“Vừa qua, người giàu lên nhờ đất rất nhiều, tù tội vì đất cũng rất nhiều, kỷ luật Đảng cũng rất nhiều. Cho nên, yêu cầu đặt ra là chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai với các cấp, ngành”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chiều 29.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Cho ý kiến về vấn đề Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia tại phiên thảo luận tổ chiều 29.10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quy hoạch đất đai là nền tảng quan trọng để phát triển các loại hình khác trong tái cơ cấu. “Nước ta "tam sơn, tứ hải, nhất đẳng điền". Diện tích chỉ hơn 300.000 km2 nhưng dân số tới 100 triệu người, là một trong những nước có bình quân đất đai rất thấp. Chính vì vậy sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả đất đai là điều rất quan trọng. Phải dành đất cho thế hệ cháu con chúng ta”, Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước, đất không sinh ra nên một yêu cầu lớn, lâu dài là phải quản lý có hiệu quả. Xã hội hoá, tư nhân hoá, nhưng cái gì Nhà nước cần phải quản lý, giữ cho mãi mãi những đời sau thì phải quản lý. Không được vô nguyên tắc trong quy hoạch đất đai.
“Vừa qua chuyện giàu lên vì đất rất nhiều nhưng tù tội vì đất cũng rất nhiều, kỷ luật Đảng vì đất cũng rất nhiều. Cho nên yêu cầu đặt ra là phải chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai ở các cấp các ngành”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cho biết, ông tán thành với nhiều vấn đề của quy hoạch sử dụng đất mà Chính phủ trình như giữ lại quy hoạch đất lúa 3,5 triệu ha. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, cần phải tạo ra không gian chính sách để sử dụng linh hoạt diện tích đất này.
“Anh làm cây ăn quả cam, quýt, một số trái cây không làm ô nhiễm đất, nhưng sau cần sản xuất lúa thì quay trở lại sản xuất lúa. Hướng trình của Chính phủ là như thế”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về thành quả kinh tế 5 năm qua, kế hoạch cơ cấu nền kinh tế đã đạt nhiều thành quả quan trọng. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, hạn chế mà tờ trình Chính phủ đã chỉ ra, trong đó có vấn đề tái cơ cấu DNNN còn chậm, còn nhiều DNNN làm ăn thua lỗ; đầu tư công còn dàn trải, giải ngân chậm, còn thất thoát. Kinh tế tư nhân phát triển chưa như kỳ vọng…
Về phương hướng tái cơ cấu giai đoạn tới, Chủ tịch nước cho rằng, phục hồi kinh tế sau đại dịch là rất quan trọng, nhất là vấn đề giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân. Chủ tịch nước lưu ý, tái cơ cấu nền kinh tế, cần chú ý xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp là trụ đỡ cho phát triển. Phải phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, vì đó là trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế. Vấn đề này trong kế hoạch phải rõ nét hơn.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế tư nhân mạnh mẽ, các tập đoàn kinh tế lớn. Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, làm ăn lâu dài. Qua thực tiễn phòng chống dịch vừa qua càng thấy, lực lượng kinh tế tư nhân đã chung tay rất mạnh mẽ cùng Đảng, Nhà nước kiểm soát dịch bệnh. Phải xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự cường, để dù bối cảnh khó khăn đến đâu chúng ta cũng trụ vững. “Để thành công thì quan trọng nhất vấn là con người, thể chế”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Một vấn đề chung mà ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) và các ĐB đều lưu ý, đó là cần nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất vì hiện nay gây lãng phí nghiêm trọng, nhiều quy hoạch treo.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) tán thành việc vẫn giữ diện tích đất lúa, tăng đất cho an ninh quốc phòng. “Cần hạn chế tối đa quy hoạch treo, vì điều này gây bức xúc nhất cho dân. Hạn chế tối đa lấy mất đất bờ xôi ruộng mật để làm công nghiệp”, ĐB Nguyễn Minh Đức nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong phần đánh giá tiềm năng đất đai cho lĩnh vực nông nghiệp, cần phải làm nổi bật hơn nội dung đánh giá về việc khai thác biển và đánh bắt nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng ven biển gần bờ, quanh các hòn đảo lớn. Việt Nam là quốc gia có biển, vì vậy cần phải đánh giá kỹ hơn tiềm năng này.
Đặc biệt, theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, đất nông nghiệp sử dụng cho chăn nuôi hiện nay quy mô rất nhỏ so với quy hoạch quốc gia, trên bản đồ gần như không được thể hiện.
Đại biểu cho rằng, cần phải đề cập để có định hướng cho các quy hoạch của địa phương vì trong tương lai, nước ta sẽ có xu hướng chuyển dịch từ nền nông nghiệp chủ yếu là trồng trọt là chính sang chăn nuôi là chủ yếu. Đây là kinh nghiệm của nhiều quốc gia, xu thế dịch chuyển của nông nghiệp sẽ như vậy nên cần quy hoạch đất cho khu vực chăn nuôi này. Vì nếu không quy hoạch sẽ khó có những giải pháp, cũng như có sự chuẩn bị tốt cho việc này.
Đại biểu cũng đề nghị cần phân tích sâu thêm các tác động của biến đổi khí hậu để thấy những tác động to lớn sẽ đe dọa tình hình sản xuất nông nghiệp của cả nước ra sao, đặc biệt là các vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Trung Du, miền núi phía Bắc để có dự báo tốt và chuẩn bị quỹ đất trong quy hoạch tốt hơn.
Về dự báo xu thế biến động đất đai cả nước, đại biểu cho rằng, qua phân tích có thể thấy đất chưa sử dụng đã giảm rất mạnh và hầu như chúng ta cũng không còn quỹ đất dự trữ, vì vậy cần phải có phương án huy động nguồn lực đất để hình thành nguồn đất đai dự trữ quốc gia đủ lớn, có như vậy chúng ta mới có thể phát triển được kinh tế xã hội trong những giai đoạn tiếp theo được tốt hơn.