Sau 2 ngày can thiệp mạch máu xóa nền DSA tái thông đoạn động mạch vành phải đang bị tắc hoàn toàn, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã cứu sống thành công một bệnh nhân người Nhật Bản bị đột quỵ do nhồi máu cơ tim.

Cần Thơ: Cứu sống nhiều bệnh nhân nước ngoài đột quỵ nguy kịch

Hồ Quang | 23/12/2021, 13:57

Sau 2 ngày can thiệp mạch máu xóa nền DSA tái thông đoạn động mạch vành phải đang bị tắc hoàn toàn, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã cứu sống thành công một bệnh nhân người Nhật Bản bị đột quỵ do nhồi máu cơ tim.

Chiều 19.12.2021, ông N.O. (45 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) đang làm việc tại Cần Thơ đột ngột đau ngực, kèm khó thở, vã mồ hôi... và tình trạng này ngày càng tăng nên đã gọi cho đồng nghiệp và được đưa ngay đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

Tại đây, sau khi thăm khám, nghi ngờ ông N.O. bị nhồi máu cơ tim cấp, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm máu, siêu âm tim cấp cứu, chụp CT scan động mạch chủ ngực và khẳng định ông N.O. bị nhồi máu cơ tim cấp tình trạng nguy kịch, cần được tiến hành chụp và can thiệp mạch máu xóa nền DSA tái thông đoạn động mạch vành phải đang bị tắc hoàn toàn.

bac-si-nguoi-viet-cuu-song-nhieu-benh-nhan-nuoc-ngoai-dot-quy-nguy-kich-hinh-anh(1).png
Bệnh nhân người Nhật bị đột quỵ nguy kịch đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ kịp thời cứu sống - Ảnh: K.C

Th.S - BS Nguyễn Mạnh Cường – Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, sau 2 ngày can thiệp bệnh nhân đã chuyển từ khoa hồi sức tích cực (ICU) lên Khoa Tim mạch để theo dõi và điều trị nội khoa. Hiện tình trạng bệnh nhân ổn định, giảm đau ngực và khó thở.

“Rất may mắn là bệnh nhân vào viện kịp thời lúc cơ tim chưa bị hoại tử, chưa ảnh hưởng chức năng tim, có thể xuất viện trong vài ngày tới, mà không để lại di chứng nào”, bác sĩ Cường cho biết thêm.

Theo trợ lý của ông N.O. thì bệnh nhân trước nay chưa ghi nhận bệnh lý nào, cũng như không hút thuốc lá. “Là lãnh đạo công ty nên ông N.O phải chịu áp lực công việc quá lớn, cộng với đó là thường xuyên bỏ bữa, căng thẳng áp lực kéo dài có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp”, bác sĩ Cường nhận định.

Sau khi được kịp thời cứu chữa qua giai đoạn nguy hiểm, ông N.O xúc động nói: “Tôi qua Việt Nam làm việc, nên không có người thân nào. Khi bị bệnh, tôi đã rất lo lắng nhưng khi được điều trị tại đây tôi rất yên tâm. Giờ tôi thấy mình không còn đau ngực và đã khỏe. Tôi rất cảm ơn các bác sĩ ở đây”.

TS. BS Trần Chí Cường – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, trong thời gian gần đây, bệnh viện đã cứu sống nhiều bệnh nhân người nước ngoài bị đột quỵ, trong đó có một bác sĩ người Pháp bị đột quỵ khi đi du lịch, một chuyên gia y tế người Mỹ làm việc tại khu vực Đông Nam Á.

Gần đây nhất là ông W.S. (56 tuổi, thuyền trưởng người Indonesia) đang công tác tại Việt Nam nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, mất nhận thức, yếu liệt tay chân. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, ông W.S bị xuất huyết não có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ tử vong cao.

Sau hơn 3 tháng điều trị tích cực bằng phẫu thuật cầm máu và hồi sức tích cực, ông W.S đã phục hồi tốt, xuất viện và trở về Indonesia trong niềm vui khôn tả của bệnh nhân và tập thể y bác sĩ ở đây.

“Mặc dù có chút khó khăn trong vấn đề pháp lý, ngôn ngữ… đa số các trường hợp này là khách du lịch, hoặc sang Việt Nam công tác, không có người thân đi cùng. Nhưng với sứ mệnh của ngành y không từ chối khi bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu, cũng như khả năng kết nối quốc tế các bác sĩ ở bệnh viện chúng tôi đã cố gắng hết sức để cứu sống các bệnh nhân này. Đây cũng là những minh chứng cho ngành y tế Việt Nam chúng ta đã và đang phát triển khá mạnh, tạo được sự kết nối và niềm tin cho bệnh nhân người nước ngoài khi khám chữa bệnh tại Việt Nam”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Theo bác sĩ Cường, cứ vào dịp gần giáp Tết, tình trạng bệnh nhân đột quỵ gia tăng. Điều này là do thời điểm giáp Tết, tại Việt Nam thời tiết thường trở lạnh. Trung bình cứ giảm 3 độ C thì nguy cơ bệnh nhân bị đột quỵ bị tăng lên 6%, vì khi nhiệt độ đang nóng chuyển sang lạnh, cơ thể chúng ta sẽ có phản ứng co mạch ngoại biên.

“Khi mạch máu co lại sẽ làm gia tăng thụ động lưu lượng tuần hoàn lên các cơ quan sâu trong cơ thể, đặc biệt là tim và não. Khi đó, mạch máu sẽ chịu áp lực rất lớn, chính thời điểm này, nếu bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như phình, dị dạng mạch máu não, tăng huyết áp, sẽ có cơn tăng đột biến dễ dẫn đến đột quỵ xuất huyết não, nhồi máu cơ tim cấp”, bác sĩ Cường giải thích.

Theo các chuyên gia y tế, nếu bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não thường có 3 dấu hiệu điển hình là mặt méo, yếu liệt tay chân, nói khó thì bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não sẽ đau đầu dữ dội, nôn ói, cứng gáy, nặng hơn nữa bệnh nhân sẽ rơi vào hôn mê, diễn tiến rất nhanh và đột ngột.

Đối với đột quỵ do nguyên nhân tim mạch thì triệu chứng hay gặp là đột nhiên đau ngực, mệt khó thở, vã mồ hôi, hồi hộp, tay chân lạnh… khi thấy người nào đó có những dấu hiệu trên, cần liên hệ ngay tổng đài miễn phí 1800.1115 để được hỗ trợ hoặc đến ngay cơ sở y tế có cấp cứu can thiệp đột quỵ tránh mất đi thời gian vàng quý giá để cứu bệnh nhân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần Thơ: Cứu sống nhiều bệnh nhân nước ngoài đột quỵ nguy kịch