Quy định mới trong dự thảo thông tư sửa đổi của Ngân hàng Nhà nước sẽ khiến hoạt động cho vay tiêu dùng giảm rõ rệt khi hạn chế tối đa việc cho vay tiền mặt.

Cho vay tiêu dùng sắp hết thời 'gà đẻ trứng vàng'?

10/04/2019, 09:49

Quy định mới trong dự thảo thông tư sửa đổi của Ngân hàng Nhà nước sẽ khiến hoạt động cho vay tiêu dùng giảm rõ rệt khi hạn chế tối đa việc cho vay tiền mặt.

Hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính sẽ được siết chặt thời gian tới - Ảnh: Internet

Siết chặt công ty tài chính, hạn chế cho vay tiền mặt

Cụ thể, dự thảo sửa đổi Thông tư 43 quy định hoạt động cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến về việc chia cho vay tiêu cùng của các công ty tài chính thành 2 loại là cho vay giải ngân gián tiếp và cho vay giải ngân trực tiếp.

Cho vay giải ngân gián tiếp (là sản phẩm tài chính truyền thống tài trợ cho việc mua hàng tiêu dùng) chủ yếu gồm cho vay mua xe hay bán và cho vay mua hàng điện máy gia dụng. Còn vay giải ngân trực tiếp là cho vay tiền mặt dành cho cá nhân phục vụ một số mục đích tiêu dùng khác.

Đối với các khoản cho vay gián tiếp, các công ty tài chính giải ngân tiền trực tiếp cho bên bán hàng và không giải ngân cho người vay. Đối với khoản tiền mặt, các công ty tài chính có thể giải ngân trực tiếp cho người vay. Tuy nhiên, cho vay tiền mặt chỉ có thể thực hiện với những khách hàng vay có lịch sử tín dụng tốt không có nợ xấu trên Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) tại thời điểm ký hợp đồng cho vay và giải ngân.

Điều này có nghĩa là các công ty tài chính không được phép cho vay tiền mặt với những khách hàng mới không có thông tin tín dụng. Tuy nhiên, giải pháp này của Ngân hàng Nhà nước đang vô tình làm gia tăng cho vay tín dụng đen, bởi những người đã phải tìm đến tín dụng đen thường là những người không thể tiếp cận được ngân hàng hay thậm chí là công ty tài chính.

Vì vậy, người có nhu cầu vay tín dụng đen thường hoặc không phải là khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính, hoặc không có lịch sử tín dụng tốt, hoặc có nợ xấu. Do đó, nếu Ngân hàng Nhà nước buộc công ty tài chính loại bỏ những đối tượng vay tiềm năng này thì rõ ràng là họ chỉ còn cách tiếp cận tín dụng đen. Đáng chú ý là dự thảo đề xuất tỷ trọng cho vay tiền mặt trong dự nợ của các công ty tài chính tối đa là 30%.

Về vấn đề này, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định việc đưa ra các quy định để kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng là cần thiết khi cho vay giải ngân trực tiếp là loại hình vay tín chấp, thủ tục nhanh và không cần chứng minh mục đích vay, là phân khúc dễ phát triển dư nợ, nhưng rủi ro cao và khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay. Đặc biệt trong môi trường cạnh tranh gia tăng, các công ty tài chính tiêu dùng sẽ đẩy mạnh tỷ trọng cho vay tiền mặt trong danh mục tín dụng để nhanh chiếm lĩnh thị phần

Công ty tài chính nói gì?

Hiện nay, các công ty tài chính lớn như FE Credit, Home Credit, HD Saison (đang nắm 88% thị phần) có thể bị ảnh hưởng đáng kể nếu dự thảo thông tư được ban hành.

Ông Nguyễn Thanh Phúc - Phó tổng giám đốc Công ty FE Credit cho biết, đối tượng khách hàng của tín dụng tiêu dùng thường là các khách hàng “dưới chuẩn” có độ tín nhiệm thấp với mức thu nhập ở mức trung bình - thấp, tình hình tài chính không ổn định, không có tài sản đảm bảo nên mức độ rủi ro đối với các khoản vay tiêu dùng tín chấp sẽ cao hơn so với vay thế chấp tại các ngân hàng.

Theo đó, ông Phúc đề xuất các cơ quan quản lý - Ngân hàng Nhà nước cần xem xét hoàn thiện hệ thống pháp lý, quy định phù hợp với hoạt động tín dụng tiêu dùng. Cụ thể, đối với nhu cầu vốn vay, theo quy định hiện nay, người đi vay phải liệt kê chính xác từng nhu cầu vốn trong khi nhu cầu tiêu dùng là những nhu cầu đa dạng, thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày. Vì thế yêu cầu người đi vay liệt kê chính xác các nhu cầu này gần như không thể thực hiện được.

Về nghiệp vụ tín dụng, khi người dân có nhu cầu vay cấp thiết thì nhiều quy định, thủ tục phức tạp trong việc đăng ký, xét duyệt vay khiến các tổ chức tín dụng không thể cạnh tranh với tín dụng đen. Cụ thể:

Chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay: Cần xem xét loại bỏ loại chứng từ này để giảm bớt gánh nặng chi phí hành chính không cần thiết. Tập trung nguồn lực để phát triển các sản phẩm có giá phù hợp và phục vụ tốt hơn cho khách hàng.

Trên thực tế, việc yêu cầu người đi vay cung cấp các chứng từ này rất khó vì các khoản vay tiêu dùng thường có giá trị nhỏ; nhiều mục chi tiêu khác nhau; các nơi cung cấp hàng hóa bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng không có hóa đơn chứng từ; người tiêu dùng chưa có thói quen yêu cầu nhà cung cấp xuất hóa đơn, bản thân khách hàng cũng không thường xuyên lưu giữ các chứng từ chi tiêu.

Chứng từ chứng minh thu nhập: Cần nghiên cứ để thay thế bằng các chứng từ khác đơn giản và hiệu quả hơn. Do phân khúc khách hàng “dưới chuẩn” của ngân hàng thường đa phần là lao động tự do, lương được thanh toán bằng tiền mặt.

Trong khi đó, ông Trịnh Bá Việt Xô - Trưởng phòng Quản lý đối tác chiến lược, Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam đề xuất thay vì yêu cầu lịch sử tín dụng tốt của khách hàng thì cần có nhiều hơn dịch vụ cộng thêm “Bảo hiểm khoản vay” (Add-on service). Bảo hiểm rủi ro cho người vay tín dụng tiêu dùng là vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với người vay có thu nhập thấp, nhằm tránh các rủi ro có thể xảy ra.

Bảo hiểm sẽ giúp khách hàng thanh toán khoản vay mà không gây ra những áp lực tài chính lên gia đình khi khách hàng tử vong hoặc mất khả năng lao động do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm.

"Để đẩy lùi tín dụng đen, chúng ta cần nỗ lực từ nhiều phía, trong đó doanh nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng. Không chỉ đơn thuần cung cấp các khoản vay với thủ tục nhanh chóng, mang lại cho người dân một lựa chọn tốt, các công ty tài chính tiêu dùng còn tham gia tích cực vào các hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân về tín dụng an toàn, có trách nhiệm với khoản vay. Chúng tôi cung cấp các ấn phẩm bỏ túi, tổ chức các buổi tư vấn kiến thức tài chính cho nhiều đối tượng tiêu dùng, đặc biệt là thanh niên và giới nội trợ", ông Xô nói.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cho vay tiêu dùng sắp hết thời 'gà đẻ trứng vàng'?