cả các đảo quốc ở Thái Bình Dương.
Căn cứ Lombrum sẽ đem lại cho hải quân Mỹ một điểm tiếp nhiên liệu nữa, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giám sát hoạt động của hải quân Trung Quốc trên khắp Thái Bình Dương.
Hiện tại chưa có dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Joko Widodo lo ngại với kế hoạch tái lập căn cứ Lombrum. Nhưng Abdul Kharis Almasyhari, Chủ tịch Ủy ban giám sát Quốc phòng - An ninh thuộc Quốc hội Indonesiavừa lên tiếng yêu cầu các thế lực bên ngoài không nên quân sự hóa châu Á - Thái Bình Dương.
Ông cũng kêu gọi chính quyền Widodo tổ chức vận động chống lại việc lập một loạt căn cứ hải quân nước ngoài tại Papua New Guinea, một động thái nhiều khả năng làm gia tăng căng thẳng chính trị trong khu vực.
Giới phân tích nhận định mối lo của Chủ tịch Abdul Kharis liên quan đến phong trào đòi ly khai tại Papua, một tỉnh của Indonesia giápvới Papua New Guinea. Nhà nghiên cứu Evan Laksmana đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định: “Chuyện về tỉnh Papua luôn nhạy cảm. Ngay cả sự hiện diện của lính thủy đánh bộ Mỹ tại căn cứ Darwin ở Úc cũng trở thành vấn đề trong vài năm trước. Giới chức Indonesia sợ rằng Washington, Canberra hỗ trợ Papua tách ra độc lập”.
Không những vậy, ý định chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem mà Úc công khai gần đây cũng có ảnh hưởng đến cách mà đất nước có dân số Hồi giáo đông đảo như Indonesia nhìn nhận về kế hoạch tái lập căn cứ Lombrum.
Ngay tại Papua New Guinea cũng xuất hiện ý kiến không hài lòng với kế hoạch này. Tỉnh trưởng Manus Charlie Benjamin từng tuyên bố: “Thành thật mà nói thì Papua New Guinea không có chiến tranh và cũng chẳng cần giúp đỡ gì vào lúc này, chuyện này chỉ đơn giản là cho Mỹ với Úc đến Lombrum vì lợi ích của họ”.
Theo giới phân tích, nhiệm vụ quan trọng nhất sắp tới là phải xoa dịu lo ngại đang tồn tại ở Indonesia cũng như Papua New Guinea. Tiến sĩ Anthony Bergin đến từ Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (ASPI) cho rằng Washington - Canberra có thể thuyết phục với lập luận rằng kế hoạch tái lập căn cứ Lombrum là một phần của chiến lược kiềm chế Trung Quốc.
Thậm chí tiến sĩ Bergin còn đề xuất mời Indonesia tham gia và nhấn mạnh đến lợi ích mà hoạt động giám sát hàng hải mang lại.
Cẩm Bình (theo SCMP)