Huawei cho biết đã chuyển sang hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) tự phát triển, đánh dấu nỗ lực mới nhất của công ty nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ nước ngoài trong bối cảnh phải vật lộn với các lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ.
Huawei (có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc) hôm 20.4 cho biết MetaERP đại diện cho “dự án chuyển đổi phức tạp và quy mô lớn nhất” mà công ty từng thực hiện, với sự tham gia của hàng nghìn người đã giúp phát triển phần mềm quản lý kinh doanh được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu và hệ điều hành nội bộ của họ.
Hệ thống ERP được sử dụng để quản lý hiệu quả tất cả quy trình kinh doanh chính hàng ngày của công ty, bao gồm tài chính, nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng, thu mua, sản xuất, bán hàng và nhiều dịch vụ khác.
Huawei tuyên bố đã tạo ra một hệ thống ERP cây nhà lá vườn chỉ trong 3 năm và ứng dụng này đang vận hành toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình một cách hoàn hảo.
Tao Jingwen, thành viên hội đồng quản trị Huawei và Giám đốc Bộ phận quản lý CNTT, Quy trình Kinh doanh & Chất lượng, nói trong một thông báo của công ty: “Hơn 3 năm trước, chúng tôi đã bị loại khỏi hệ thống ERP cũ cũng như các hệ thống quản lý và vận hành cốt lõi khác. Kể từ đó, chúng tôi không chỉ có thể xây dựng MetaERP của riêng mình mà còn quản lý chuyển đổi và chứng minh khả năng của nó. Hôm nay, chúng tôi tự hào thông báo rằng đã vượt qua được sự phong tỏa. Chúng tôi đã sống sót!”.
Huawei bắt đầu làm việc trên hệ thống ERP của mình, được đặt tên là MetaERP, từ năm 2019.
"Đây là dự án chuyển đổi phức tạp và quy mô lớn nhất mà Huawei từng thực hiện. Trong suốt 3 năm qua, Huawei đã đầu tư nhiều tài nguyên và phân công hàngngàn người cho dự án này. Kết quả là một hệ thống MetaERP mới, hướng tới tương lai, quy mô siêu lớn và tích hợp đám mây đã được triển khai và thay thế hệ thống ERP cũ”, công ty Trung Quốc cho biết.
Theo quan điểm của Huawei, hệ thống ERP này hoàn hảo. "Hiện tại, MetaERP xử lý 100% các kịch bản kinh doanh của Huawei và 80% khối lượng kinh doanh của công ty. MetaERP đã vượt qua các bài kiểm tra giải pháp thanh toán hàng tháng, hàng quý và hàng năm, đồng thời đảm bảo không có lỗi, không chậm trễ và không có điều chỉnh số liệu kế toán", công ty tuyên bố.
Huawei đã cung cấp một số thông tin về nền tảng của hệ thống ERP này, cho biết nó chạy trên bản phân phối Linux của công ty có tên EulerOS và cơ sở dữ liệu quan hệ GaussDB. Tuy nhiên, Huawei không đề cập đến phần cứng được sử dụng để vận hành MetaERP, nhưng cả EulerOS và GaussDB đều có thể chạy trên bộ xử lý Kunpeng của Huawei, sử dụng kiến trúc Arm.
“Đổi mới chỉ có thể thực hiện được với một tinh thần cởi mở và chỉ có thể phát triển thịnh vượng khi chúng ta làm việc cùng nhau”, bà Mạnh Vãn Chu, Chủ tịch luân phiên kiêm Giám đốc tài chính Huawei, nói tại một buổi lễ ở Thâm Quyến. Tại đây, Huawei vinh danh sự đóng góp của tất cả nhân viên và đối tác của công ty tham gia vào dự án MetaERP.
MetaERP hiện đứng sau việc quản lý tất cả quy trình hàng ngày của Huawei và ít nhất 80% dữ liệu kinh doanh của Huawei.
Nhậm Chính Phi, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei (cha của Mạnh Vãn Chu), từng tiết lộ về việc ra mắt MetaERP trong bài phát biểu vào tháng trước. Thời điểm đó, ông Nhậm Chính Phi nói Huawei đã thay thế hơn 13.000 linh kiện trong loạt sản phẩm của mình bằng các sản phẩm địa phương và thiết kế lại hơn 4.000 bảng mạch trong 3 năm qua, để đáp trả các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ.
Việc chuyển sang MetaERP phù hợp với lời kêu gọi trước đây của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình về sự tự chủ về công nghệ, gồm cả việc thay thế phần mềm và hệ điều hành nước ngoài bằng các sản phẩm trong nước.
Trước khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể) vào năm 2019, Huawei đã nhắm đến gã khổng lồ phần mềm doanh nghiệp Oracle (Mỹ) như một trong các nhà cung cấp ERP của mình trong hơn 2 thập kỷ. Huawei đã bị cấm kinh doanh với các công ty Mỹ sau khi Bộ Thương mại Mỹ cho biết công ty Trung Quốc “tham gia vào các hoạt động trái với an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ”.
Huawei đã cố gắng điều chỉnh việc sản xuất smartphone và thiết bị mạng viễn thông của mình trong bối cảnh các hạn chế thương mại bị thắt chặt do Mỹ áp đặt vào năm 2020, gồm cả quyền truy cập vào chất bán dẫn được phát triển hoặc sản xuất bằng công nghệ Mỹ từ mọi nơi.
Huawei từ chối bình luận về việc liệu có mở MetaERP cho các khách hàng bên ngoài trong tương lai hay không.
Việc tham gia vào thị trường ERP thương mại có thể giúp Huawei đa dạng hóa hơn nữa các hoạt động của mình, sau khi các lệnh trừng phạt từ Mỹ đã cản trở việc kinh doanh smartphone một thời sinh lãi của họ. Huawei vẫn là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới nhờ vào nhu cầu cao tại quê nhà.
Eric Xu, Chủ tịch luân phiên Huawei, nhắc lại vào tháng trước rằng công ty đã tăng cường phát triển các linh kiện thay thế trong nước cho các thiết bị điện tử, nỗ lực đã bắt đầu từ 10 năm trước, lâu trước khi bị Mỹ trừng phạt. Tuy nhiên, ông không cập nhật tiến độ của Huawei trong việc tìm kiếm chip smartphone mới.
Vào tháng 12.2022, một báo cáo của hãng nghiên cứu Counterpoint Research cho rằng Huawei đã hết chất bán dẫn tiên tiến được thiết kế nội bộ cho các smartphone của mình vào quý 3/2022, sau khi các lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ làm gián đoạn khả năng tiếp cận của công ty với các chip mới.
Huawei đã ghi nhận doanh thu 642,3 tỉ nhân dân tệ (90,9 tỉ USD) cho cả năm 2022, thể hiện mức tăng trưởng chỉ 0,9% so với 636,8 tỉ nhân dân tệ vào 2021.
Được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng nhanh chóng trong các hoạt động kinh doanh mới như điện toán đám mây, Huawei cải thiện doanh thu so với năm 2021 khi hãng báo cáo mức giảm doanh số bán hàng lớn nhất từ trước đến nay (29%).
Lợi nhuận ròng của Huawei đã giảm xuống còn 35,6 tỉ nhân dân tệ trong năm 2022, chỉ bằng 1/3 so với mức 113,7 tỉ nhân dân tệ của năm 2021 khi Huawei có tăng trưởng lợi nhuận nhờ việc bán đơn vị smartphone giá rẻ của mình là Honor.
“Biên lợi nhuận đang ở mức thấp lịch sử với Huawei do doanh thu giảm và chi phí R&D (nghiên cứu & phát triển) tăng”, Mạnh Vãn Chu cho biết tại cuộc họp báo cáo thường niên của công ty cuối tháng 3.
Huawei đã chi 1/4 doanh thu cho R&D, với tổng số tiền là 161,5 tỉ nhân dân tệ vào năm 2022, tỷ lệ R&D cao nhất từ trước đến nay của công ty. Các chi phí chính cho R&D bao gồm việc thay thế linh kiện, thiết kế lại bo mạch và phát triển hệ điều hành.
Theo Huawei, số lượng nhân viên công ty tăng lên 207.000 trong năm 2022 từ con số 195.000 của 2021.
“Vào năm 2022, môi trường bên ngoài đầy thách thức và các yếu tố phi thị trường tiếp tục gây thiệt hại cho hoạt động của Huawei”, Eric Xu nói tại cuộc họp báo.
Mạnh Vãn Chu sẽ phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn trong việc lèo lái Huawei vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ và tìm kiếm nguồn doanh thu mới, khi thu nhập của công ty từ mảng kinh doanh smartphone một thời sinh lãi đã giảm đáng kể. Cũng trong cuộc họp báo đó, Mạnh Vãn Chu cho biết hệ thống kế vị của Huawei không tập trung vào một cá nhân.
“Chúng tôi sẽ không đặt niềm tin của công ty vào một cá nhân. Các quy tắc quản trị đã nêu rõ vai trò và trách nhiệm, lịch trình của chủ tịch luân phiên và tôi sẽ tuân theo các quy tắc đó”, Giám đốc tài chính Huawei nói.
Mạnh Vãn Chu cho biết thêm: “Là một công ty, chúng tôi không có khả năng thay đổi địa chính trị hay môi trường, mà chỉ có thể thích nghi với môi trường đó”.