Nhà nước đã rất nỗ lực hỗ trợ DN, tuy nhiên, việc giảm phí, lệ phí chưa đồng bộ dẫn đến nhiều băn khoăn về tính thực chất và nhất quán trong các chính sách.
Ngày 12.1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020.
VCCI nhận định năm 2020, kinh tế Việt Nam và thế giới bị “phủ bóng” bởi dịch bệnh COVID-19. Trong năm nay, một trong các chính sách nổi bật của Nhà nước là các quy định hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng do COVID-19 gây ra.
Ngay từ những tháng đầu năm, Chính phủ đã soạn thảo và ban hành nhiều văn bản pháp luật có tính chất hỗ trợ cho doanh nghiệp như: Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong đó xác định các đối tượng là các doanh nghiệp bị thiệt hại bởi dịch bệnh trong một số ngành, lĩnh vực nhất định.
Các loại thuế được gia hạn (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; tiền thuê đất) trong đó quy định khá rõ ràng về thời hạn được gia hạn; hàng loạt thông tư về giảm phí, lệ phí liên quan đến quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực (phần lớn là các loại phí của các dịch vụ công cơ quan nhà nước cung cấp).
“Các chính sách này đã góp phần tháo gỡ khó khăn đáng kể cho doanh nghiệp trong những ngành, nghề dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh COVID-19 và cũng thể hiện được vai trò của Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, các chính sách trên còn đưa đến một số điểm còn băn khoăn”, báo cáo nêu.
Cụ thể, đối với quy định về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, việc xác định chính xác đối tượng được gia hạn là vô cùng quan trọng, bởi vừa tránh được tình trạng chính sách hỗ trợ dàn trải vừa đảm bảo hiệu quả của quy định.
Nghị định 41/2020/NĐ-CP đã xác định được những đối tượng được hưởng chính sách này dựa trên các ngành – dự đoán là bị thiệt hại bởi dịch bệnh.
VCCI cho rằn thiết kế quy định trên là hợp lý, tuy nhiên chỉ xác định đối tượng được gia hạn dựa trên tiêu chí này sẽ bỏ sót những đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp như các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi các quyết định cách ly, phong tỏa, buộc dừng hoạt động của các cơ quan (các doanh nghiệp có trụ sở, địa điểm, cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong khu vực cách ly theo quyết định của cơ quan nhà nước; các doanh nghiệp có từ 20% số lao động trở lên thuộc diện cách ly bắt buộc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền)…
Đối với các thông tư về phí lệ phí, VCCI cho hay từ đầu năm đến nay, một số thông tư về phí, lệ phí đã được ban hành, trong đó giảm mức phí, lệ phí của các dịch vụ công do nhà nước cung cấp, áp dụng trong khoảng thời gian từ 5.5.2020 đến 31.12.2020.
VCCI nhận xét động thái này sẽ góp phần giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và có tác dụng thúc đẩy việc gia nhập thị trường của các chủ thể kinh doanh. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mức phí và loại phí được giảm có thể thấy dường như chính sách giảm phí có nhiều điểm thiếu nhất quán.
Ví dụ, cùng là hoạt động cấp giấy phép kinh doanh nhưng mức phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; giấy phép thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng; giấy phép, giấy chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán được giảm 50% so với mức phí hiện hành.
Tuy nhiên, mức phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động lại chỉ giảm 30% so với mức phí hiện hành.
“Đều là hoạt động thẩm định của cơ quan nhà nước đối với các điều kiện kinh doanh để cấp giấy phép cho doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ giảm phí ở các lĩnh vực lại khá khác nhau đưa đến những băn khoăn cho các doanh nghiệp thụ hưởng”, VCCI nhấn mạnh.
Một ví dụ khác là cùng là hoạt động cấp giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực tín dụng, nhưng lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng thì được giảm 50% so với mức phí hiện hành, còn lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân lại không được giảm.
“Lệ phí cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho các tổ chức không phải là ngân hàng không được giảm. Không rõ tại sao lệ phí cấp giấy phép hoạt động của các đối tượng này lại không được giảm?”, VCCI nêu.
Do đó, báo cáo nhận định, có thể thấy, Nhà nước đã rất nỗ lực đưa đến các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh COVID–19. Tuy nhiên, việc giảm phí, lệ phí chưa đồng bộ trên đưa đến nhiều băn khoăn về tính thực chất và nhất quán trong các chính sách.