Với thời tiết rét đậm, rét hại ở miền Bắc và miền Trung, nhiều gia đình đã lựa chọn dùng bếp than, bếp củi để sưởi ấm.

Chuyên gia chia sẻ cách sử dụng bếp than, bếp củi khi sưởi ấm mùa lạnh

Dạ Thảo | 12/01/2021, 12:48

Với thời tiết rét đậm, rét hại ở miền Bắc và miền Trung, nhiều gia đình đã lựa chọn dùng bếp than, bếp củi để sưởi ấm.

Những ngày qua, người dân các tỉnh phía Bắc luôn phải chung sống với thời tiết rét đậm, rét hại. Nhiều nơi, nhiệt độ còn xuống thấp dưới 9-10 độ C khiến cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

Cũng trong thời gian này, nhiều cách sưởi ấm, tránh rét không khoa học của một bộ phận người dân đang thực sự là vấn đề đáng bàn.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết vừa qua có 2 trường hợp bệnh nhân bị tử vong do đốt than sưởi ấm trong nhà. Nếu trong nhà kín, việc đốt than để sưởi ấm là cực kỳ nguy hiểm vì khi đốt than khí CO (carbon monoxide) sẽ được thải ra, khí này rất độc và gây tử vong nhanh chóng cho người sử dụng nếu không biết cách.

CO là một loại khí không mùi vị nó được hình thành do các loại nhiên liệu như than củi không cháy hết, và khi cơ thể hít phải loại khí này, nó sẽ đi vào phổi rồi vào máu. CO có tính liên kết với hemoglobin (Hb) trong hồng cầu mạnh gấp 230-270 lần so với oxy nên khi được hít vào phổi nó sẽ gắn chặt với Hb thành HbCO do đó máu không thể chuyên chở oxy đến tế bào và cơ thể chúng ta sẽ bị cạn dưỡng khí. Ngoài ra CO còn gây tổn thương tim do gắn kết với myoglobin của cơ tim. Nguy hiểm hơn, CO là chất khí không màu, không mùi và không gây kích ứng nên khó cảm nhận được sự hiện diện của CO trong không khí, đặc biệt khi chúng ta ngủ say.

unnamed.jpg
Người dân không nên dùng than củi, than tổ ong để sưởi ấm

"Khi sưởi ấm bằng than củi, nó tạo ra khí CO sẽ không tốt cho mọi người, đặc biệt là người già, nhất là người mắc bệnh mãn tính và trẻ em vì cần có nhu cầu oxy cần thiết cho cơ thể. Ngộ độc khí CO là một tai nạn thường gặp nhất trong cả loại ngộ độc khí độc, thường gây tử vong và để lại di chứng thần kinh-tâm thần cao (chiếm 4-40%). Khí CO được tạo ra từ các sản phẩm cháy không hoàn toàn của các chất có chứa carbon, là chất khí không màu, không mùi và không gây kích thích, có khả năng khuếch tán mạnh. Do vậy, khi bị ngộ độc thường khó phát hiện đến khi người bệnh nhận biết được biết mình bị nhiễm độc thì đã muộn.

Nếu nói về tiết kiệm ở các vùng nông thôn nếu không có điều kiện dùng các sản phẩm như máy sưởi, điều hòa, chăn điện thì người dân có thể dùng thảm trải đệm hoặc dùng rơm làm đệm, hoặc sử dụng vật liệu xốp để tạo ra môi trường ấm áp giữ ấm cho cơ thể".

Bên cạnh đấy, bác sĩ Phu cũng đưa ra những gợi ý để có thể giữ ấm nhiệt độ trong phòng ngủ hay phòng làm việc như người dân nên ngồi ở nơi kín gió nhưng vẫn đảm bảo được thông khí, tránh tình trạng bít hoàn toàn, không sung dưỡng khí khiến không khí ngột ngạt.

"Việc sưởi ấm bằng than củi là thói quen thường thấy của người dân ở nông thôn, vì thế người dân nên hết sức thận trọng với phương pháp sưởi ấm này. Nếu sử dụng thì phải đảm bảo phòng vẫn có nơi thông thoáng, không nên đưa bếp than, bếp củi vào phòng kín. Việc sử dụng thiết bị đốt cháy nhiên liệu trong phòng kín như máy phát điện, bếp than, lò than,… sẽ tiêu thụ oxy rất nhanh, đồng thời sinh ra khí CO2 và CO. Khí CO2 gây ngạt thở còn CO gây ngộ độc, cả 2 khí tạo thành một hỗn hợp nguy hiểm. Trong thời gian rất ngắn, người ở trong phòng kín sẽ cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi và rơi vào hôn mê, nguy hiểm".

chuyen-gia-dich-te-tran-dac-phu-5-ngay-khong-co-ca-mac-moi-covid-19-nhung-khong-duoc-chu-quan1587460772.jpg
PGS. TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho biết trong trường hợp phát hiện có nạn nhân bị ngộ độc khí than, người nhà cần khẩn trương làm thông thoáng không khí bằng cách mở rộng cửa. Trước khi đi vào vùng nhiễm độc, cần mang khẩu trang ẩm, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm. Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải thổi ngạt ngay bằng hô hấp nhân tạo và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. 

"Khi phát hiện có người bị ngộ độc khí CO thì chúng ta cần nhanh chóng mở các cửa, khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc và nhanh chóng đưa đến cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất để được xử lý và điều trị kịp thời vì khi ngộ độc mức độ CO trên 60% thì tỷ lệ hôn mê và tử vong cao. Bản thân người đến cấp cứu nạn nhân cũng phải chú ý đảm bảo an toàn cho mình, đồng thời nhanh chóng gọi người khác hỗ trợ, gọi cấp cứu y tế như gọi 115. Nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo miệng - miệng hay miệng - mũi. Nếu nạn nhân không còn tỉnh thì đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí đúng cách và kịp thời".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia chia sẻ cách sử dụng bếp than, bếp củi khi sưởi ấm mùa lạnh