Evan Spiegel, Giám đốc điều hành Snap, cho biết công ty mong muốn Mỹ cấm TikTok nhưng chỉ trong thời gian ngắn.
Khi được một phóng viên hỏi tại Hội nghị thượng đỉnh đối tác Snap rằng liệu có nghĩ rằng Quốc hội Mỹ nên cấm TikTok hay không, Evan Spiegel trả lời: "Chúng tôi rất thích điều đó, trong thời gian ngắn. Trong ngắn hạn, đó là thứ sẽ giúp ích cho chúng tôi".
Tuy nhiên, Evan Spiegel cũng thừa nhận rằng lệnh cấm TikTok có thể tạo tiền lệ nguy hiểm cho các nền tảng khác.
"Tôi nghĩ rằng có một số câu hỏi lớn về ý nghĩa lâu dài của việc tách riêng một hãng công nghệ. Thay vào đó nên phát triển một hệ thống quản lý toàn diện hơn", ông nói.
Theo Evan Spiegel, thay vì chỉ đơn thuần cấm một hãng công nghệ thì Mỹ nên phát triển hệ thống quy định rộng hơn để giải quyết các vấn đề về dữ liệu, quyền riêng tư, thông tin sai lệch và an toàn cho trẻ em trên nhiều nền tảng khác nhau.
TikTok đã bị Mỹ xem xét kỹ lưỡng từ năm 2020 và đang trong tầm ngắm của Quốc hội. TikTok có thể bị cấm nếu chủ sở hữu Trung Quốc của ứng dụng không bán cổ phần của họ, theo trang The Wall Street Journal.
Các nhà làm luật Mỹ lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu, việc lan truyền thông tin sai lệch và sự an toàn của trẻ vị thành niên. Những lo ngại về dữ liệu và quyền riêng tư đã được khơi dậy bởi mối quan hệ của TikTok với chính phủ Trung Quốc thông qua công ty mẹ ByteDance có trụ sở ở Bắc Kinh.
Tuần trước, Montana đã trở thành bang đầu tiên ở Mỹ thông qua dự luật cấm TikTok.
Evan Spiegel cho biết tại sự kiện: “Điều quan trọng với chúng ta là phải suy nghĩ thấu đáo và thực sự phát triển một khung pháp lý để giải quyết các vấn đề về an ninh, đặc biệt là về công nghệ. Tôi nghĩ dựa trên thông tin được công khai, có những lo ngại về an ninh quốc gia vượt xa suy nghĩ của tôi".
Với hơn 150 triệu người dùng ở Mỹ, TikTok cực kỳ phổ biến, gây áp lực lên các nền tảng truyền thông xã hội khác để bắt chước thành công của nó.
Ban đầu được gọi là Snapchat, Snap đã cố gắng bắt kịp thành công của TikTok bằng cách tung ra chương trình người sáng tạo và nguồn cấp dữ liệu video dạng ngắn.
Hôm 14.4, Montana đã trở thành bang đầu tiên của Mỹ thông qua dự luật quy định việc tải xuống ứng dụng TikTok tại bang này là bất hợp pháp. Các nhà làm luật ở bang Montana ngày 14.4 đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm TikTok trên tất cả thiết bị cá nhân. Nếu được Thống đốc Greg Gianforte ký, luật sẽ có hiệu lực từ tháng 1.2024.
Montana là bang đầu tiên cấm TikTok trên tất cả thiết bị cá nhân. Dự luật cấm TikTok hoạt động trong phạm vi bang cũng như cấm các cửa hàng ứng dụng cho phép tải TikTok.
Dự luật đã chỉ đích danh TikTok là đối tượng bị nhắm đến và đưa ra hình phạt có thể lên đến 10.000 USD mỗi trường hợp mỗi ngày, áp dụng cho TikTok và các cửa hàng ứng dụng vi phạm. Trong khi đó, người dùng cá nhân sẽ không bị phạt khi sử dụng TikTok.
TikTok được cho là sẽ chuẩn bị các động thái pháp lý để phản đối dự luật.
"Những người ủng hộ dự luật thừa nhận họ không có kế hoạch khả thi để thực hiện lệnh cấm. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho người dùng TikTok, những người mà Tu chính án thứ nhất của họ đang bị đe dọa", theo Brooke Oberwetter, phát ngôn viên của TikTok.
Theo tờ Financial Times, lợi nhuận của ByteDance, chủ sở hữu TikTok, đã tăng gần 80% lên mức kỷ lục 25 tỉ USD vào năm 2022,
Doanh thu của ByteDance tăng hơn 30% lên khoảng 85 tỉ USD khi các nhà quảng cáo tăng chi tiêu cho TikTok và Douyin (ứng dụng tương tự TikTok ở Trung Quốc). Chỉ có khoảng 15 tỉ USD doanh thu của ByteDance được tạo ra bên ngoài Trung Quốc, nhưng con số đó cao hơn gấp đôi so với năm 2021, theo tờ báo.
Các số liệu này đến từ hai nhà đầu tư giấu tên quen thuộc với kết quả kinh doanh của ByteDance, theo Financial Times.
ByteDance được định giá 300 tỉ USD vào năm ngoái, trở thành công ty tư nhân có giá trị nhất thế giới.
Bất chấp lợi nhuận của ByteDance tăng vọt, tài sản người sáng lập Zhang Yiming đã giảm 13 tỉ USD xuống còn 42 tỉ USD. Khi điều trần trước Quốc hội Mỹ vào ngày 23.3, Shou Zi Chew - Giám đốc điều hành TikTok tiết lộ rằng những người sáng lập ByteDance có cổ phần nhỏ hơn so với ước tính trước đó.
Zhang Yiming nói rằng Zhang Yiming và Liang Rubo, Giám đốc điều hành ByteDance, sở hữu khoảng 20% cổ phần của công ty có trụ sở ở Bắc Kinh. Zhang Yiming điều hành ByteDance từ khi thành lập công ty vào năm 2012 cho đến 2021, khi Liang Rubo kế nhiệm ông làm Giám đốc điều hành.
Hôm 23.3, Shou Zi Chew phải đối mặt với sự chỉ trích trong phiên điều trần kéo dài 5 giờ trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện Mỹ khi cố gắng bảo vệ công ty của mình khỏi lệnh cấm có thể xảy ra hoặc buộc phải bán vì lo ngại ứng dụng có thể gây ra mối đe dọa về an ninh.
Trong phiên điều trần này, Shou Zi Chew nhận những câu hỏi hóc búa từ các nhà làm luật với mối nghi ngờ chính liên quan đến việc gửi dữ liệu người dùng Mỹ về Trung Quốc, đồng thời yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok hoặc ứng dụng sẽ bị cấm.
Shou Zi Chew nói công ty không cho phép bất kỳ chính phủ nào, kể cả Trung Quốc, thao túng dữ liệu người dùng của mình và đang thực hiện một chương trình 1,5 tỉ USD để bảo vệ dữ liệu của Mỹ cũng như giám sát nội dung.
Michelle và Dean Nasca, cặp vợ chồng có con trai 16 tuổi tự tử sau khi sử dụng TikTok, cũng có mặt tại phiên điều trần. Cả hai đang kiện ByteDance, cáo buộc TikTok đã đề xuất cho con trai họ hơn 1.000 video liên quan đến những nội dung gây tuyệt vọng và tự làm hại bản thân.
Shou Zi Chew nói TikTok rất coi trọng sức khỏe tâm thần của người dùng. Ông so sánh giải pháp bảo vệ dữ liệu và sự an toàn của người dùng trẻ tuổi mà TikTok đang thực hiện với cách làm của các hãng công nghệ lớn khác và kết luận chúng là "hàng đầu trong ngành".
Ngoài ra, Shou Zi Chew tuyên bố TikTok không gây rủi ro lớn hơn những gã khổng lồ truyền thông xã hội như YouTube của Google và Instagram của Meta Platform, đồng thời khẳng định công ty này đã thiết lập nhiều biện pháp bảo vệ hơn bất kỳ đối thủ phương Tây nào vì những nghi ngờ lâu nay.
Ngoài Mỹ, hơn 14 quốc gia khác đã cấm một phần hoặc toàn bộ TikTok vì những lo ngại về bảo mật tương tự.
Úc gần đây đã chuyển sang cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ, động thái mà Mỹ, Canada, Pháp, New Zealand và Vương quốc Anh thực hiện trước đó. Ấn Độ đã có lệnh cấm hoàn toàn với TikTok kể từ năm 2020.
Đầu tháng 4 vừa qua, TikTok đã bị Cơ quan giám sát quyền riêng tư của Anh phạt 12,7 triệu bảng Anh (15,8 triệu USD) vì lạm dụng dữ liệu của trẻ em trong khoảng thời gian hai năm.
Văn phòng Ủy viên Thông tin (ICO) cho biết TikTok đã vi phạm các quy tắc bảo vệ dữ liệu của Vương quốc Anh khi cho phép trẻ em dưới 13 tuổi đăng ký dịch vụ từ tháng 5.2018 đến tháng 7.2020, dù từng tuyên bố rằng hành động này là vi phạm các điều khoản dịch vụ của nó.
ICO tuyên bố TikTok cũng xử lý dữ liệu trẻ em mà không có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ chúng và thất bại trong việc loại bỏ các tài khoản của người dùng chưa đủ tuổi.
ICO ước tính có tới 1,4 triệu trẻ em ở Anh sử dụng TikTok vào năm 2020. Các quy tắc của Vương quốc Anh yêu cầu các ứng dụng phải xin phép cha mẹ đối với trẻ chưa đủ tuổi đăng ký.
“Có những luật hiện hành để đảm bảo con cái chúng ta được an toàn trong thế giới kỹ thuật số cũng như trong thế giới thực. TikTok đã không tuân thủ các luật đó”, John Edwards, Ủy viên thông tin, cho biết.
“Kết quả là có khoảng 1 triệu trẻ em dưới 13 tuổi đã được cấp quyền truy cập vào nền tảng một cách không phù hợp, với việc TikTok thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân của chúng. Điều đó đồng nghĩa là dữ liệu trẻ em có thể đã được sử dụng để theo dõi và lập hồ sơ cho chúng, có khả năng cung cấp nội dung có hại, không phù hợp trong lần cuộn trang tiếp theo trên ứng dụng”, John Edwards nói thêm.
ICO cho biết ứng dụng TikTok không thể cung cấp thông tin thích hợp cho các thành viên của cộng đồng sử dụng nền tảng về cách dữ liệu của họ bị thu thập, sử dụng và chia sẻ theo cách dễ hiểu. Nó cũng không đảm bảo rằng dữ liệu cá nhân của người dùng tại Vương quốc Anh được xử lý một cách hợp pháp, công bằng và minh bạch.
Về chuyện trên, người phát ngôn TikTok cho biết: “TikTok là nền tảng dành cho người dùng từ 13 tuổi trở lên. Chúng tôi đầu tư rất nhiều để giúp ngăn những người dưới 13 tuổi truy cập khỏi nền tảng và đội ngũ an toàn hùng hậu gồm 40.000 người của chúng tôi làm việc suốt ngày đêm để giúp giữ cho nền tảng an toàn cho cộng đồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét quyết định và đang đánh giá các bước tiếp theo”.
TikTok đã thực hiện một số bước kể từ năm 2020 để cập nhật cơ sở hạ tầng về quyền riêng tư và an toàn của mình, bao gồm cả phân phối bản tóm tắt chính sách quyền riêng tư phù hợp với lứa tuổi cho người dùng dưới 18 tuổi và triển khai các tính năng giới hạn thời gian sử dụng thiết bị cho người dùng dưới 18 tuổi cùng gia đình của họ.
Vào năm ngoái, ICO thông báo TikTok có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 27 triệu bảng Anh, nhưng đã quyết định không theo đuổi mức phạt cao hơn sau khi nhận được lời giải thích từ TikTok trong quá trình điều tra.
Năm 2019, TikTok đã đồng ý trả khoản tiền phạt 5,7 triệu USD sau cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang tại Mỹ về việc thu thập thông tin cá nhân của trẻ em.