Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, trách nhiệm của các bộ và địa phương được phân công như sau:
Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải:
Bàn giao hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 03 dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV và 01 dự án xây dựng công trình cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư cho UBND các tỉnh được phân cấp làm cơ quan chủ quản các dự án thành phần để tiếp nhận và triển khai các bước tiếp theo; hướng dẫn, phối hợp với cơ quan chủ quản trong việc chuẩn bị đầu tư các dự án, dự án thành phần.
Hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tăng cường năng lực chuyên môn (kinh nghiệm chung của tổ chức, kinh nghiệm riêng của cá nhân và chứng chỉ cần thiết...) cho các địa phương để đảm bảo đáp ứng điều kiện phân cấp quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; hướng dẫn, kiểm tra giám sát và đôn đốc các địa phương được phân cấp làm cơ quan chủ quản kiện toàn năng lực quản trị, chuyên môn.
Lập, thẩm định, phê duyệt quyết định đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần không phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản theo quy định của pháp luật.
Chủ trì phân chia các dự án, dự án thành phần có ranh giới, địa giới hành chính nằm giữa các vị trí công trình cầu, hầm hoặc nút giao bảo đảm triển khai đồng bộ, hiệu quả, khả thi, phù hợp với năng lực, nguồn lực của địa phương.
Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thẩm định thiết kế cơ sở; quy định việc tổ chức bảo trì, quản lý sử dụng, khai thác công trình sau khi hoàn thành theo thẩm quyền; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy chuẩn xây dựng, quy hoạch, kế hoạch đầu tư, xây dựng công trình, dự án, kết nối đồng bộ với mạng lưới công trình giao thông đang khai thác.
Làm đầu mối theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, báo cáo việc thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ quy định tại Điều 163 Luật Xây dựng.
Chủ trì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia trong trường hợp phát sinh các yếu tố dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách nhà nước: đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ Bộ Giao thông vận tải sang UBND cấp tỉnh được phân cấp làm cơ quan chủ quản, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Tiếp nhận công trình sau khi cơ quan chủ quản hoàn thành việc xây dựng, quyết toán dự án để quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì theo quy định.
Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn dự kiến cho từng dự án, dự án thành phần thuộc Chương trình để Bộ Giao thông vận tải và cơ quan chủ quản hoàn thiện thủ tục, thực hiện đầu tư theo quy định.
Thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách nhà nước: tổng hợp phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn ngân sách trung ương giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND cấp tỉnh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo dõi, kiếm tra việc phân bổ kế hoạch và triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình.
Trách nhiệm của Bộ Tài chính:
Đảm bảo huy động nguồn lực, đôn đốc giải ngân các dự án thuộc Chương trình.
Thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách nhà nước: phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thẩm định phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn ngân sách trung ương giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND cấp tỉnh được phân cấp làm cơ quan chủ quản.
Phối hợp với các bộ, địa phương trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến triển khai dự án.
Hướng dẫn Bộ Giao thông vận tải và các địa phương thực hiện việc quyết toán dự án hoàn thành.
Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Hướng dẫn hoặc trình cấp có thẩm quyền hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trường hợp phân cấp cho UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản để thực hiện dự án đầu tư do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Trách nhiệm của Bộ Xây dựng:
Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Điều 162 Luật Xây dựng và hướng dẫn cơ quan chủ quản đảm bảo đủ các điều kiện về hoạt động xây dựng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, dự án thành phần.
Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh được phân cấp làm cơ quan chủ quản:
Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Điều 164 Luật Xây dựng; thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được phân cấp và cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí.
Chịu trách nhiệm toàn diện về việc kiện toàn nhân sự, đảm bảo đủ năng lực, kinh nghiệm của Ban Quản lý dự án trực thuộc hoặc tư vấn quản lý dự án, đáp ứng điều kiện phân cấp quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và văn bản đã cam kết; tuân thủ quy định của pháp luật về xây dụng và quy định khác có liên quan; chịu trách nhiệm toàn diện về đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định phân cấp UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản theo nguyên tắc, yêu cầu quy định tại Điều 2 Quyết định này.
Đối với dự án cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, UBND tỉnh Nam Định chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trên tuyến cao tốc nêu trên.
Đối với dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Km19 - Km53), UBND tỉnh Hòa Bình chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Căn cứ chủ trương đầu tư dự án tổng thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan chủ quản tiếp nhận hồ sơ từ Bộ Giao thông vận tải, tiến hành lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt quyết định đầu tư các dự án, dự án thành phần theo quy định.
Tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ, tuân thủ quy định của pháp luật; phê duyệt quyết toán các dự án, dự án thành phần được phân cấp sau khi hoàn thành, gửi quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành cho Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo kết quả phê duyệt quyết toán vốn đầu tư toàn bộ dự án; bàn giao cho Bộ Giao thông vận tải quản lý, khai thác, bảo trì theo quy định.
Bố trí đủ vốn đầu tư theo cam kết để hoàn thành các dự án, dự án thành phần đúng tiến độ. Trường hợp dự án, dự án thành phần do UBND tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện tăng tổng mức đầu tư so với tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND tỉnh có trách nhiệm bố trí vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án, dự án thành phần theo quy định. Riêng 03 dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 3 các Nghị quyết số 58/2022/QH15, số 59/2022/QH15 và số 60/2022/QH15 ngày 16.6.2022 của Quốc hội.