Shoei Kisen, công ty Nhật Bản sở hữu siêu tàu Ever Given mắc cạn và chặn kênh đào Suez gần 1 tuần, chưa nhận được bất kỳ yêu cầu bồi thường thiệt hại do gây tắc nghẽn giao thông.

Chủ sở hữu siêu tàu Ever Given chưa thấy ai đòi bồi thường, có thể đền hàng triệu USD

30/03/2021, 16:40

Shoei Kisen, công ty Nhật Bản sở hữu siêu tàu Ever Given mắc cạn và chặn kênh đào Suez gần 1 tuần, chưa nhận được bất kỳ yêu cầu bồi thường thiệt hại do gây tắc nghẽn giao thông.

Yumi Shinohara, Phó giám đốc Shoei Kisen, nói với Reuters qua điện thoại: “Không có khiếu nại hoặc kiện cáo nào chống lại công ty của chúng tôi liên quan đến vụ việc".

Chúng tôi vẫn đang điều tra nguyên nhân của sự cố và chi phí, bao gồm chi trả bảo hiểm và bồi thường thiệt hại có thể xảy ra”, bà Yumi Shinohara nói mà không giải thích chi tiết.

Hoạt động vận chuyển tiếp tục được tiến hành vào cuối ngày 29.3 tại kênh đào Suez (Ai Cập) sau khi Ever Given của Shoei Kisen chặn kênh gần 1 tuần.

Các nguồn tin trong ngành cho biết, chủ sở hữu và công ty bảo hiểm của Ever Given có thể phải đối mặt với các yêu cầu bồi thường lên tới hàng triệu USD ngay cả khi con tàu nhanh chóng di chuyển đi.

Thân tàu Ever Given được bảo hiểm bởi công ty Mitsui Sumitomo Insurance (Nhật Bản), thuộc MS&AD Insurance Group Holdings, Tokio Marine & Nichido Fire Insurance Co và Sompo Japan Insurance Inc, trong khi P&I Club ở Vương quốc Anh cũng là nhà bảo hiểm cho Ever Given, Yumi Shinohara cho biết.

P&I Club tiết lộ là nhà bảo hiểm bảo vệ và bồi thường cho Ever Given.

chu-so-huu-ever-given-chua-nhan-yeu-cau-boi-thuong.jpg
Ever Given sau khi nổi hoàn toàn ở kênh đào Suez, Ai Cập ngày 29.3

Tướng Osama Rabie, Chủ tịch Cơ quan Kênh đào Suez (SCA), dự kiến ​​sẽ có 113 tàu di chuyển qua kênh đào Suez theo cả hai hướng vào sáng sớm 30.3.

Ông Osama Rabie cho biết 422 tàu tồn đọng có thể được giải phóng trong 3 ngày rưỡi tới.

Theo tờ The New York Times, YM Wish mang cờ Hồng Kông trở thành con tàu đầu tiên đi qua kênh đào Suez sau khi tuyến đường thủy này tắc nghẽn nghiêm trọng do Ever Given chắn ngang.

Tàu YM Wish được phép đi qua tuyến kênh đào dài 195 km này vào khoảng 8 giờ 15 sáng 30.3, hướng đến Hồng Hải và cảng Jeddah của Ả Rập Xê Út.

Rất nhiều tàu khác sau đó cũng đã đi qua tuyến kênh này từ 2 hướng.

Tàu Ever Given với chiều dài 400 m, trọng tài gần 224.000 tấn và chở 18.300 container, đã bị kẹt theo đường chéo qua đoạn phía nam kênh đào Suez, tuyến đường vận chuyển ngắn giữa châu Âu và châu Á, trong gió lớn sáng sớm ngày 23.3.

Evergreen Line, công ty Đài Loan vận hành Ever Given, cho biết tàu sẽ được kiểm tra khả năng đi biển ở hồ Great Bitter, nơi ngăn cách hai đoạn kênh. Đây là hồ nước mặn có vai trò như "trạm dừng chân" nằm giữa kênh đào Suez.

"Con tàu đã sẵn sàng cho việc điều hướng có giới hạn sau cuộc kiểm tra ban đầu và không có container nào bị hư hại, nhưng cuộc kiểm tra thứ hai sẽ chính xác hơn và nếu bị ảnh hưởng thì nó sẽ hiển thị", Osama Rabie nói.

Bernhard Schulte Shipmanagement (BSM), công ty quản lý kỹ thuật của Ever Given, cho biết không có báo cáo nào về ô nhiễm hoặc hư hỏng hàng hóa.

Tướng Osama Rabie nói rằng trong vòng 4 ngày, giao thông sẽ trở lại bình thường. “Chúng tôi sẽ làm việc cả ngày lẫn đêm để giải quyết công việc tồn đọng”, ông cho hay.

Ông Osama Rabie nói thêm, các tàu có kích thước tương tự Ever Given, một trong những tàu container lớn nhất thế giới, có thể đi qua kênh đào Suez một cách an toàn và SCA sẽ không thay đổi chính sách tiếp nhận chúng.

Tập đoàn vận chuyển Maersk cho biết những gián đoạn với vận chuyển toàn cầu có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để làm sáng tỏ.

Sự tắc nghẽn kênh đào Suez gây thiệt hại khủng khiếp

Khoảng 15% lưu lượng vận tải biển trên thế giới đi qua kênh đào Suez, đây là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Ai Cập.

Khoảng 12% thương mại toàn cầu, khoảng 1 triệu thùng dầu và khoảng 8% khí đốt tự nhiên hóa lỏng đi qua kênh đào Suez mỗi ngày.

Tướng Osama Rabie nói với các phóng viên hôm 27.3 rằng Ai Cập thiệt hại 14 - 15 triệu USD (10,2 - 10,9 triệu bảng Anh) doanh thu cho mỗi ngày do kênh đào Suez phải tạm thời đóng cửa.

Trước đại dịch COVID-19, thương mại đi qua kênh đào Suez đã đóng góp tới 2% GDP của Ai Cập, theo Moody's.

Ngoài ra, dữ liệu từ tạp chí hàng hải Lloyd's List cho thấy Ever Given đang nắm giữ khoảng 9,6 tỉ USD giao dịch dọc theo đường thủy mỗi ngày. Điều đó tương đương với 400 triệu USD và 3,3 triệu tấn hàng hóa/giờ, hay 6,7 triệu USD/phút.

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh hơn, công ty bảo hiểm Đức Allianz chỉ ra rằng sự tắc nghẽn kênh Suez có thể gây thiệt hại cho thương mại toàn cầu từ 6 tỉ USD đến 10 tỉ USD mỗi tuần, giảm tốc độ tăng trưởng thương mại hàng năm từ 0,2 đến 0,4 điểm %.

Nhà môi giới vận tải biển Braemar ACM nói với tờ Wall Street Journal rằng chi phí thuê một số tàu để vận chuyển hàng hóa đến và đi từ châu Á, Trung Đông đã tăng 47% trong tuần này lên 2,2 triệu USD.

Một số tàu đang được định tuyến lại để tránh kênh đào Suez, đồng nghĩa thêm khoảng 8 ngày vào hành trình của họ.

Bài liên quan
Vụ kẹt tàu ở kênh đào Suez: DN Việt lo loạt chi phí 'đội giá'
Không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Âu, sự cố kẹt tàu ở kênh đào Suez còn khiến các doanh nghiệp lo lắng về hàng loạt khoản chi phí có thể "đội giá".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ sở hữu siêu tàu Ever Given chưa thấy ai đòi bồi thường, có thể đền hàng triệu USD