Tại cuộc họp kinh tế - xã hội diễn ra chiều 4.6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị phải tập trung giải quyết rốt ráo vấn đề ở Thủ Thiêm (quận 2) và Khu Công nghệ cao (quận 9).

Chủ tịch TP.HCM: Tập trung giải quyết rốt ráo vấn đề ở Thủ Thiêm

05/06/2020, 07:13

Tại cuộc họp kinh tế - xã hội diễn ra chiều 4.6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị phải tập trung giải quyết rốt ráo vấn đề ở Thủ Thiêm (quận 2) và Khu Công nghệ cao (quận 9).

Một góc cuộc họp kinh tế - xã hội diễn ra chiều 4.6 - Ảnh: HMC

Tại cuộc họp, ông Phong đề nghị các ban ngành liên quan cần tập trung giải quyết vấn đề liên quan tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu Công nghệ cao. Trong đó, các vấn đề cơ bản tại Thủ Thiêm phải quyết liệt bám sát kết luận 1037 để giải quyết trong tháng 7.2020. Đặc biệt, ông Phong cho biết một số dự án ở Thủ Thiêm sẽ được khởi công trước Đại hội Đảng bộ thành phố. Ông cũng đề nghị lập danh mục các dự án ở Thủ Thiêm sẽ làm trong năm tới 2021.

Ngoài các vấn đề trên, Chủ tịch UBND TP.HCM còn yêu cầu các cấp các ngành cần “chạy đua” theo thời gian để hoàn thành đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính quận, phường xã. Hiện tại, Sở Nội vụ đã chuẩn bị xong kế hoạch để báo cáo lên Bộ Nội vụ và lập đề án. Trong tháng 10 năm nay, vấn đề này sẽ được báo cáo tại Quốc hội.

Ông Phong cho biết theo đề án này, TP.HCM sẽ giảm xuống còn 16 quận so với 19 quận hiện hữu. Thành phố sẽ không tổ chức hội đồng nhân dân ở quận, nhưng riêng Thành phố Sáng tạo phía Đông thì vẫn có hội đồng nhân dân. Thành phố phía Đông với tâm điểm là quận 2, 9, Thủ Đức sẽ lấy nền tảng là khu đô thị đổi mới sáng tạo. Sau khi thành lập “thành phố trong thành phố”, thành phố này sẽ nhập vào quy hoạch chung.

Đáng chú ý, đề cập đến việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, người đứng đầu UBND TP.HCM đề nghị tiếp tục nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế. Ông lưu ý các sở ngành và người dân cần đề cao cảnh giác khi trên thế giới đã có những nước xuất hiện làn sóng thứ hai về lây nhiễm dịch bệnh COVID-19.

Đối với chương trình phục hồi kinh tế, ông Phong cho biết sẽ có 2 giai đoạn. Thứ nhất là giải pháp tình thế để có phương án bám trụ, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Thứ hai là gắn tái cơ cấu theo chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt tái cơ cấu thị trường.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Viện Nghiên cứu - Phát triển và Sở Kế hoạch - Đầu tư có kế hoạch cụ thể, trọng tâm trong việc ổn định sản xuất, vực dậy nền kinh tế sau dịch. Trong đó, trước mắt cần duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp. Hiện tại, TP.HCM có hơn 7.200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 39,9 % so cùng kỳ.

“Ngăn chặn phá sản là ngăn chặn mất việc của người lao động. Đa số doanh nghiệp của TP.HCM có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Đây là đối tượng dễ bị gãy đổ qua cơn bão COVID-19. Vì vậy, thành phố cần có giải pháp hết sức cụ thể để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, thúc đẩy mở rộng thị trường.

Mặt khác, cần tối ưu hóa đầu tư công thông qua các biện pháp kích thích tài khóa, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ngăn chặn mất việc của người lao động. Theo Ngân hàng Thế Giới, khi giải ngân đầu tư công tăng 10% sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP 0,6%. Doanh nghiệp và đơn vị cần khai thác lợi ích từ chương trình chuyển đổi số. Hiện nay, thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh với việc thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ trực tuyến công, đó là những tín hiệu tích cực cần tận dụng tốt”, ông Phong chỉ đạo.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tin vui cho ngành thủy sản: Xuất khẩu thu hơn 1 tỉ USD/tháng
Lần đầu tiên sau 27 tháng (kể từ tháng 6.2022), xuất khẩu thủy sản theo tháng đã trở lại đạt mức 1 tỉ USD - dấu mốc đáng mừng cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch TP.HCM: Tập trung giải quyết rốt ráo vấn đề ở Thủ Thiêm