Yêu cầu tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay vẫn đặt ra rất bức thiết trên một số lĩnh vực trọng tâm.
Bên cạnh đó, cần mở rộng chức năng giám sát thẩm định trên các tiêu chí hiệu quả đầu tư, tiết kiệm hơn là chỉ tập trung giám sát tuân thủ quy trình đầu tư, quyết liệt hơn trong việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
Theo ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM, quan trọng không kém là việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cần tập trung vào đổi mới thể chế và cách thức quản trị DNNN và quản lý nhà nước đối với DNNN theo hướng các DNNN phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc thị trường và cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
“Đồng thời, nghiêm ngặt áp dụng nguyên tắc ngân sách cứng đối với DNNN. Tiến hành cổ phần hóa thực chất các DNNN với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài chứ không chỉ là sự sở hữu chéo của các DNNN với nhau” – ông Cung nói.
Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cũng là nội dung quan trọng. Do đó cần nhanh chóng giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngoại bảng của các ngân hàng thương mại (NHTM) để có thể kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%.
Theo đó, các liên kết phải xuất phát từ tự thân các doanh nghiệp và nhà nước chỉ đóng vai trò giảm thiểu rủi ro và chi phí cho việc hình thành nên các liên kết vùng và các cụm công nghiệp mà các doanh nghiệp đã manh nha hình thành.
Ngoài ra, cần nỗ lực tạo đột phá đáng kể đối với hai nút thắt quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, đó là chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.
Lạc quan về năm 2016
Đồng thời, ông Cung cũng cho rằng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vẫn diễn ra sâu rộng. Việc hoàn tất đàm phán FTA với EU và TPP – với kỳ vọng cả hai hiệp định có thể hoàn tất phê chuẩn trong năm 2016 – sẽ là những bước ngoặt quan trọng đối với cải cách ở Việt Nam.
“Các cam kết sâu rộng hơn về tự do hóa thương mại và đầu tư - kể cả sau đường biên giới - hướng tới một luật chơi chung có chất lượng, nhất quán và thân thiện với doanh nghiệp, sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy các cải cách nền tảng kinh tế thị trường ở Việt Nam” – ông Cung nhấn mạnh.
Ông Cung nói thêm, hiện nay, quá trình cải cách và hội nhập kinh tế cũng đi kèm với không ít thách thức. Đó là quyết tâm cải cách chưa tương xứng với yêu cầu của thực tiễn; nhận thức chưa đầy đủ về cơ hội, thách thức và yêu cầu của thực tiễn cải cách và hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như vai trò của nhà nước, chính phủ trong điều hành kinh tế; và tổn phí điều chỉnh đối với một số nhóm dân cư, doanh nghiệp.
“Kinh tế Việt Nam đang ở thời kỳ chuyển giao. Quá trình chuyển giao không chỉ thực hiện giữa hai kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (tương ứng cho giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020), mà còn từ ổn định và phục hồi tăng trưởng sang tăng trưởng và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn” – ông Cung cho hay.
Hoàng Long