Việt Nam đang chú trọng việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để sản xuất vắc xin chất lượng cao phục vụ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng...

Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất vắc xin chất lượng cao

Thu Anh | 01/08/2021, 13:26

Việt Nam đang chú trọng việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để sản xuất vắc xin chất lượng cao phục vụ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng...

Bộ KH-CN đã xây dựng dự thảo Tờ trình, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình KH-CN trọng điểm quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng cho người đến năm 2030”; và lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan nghiên cứu đối với Hồ sơ trình Dự thảo Quyết định.

Bộ KH-CN nhận định vắc xin sử dụng cho người (viết tắt là vắc xin) có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe con người, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới.

Xác định được tầm quan trọng của vắc xin, trước bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát trên toàn cầu, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ KH-CN đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chương trình KH-CN trọng điểm quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng cho người đến năm 2030”.

chu-trong-nghien-cuu-ung-dung-cong-nghe-tien-tien-san-xuat-vac-xin-chat-luong-cao.jpg
Chú trọng tới sản xuất vắc xin có chất lượng cao phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng - Ảnh: Internet

Việt Nam đã làm chủ công nghệ

Theo Bộ KH-CN, đến nay Việt Nam đã làm chủ công nghệ và sản xuất được các vắc xin phục vụ Chương trình Tiêm chủng mở rộng và một số vắc xin khác, góp phần thanh toán và đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm, bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe cộng đồng.

Ngoài ra, các cơ sở nghiên cứu sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế cũng đang tiến hành nghiên cứu sản xuất vắc xin Hib cộng hợp, thương hàn vi cộng hợp, vắc xin phối hợp, vắc xin sốt xuất huyết...

Các cơ sở nghiên cứu sản xuất vắc xin đều có bộ phận nghiên cứu phát triển vắc xin sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời nhận chuyển giao công nghệ từ một số nước tiên tiến để sản xuất vắc xin. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí hạn chế nên còn khá nhiều loại vắc xin sản xuất bằng công nghệ mới chưa được sản xuất tại Việt Nam, vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài như vắc xin phối hợp, não mô cầu, Hib cộng hợp...

Về tổ chức, theo Bộ KH-CN, hiện nay cả nước có 4 cơ sở Nhà nước thực hiện việc nghiên cứu sản xuất vắc xin, gồm Viện vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC), Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Công ty TNHH một thành viên vắc xin Pasteur Đà Lạt (DAVAC).

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, một số doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19 bằng các công nghệ khác nhau như Công ty Nanogen, Công ty VinBioCare. Hiện có 4 cơ sở nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19 và 1 cơ sở nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19 từ nước ngoài.

Đến nay, có 2 vắc xin đang thử nghiệm lâm sàng là vắc xin Nanocovax do Công ty Nanogen sản xuất đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, với gần 14.000 người đã được tiêm từ 1 đến 2 mũi. Vắc xin Covivac do Viện vắc xin và sinh phẩm y tế đang được thử nghiệm giai đoạn 1, quy mô sản xuất trên nền cơ sở vật chất hiện có khoảng 6 triệu liều/năm, có thể nâng công suất lên 30 triệu liều/năm.

Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ

Tuy nhiên, Bộ KH-CN cũng cho rằng về cơ bản tình hình nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin, nhất là đối với các vắc xin thế hệ mới còn tồn tại các vấn đề. Cụ thể, vắc xin sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là vắc xin đơn giá, chưa có nhiều nghiên cứu các vắc xin thế hệ mới, vắc xin đa giá; công nghệ sản xuất vắc xin hầu hết là công nghệ cũ, chất lượng vắc xin chủ yếu đáp ứng nhu cầu trong nước, chưa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ngoài ra, năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ mới sản xuất vắc xin của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, cần được nâng cao trình độ thông qua hoạt động nghiên cứu phát triển vắc xin...

Vì vậy, mục tiêu chính của Chương trình dự thảo là chú trọng việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để sản xuất vắc xin có chất lượng cao phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng và một số vắc xin khác, từng bước đưa vắc xin của Việt Nam tham gia thị trường quốc tế.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Bộ KH-CN nhấn mạnh tới các nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ từ hoàn thiện cơ chế chính sách, các giải pháp thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường, hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu, tăng cường trang thiết bị phục vụ kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm…

Đặc biệt, một số cơ chế đặc thù nhằm hỗ trợ cho việc nghiên cứu sản xuất vắc xin nhất là vắc xin đại dịch đã được đề cập nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức nghiên cứu sản xuất trong thời gian qua. Các vắc xin đã được triển khai trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 được tiếp tục xem xét hỗ trợ trong Chương trình này.

Bài liên quan
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp
Theo Bộ KH-CN, đã có nhiều văn bản về cơ chế, chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp được ban hành.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất vắc xin chất lượng cao