13h, đoàn làm phim vừa kết thúc cảnh quay tại quán cà phê trên đường Lê Văn Lương (quận 7, TP.HCM), mọi người í ới nhau ra quán dùng bữa thì anh Điền Thái Minh (tức Minh "Mông cổ", SN 1953) lại vội vàng nhấc xe đi về: "Đợi anh nhận cát-xê xong về nhà ăn cơm, ăn quán tốn tiền, chiều nay phải chở vợ lên bệnh viện điều trị ung thư”.
Xăm hình neo rũ bỏ kiếp giang hồ
Nhà anh Minh nằm sâu trong con hẻm ven sông sài Gòn, thuộc Q.4, đồ đạc ngổn ngang từ cổng vào sân. Vừa dựng xe, anh vội bật bếp hâm nóng thức ăn, vừa tranh thủ châm điếu thuốc. Bữa ăn chỉ có đĩa rau, cá kho chan nước. Anh kể từ ngày vợ ngã bệnh, gia đình thiếu bàn tay phụ nữ nên mọi thứ bề bộn. Ngoài giờ đóng phim, anh phải túc trực ở bệnh viện chăm vợ. Gương mặt rỗ hoa, dáng cao, đầu đội mũ lưỡi trai cụp xuống, người đàn ông vẫn giữ nguyên chất "giang hồ" thứ thiệt sau nhiều năm ”gác kiếm".
Thái Minh là con thứ 3 trong gia đình thuần nông ở Trà Vinh, mồ côi cha năm 13 tuổi, theo mẹ lên sài Gòn sinh sống. Cũng bởi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Thái Minh bỏ dở việc học từ năm lớp 10, ở nhà phụ mẹ buôn bán. Năm 16 tuổi, ghét thói hống hách của viên khóm trưởng thời chế độ cũ, Minh xin mẹ đăng lính. Ba tháng sau, chàng trai khoác bộ rằn ri, hông đeo súng về thăm nhà. Chạm mặt viên khóm trưởng, chàng trai lao vào "xử đẹp". Khóm trưởng đâm đơn kiện ra tòa. Chàng trai bị kỉ luật, chuyển về đơn vị thủy quân lục chiến đóng ở chiến trường Quảng Trị. Ghét bắn giết, chàng trai trốn trại, đón xe khách về lại sài Gòn.
Điền Thái Minh lấy hỗn danh Đức "Mông Cổ", "thống lĩnh" giang hồ địa bàn quận 8, quận 7 và lấn sang cả địa phận huyện Nhà Bè. Đến năm 1972, Đức "Mông cổ" bị quân cảnh bắt giữ, đưa trở lại đơn vị ở Quảng Trị. L này anh tự dùng súng bắn vào chân để được giải ngũ.
|
Đức "Mông cổ" đóng phim, không cần đánh son phấn mà "vẫn- giữ nguyên vẻ giang hồ". |
Người đàn ông nhớ lại: "Tôi lấy vợ đầu năm 1974, nhưng cô ấy dan díu với chính người em được tôi cưu mang. Thế là tôi ly hôn, lấy hỗn danh "Mông cổ", ngụ ý lấy mông ngồi lên cổ những kẻ phản bội, gian dối".
Sau ngày giải phóng, tay giang hồ "giải nghệ". Đức "Mông cổ" xắn tay áo, chỉ vào những hình xăm đã bị xoá mờ, trong đó có hình chiếc neo thuyền: "Tôi xăm hình này vào đầu năm 1980. Cuộc đời đã đến lúc tìm chỗ neo đậu tử tế, làm người đàng hoàng". Một trong những lý do chính khác là người mẹ. Bà đã bao lần khuyên con trai từ bỏ "thế giới ngầm" nhưng bất thành. Bà khước từ những đồng tiền con trai đem về, cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng.
Sau khi chia tay người vợ đầu, Đức "Mông Cổ" nên duyên với người vợ hiện tại là chị Trần Thị Kim Hoàng (50 tuổi). Là tín đồ "nghệ thuật thứ 7", chị từng xuất hiện trong nhiều bộ phim cùng chồng, lấy nghệ danh Trường An. Chị bán tạp hóa, bán quán ăn tại nhà, thi thoảng cùng chồng đóng phim. "Tôi cưới bả năm 1991, lúc đó bả bán cà phê trong xóm, hằng ngày tôi ghé quán uống nước, lâu dần trở nên thân thiết. Cả hai đồng cảnh ngộ nên quyết định đến với nhau", Thái Minh tự bạch.
Khốn khó vì bệnh tật
Giã từ cuộc sống giang hồ, Đức "Mông cổ" lang thang mưu sinh bằng đủ nghề từ buôn bán xoong nồi đến quán nước, hàng ăn. Từ đầu năm 1980, anh về buôn bán tại Long Thành (Đồng Nai). Đây cũng là cột mốc đánh dấu "mối lương duyên" với điện ảnh.
Một buổi trưa, anh đang bán hàng thì có 2 người đàn ông ghé qua, ngỏ lời mời tham gia đóng phim. Đó là đạo diễn Xuân Sơn và quay phim Trần Trung Nhàn. Mở đầu, anh chủ cửa hàng mỉm cười từ chối bởi nghề diễn viên quá mông lung. Đạo diễn Xuân sơn kiên trì ngồi thuyết phục, lấy ra những bức ảnh của các tài tử thế giới có mặt rỗ như Đức "Mông cổ" để "câu dụ". Nhà làm phim còn nói rõ nếu Đức "Mông cổ" đóng phim, không cần đánh son phấn mà "vẫn- giữ nguyên vẻ giang hồ". Tới chiều tối, anh chủ cửa hàng xoong nồi xiêu lòng, gật đầu nhận lời. Vai diễn đầu tiên anh đảm nhận là viên đại úy trong phim "Em bé Mỹ Sơn".
Thái Minh chưa từng học qua lớp diễn xuất nào. Tất cả những gì anh thể hiện trước ống kính đều là trải nghiệm thực tế. Tháng 11/2014 vừa qua, diễn viên tự do Thái Minh vinh dự được Bộ VH-TT&DL tặng kỉ niệm chương. Anh hiện là thành viên Hội điện ảnh Việt Nam.
Sau vai diễn đầu quá đạt, anh chủ cửa hàng xoong nồi trở nên nổi tiếng, ngày càng tham gia diễn xuất nhiều phim. Anh luôn được "ưu tiên" vai phản diện, lúc hóa thân đối tượng đòi nợ thuê hung dữ, lúc nhập vai "giang hồ máu lạnh".
Anh tự bạch, có lẽ kinh nghiệm từng trải giúp anh diễn đạt. Những lời thoại dài hàng trang nhưng Thái Minh chỉ nghe qua đã đọc lại vanh vách. Nhiều lần đạo diễn còn khâm phục bởi những từ mới anh góp ý: "Những lúc nhập vai, tôi luôn cố lột tả hết cảm xúc. "Hóa thân" đến mức đôi lúc đượm buồn bởi phim gợi nhớ quá khứ của chính mình", anh trầm tư.
Thái Minh chia sẻ, anh theo đuổi điện ảnh bởi đam mê. Khoảng thời gian từ năm 1986 - 1989, nam diễn viên không trường lớp này bỏ đi buôn do cát-xê quá thấp không đủ sống. Đã bao lần anh tự nhủ "không phim ảnh gì hết", nhưng rồi sự mời gọi của ống kính, những lời động viên của đồng nghiệp khiến anh trở lại phim trường.
"Cuộc đời tôi chi thích hai thứ là ngao du và nghệ thuật. Nay từ bỏ giang hồ, anh chỉ còn sống với nghệ thuật. Biết theo nghệ thuật sẽ nghèo, nhưng không bỏ được", tài tử chuyên thủ vai phản diện bộc bạch.
Tưởng chừng cuộc sõng Đức "Mông cổ" bình yên từ ngày "gác kiếm". Nhưng số phận thật nghiệt ngã. Cách đây hơn năm, chị Kim Hoàng, vợ anh thường xuyên bị xuất huyết. Lúc đầu vợ chồng cứ nghĩ đó là "bệnh" của phụ nữ tuổi mãn kinh. Nhưng triệu chứng ngày càng nặng, kèm những cơn đau bụng râm ran, nhiều lúc chị kiệt sức ngất xỉu.
Đầu năm 2014, Thái Minh đưa vợ lên Bệnh viện Từ Dũ khám phụ khoa. Khám xong, bác sĩ chuyển vợ anh sang Bệnh viện Ung Bướu tiếp tục theo dõi. Hôm chuyển viện, lật hồ sơ bệnh án, mã thấy chữ "K" khoanh tròn đáng sợ. Anh tìm hỏi bác sĩ, biết vợ bị ung thư tử cung giai đoạn 2. "Lúc mới biết tin, tôi chỉ nghĩ đến cái chết, cuộc đời xem như chấm hết, ăn uống không nổi, từ 60kg nay chỉ còn 50kg", chị Hoàng cố mỉm cười: "Bây giờ đỡ buồn hơn rồi, nghe nói ung thư có thể chữa khỏi".
Đang mải mê trò chuyện, tiếng chuông đồng hồ điểm 5h, báo đến giờ Thái Minh phải chở vợ lên bệnh viện. "Vợ đau, con còn nhỏ dại, cả nhà chỉ biết chờ vào tiền cát-xê. Nhưng đóng phim tự do bữa có bữa không, nhiều hôm nhân viên đến thu tiền điện còn không có. Lúc trưa cầm mấy trăm ngàn mà không dám ra tiệm ăn, về nhà ăn tạm qua bữa để dành tiền chữa bệnh cho bà xã. Nghe nói mỗi lần xạ trị ung thư tốn kém lắm, không biết sắp tới lấy tiền đâu. Nghệ sĩ bóng loáng trên sân khấu thôi, chứ đời thực nghèo lắm", vẻ mặt anh đượm buồn.
Từ lúc còn học lớp 10, Thái Minh đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Anh từng theo nhiều đoàn cải lương biểu diễn khắp nơi, lấy nghệ danh Minh Đức. Còn với nghiệp điện ảnh, anh từng thành công trong nhiều vai diễn như vai đại úy trong phim “Những khoảng cách còn lại", vai sĩ quan trong phim “Đi giữa dòng đời”, ông trùm cá độ trong phim “Sút sút vô”, trùm đường dây ma túy trong “Duyên tình yêu”, trùm phản động cùa "Trò chơi sinh tử", tay giang hồ trong phim “Những đứa con biệt động Sài Gòn”. Đến nay, anh đã tham gia trên dưới 200 bộ phim.
Mai Long
(Xa lộ Pháp luật)