Chiến lược tiêm chủng của Campuchia chống lại COVID-19 đã thay đổi khi số lượng vắc xin về nhiều hơn.
Theo trang Khmer Times, sau khi đảm bảo có hơn 26 triệu liều vắc xin, Campuchia hiện đã đặt lại mục tiêu là tiêm chủng cho hơn 13 triệu người, chiếm hơn 80% dân số.
Về mục tiêu tiêm chủng ban đầu là 10 triệu người, Campuchia dự kiến sẽ đạt được trong tháng này, trừ bất kỳ sự cố không mong muốn nào.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Youk Sambath, tính đến giữa tháng 8 tới, Campuchia dự kiến sẽ nhận được tổng cộng khoảng 26 triệu liều vắc xin COVID-19 thông qua việc mua và được viện trợ.
Bà nói, nếu không có gì thay đổi, 415.000 liều vắc xin AstraZeneca do Anh tài trợ sẽ đến Campuchia vào tuần tới vào ngày 3 hoặc 4.8.
500.000 liều khác của hợp đồng mua vắc xin Johnson & Johnson tiêm 1 mũi sẽ đến từ Mỹ vào 2.8.
Thêm 1 triệu liều vắc xin của Mỹ, 1 triệu liều của Nhật Bản và 415.000 liều của Anh sẽ được gửi đến Campuchia thông qua cơ chế COVAX.
Cùng với 1 triệu liều Sinovac mới được nhập về sáng qua (31.7), Campuchia cũng nhận được khoảng 300.000 bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên nhanh do Trung Quốc tài trợ.
Campuchia hiện đã nhận khoảng 19 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 thông qua mua và được tặng: 6,2 triệu liều Sinopharm, 11,5 triệu liều Sinovac, 656.000 liều AstraZeneca và 455.000 liều Johnson & Johnson.
Tính đến 31.7, 7.304.756 người trưởng thành ở Campuchia đã được tiêm mũi vắc xin đầu tiên, chiếm 73,05% trong số 10 triệu người dự kiến tiêm chủng ban đầu, trong số đó có 4.729.605 người đã tiêm đầy đủ hai mũi.
Tổng số liều vắc xin đã được sử dụng ở Campuchia là 11.962.852.
Hôm nay, Campuchia đang phát động chiến dịch tiêm chủng cho trẻ vị thành niên từ 12 đến 17 tuổi dưới sự chủ trì của Thủ tướng Hun Sen. Chưa rõ Campuchia dùng loại vắc xin nào để tiêm cho nhóm đối tượng này.
Đến nay Campuchia ghi nhận 77.243 ca mắc COVID-19 với 1.397 người chết và 69.996 trường hợp phục hồi. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này báo cáo thêm 658 ca mắc COVID-19 với 22 người chết.
WHO: Số ca mắc và tử vong do COVID-19 ở Campuchia hàng ngày vẫn cao
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra tuyên bố mới về tình hình COVID-19 và đặc biệt là biến thể Delta ở Campuchia.
WHO cho biết: "Đại dịch còn lâu mới kết thúc. Số ca mắc và tử vong do COVID-19 được xác nhận hàng ngày vẫn còn cao ở Campuchia, quốc gia đang trong giai đoạn lây truyền giai đoạn 2 với vi rút lưu hành rộng rãi trong cộng đồng. Biến thể Delta đã được phát hiện trong số những người di cư trở về qua biên giới đất liền và đang ở trong cộng đồng địa phương. Biến thể Delta lây lan nhanh hơn các biến thể từng biết khác. Nó là biến thể dễ truyền nhất được biết đến cho đến nay. Ở nhiều quốc gia, nó đã nhanh chóng thay thế các biến thể lưu hành khác dẫn đến gia tăng các ca bệnh và số ca nhập viện. Biến thể Delta đang gây ra sự tàn phá trên toàn cầu và nhiều biến thể khác - với khả năng thậm chí còn nguy hiểm hơn - sẽ xuất hiện nếu chúng ta không ngăn chặn vi rút".
Trong tuyên bố của mình, WHO nói rằng thời gian là cốt lõi trong cuộc chiến chống COVID-19 ở Campuchia.
“Chúng ta đang chạy đua với các biến thể mới. Chúng ta phải hành động ngay hôm nay và chúng ta phải hành động nhanh chóng để không phải hối tiếc vào ngày mai”, Tiến sĩ Li Ailan, Trưởng đại diện WHO tại Campuchia, cho biết.
WHO ca ngợi hành động của Chính phủ Campuchia trong việc phong tỏa 8 tỉnh biên giới và áp đặt lệnh giới nghiêm ở các thành phố: "Campuchia đang ở một thời điểm quan trọng. Chính phủ đã thực hiện một số quyết định cứng rắn bao gồm việc phong tỏa ở 8 tỉnh biên giới và phát động chiến dịch quốc gia như những bước quan trọng trong việc chống lại đại dịch, đặc biệt là để đối phó với biến thể Delta".