“Việc trộn đất vào hỗn hợp đá dăm loại II chưa từng được thực hiện, chưa có công nghệ, tiêu chuẩn… Tính khả thi của công nghệ trộn cấp phối đá dăm với đất để đáp ứng các yêu cầu của quy trình chưa được khẳng định”, Tổng công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải cho biết.
Đá gia tải nền đường bẻ bằng tay cũng gãy
Cuối tháng 9 nhiều người dân sống quanh khu vực thi công gói thầu XL-11 đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đi qua khu vực phường 3, thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) tình cờ phát hiện sự việc kỳ lạ: đá gia tải nền đường có 2 màu xanh đen và vàng. Tò mò, người dân lượm vài viên đá bẻ thử thì… hoảng hồn: đá có màu xanh đen rất cứng chắc, còn những viên đá có màu vàng thì bị gãy vụn rất dễ dàng. Ngay sau đó sự việc kỳ lạ được người dân thông báo cho các cơ quan hữu trách và các cơ quan thông tin đại chúng.
Gói thầu XL-11 cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận do nhà thầu phụ là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng công trình Tây An (tỉnh Nghệ An) thi công, đang trong giai đoạn gia tải mặt đường. Tại gói thầu này chỉ có đoạn đường đi qua khu vực phường 3, thị xã Cai Lậy là đá gia tải nền đường có 2 màu xanh và vàng trộn lẫn nhau, đoạn còn lại đều sử dụng đá xanh. Thông tin từ các cơ quan hữu trách cho thấy trên đoạn đường được trải đá xanh, vàng thì các viên đá màu vàng là 1 loại đá sét được phối trộn với đá dăm xanh để làm vật liệu gia tải. Theo các tài liệu, đơn vị cung cấp vật liệu đá gia tải cho Công ty Tây An là Công ty TNHH Dịch vụ xuất nhập khẩu Kim Hưng Phát, có trụ sở tại huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang).
Công ty TNHH Kim Hưng Phát là doanh nghiệp vào ngày 28.9 đã phát văn bản gửi Bộ GT-VT, UBND tỉnh Tiền Giang, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (nhà thầu chính thi công đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận), Công ty Tây An để đòi số tiền nợ 6,3 tỉ đồng. Số tiền này là trị giá số lượng đá gia tải mà Công ty TNHH Kim Hưng Phát đã cung cấp theo hợp đồng mua bán với Công ty Tây An, nhưng phía Tây An cố tình chây ỳ không chịu trả nợ.
Thi công nền đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận - Ảnh: Thanh Anh
Tại văn bản này bà Nguyễn Thị Hồng Hiếu, Phó giám đốc Công ty TNHH Kim Hưng Phát cho biết sẽ tiến hành xác định mốc ranh giới của gói thầu XL-11 để đào đường, thu hồi hàng hóa (đá gia tải) nếu Công ty Tây An tiếp tục chây ỳ không trả nợ, gây xôn xao dư dư luận. Ban đầu phía Công ty Tây An vẫn không chịu trả nợ, nhưng sau khi các cơ quan hữu trách vào cuộc thì công ty này mới chấp nhận “sẽ thanh toán và cố gắng thu xếp nguồn vốn để trả nợ cho Công ty Kim Hưng Phát”.
Trước tình trạng người dân phát hiện đá gia tải mặt đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận tại gói thầu XL-11 kém chất lượng và đá này do Công ty Kim Hưng Phát cung cấp, bà Hiếu giải thích: Công ty cung cấp đá gia tải theo yêu cầu đặt hàng của phía nhà thầu thi công gói thầu là Công ty Tây An.
Trong khi đó khi báo chí đặt vấn đề đá gia tải mặt đường cao tốc tại gói thầu XL-11 kém chất lượng, đại diện truyền thông của Công ty CP BOT Trung Lương- Mỹ Thuận lại cho rằng đối với vật liệu gia tải nền đường, hiện nay không có quy định bắt buộc đơn vị thi công phải sử dụng loại vật liệu gì. Lớp gia tải đó có thể sử dụng đất, cát bình thường hay bất kỳ loại vật liệu nào, miễn là việc gia tải có thể ép hết lớp nước trong nền đường ra bên ngoài. Việc gia tải được thực hiện theo từng lớp, từng đợt và thời gian gia tải được liên tục theo dõi độ lún của toàn bộ nền đất đang xử lý.
Cơ quan hữu trách nói gì?
Nhưng tại quyết định 2463 ngày 2.8.2019 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT phần thiết kế điều chỉnh nêu rõ: Việc gia tải xử lý nền đất yếu được thực hiện bằng vật liệu cát hoặc một phần cấp phối đá dăm (có vải địa kỹ thuật để ngăn cách vật liệu cát và cấp phối đá dăm). Sau khi kết thúc gia tải, tận dụng lại cấp phối đá dăm để làm lớp nền thượng K98 và móng mặt đường, sử dụng cấp phối đá dăm loại I dày 30 cm làm lớp nền thượng K98 tiếp giáp với đáy kết cấu mặt đường.
Nhưng ngày 20.3.2020 cơ quan Thường trực Hội đồng - Hội đồng Nghiệm thu nhà nước (HĐNTNN) có công văn số 31 thông báo kết quả kiểm tra hiện trường công trình cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nói rõ: Tư vấn thiết kế sử dụng vật liệu cấp phối đá dăm loại I cho lớp kết cấu đáy đo đường là chưa phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn thiết kế áp dụng cho dự án.
Do vậy, chủ đầu tư cần tổ chức nghiên cứu sử dụng vật liệu cho lớp kết cấu này đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định, trong đó có thể nghiên cứu sử dụng vật liệu cấp phối đá dăm loại II theo tiêu chuẩn TCVN 8859-2011 (Dmax 37,5) phối trộn tăng cường hàm lượng đất sét hoặc đá sét trong vật liệu cấp phối đá dăm loại II nhằm đạt chỉ số dẻo Ip = 7 -:- 10% để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của lớp đáy áo đường theo quy định.
Với ý kiến chỉ đạo này, ngày 23.4 Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận có văn bản 754/2000/TLMT-KHKT gửi đến các nhà thầu tư vấn, các nhà thầu thi công về việc điều chỉnh vật liệu lớp đệm tiếp giáp với đáy kết cấu áo đường (nền thượng K>0,98), nêu rõ: “Hiện nay, chủ đầu tư đã chỉ đạo tư vấn thiết kế nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế theo chỉ đạo của HĐNTNN.
Sau khi có báo cáo và hồ sơ thiết kế điều chỉnh, chủ đầu tư sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh kết cấu mặt đường và vật liệu làm lớp đệm tiếp giáp với đáy kết cấu áo đường (nền thượng K20,98 dày 30cm) theo quy định. Để đảm bảo tiến độ của dự án, trong thời gian chờ duyệt điều chỉnh thiết kế, đề nghị các nhà thầu tập kết vật liệu cấp phối đá dăm loại II Dmax 37,5 (theo TCVN 8858-2011 nhưng chỉ số dẻo Ip phải đạt từ 7 -:- 10%) để gia tải. Sau đó tận dụng lại làm lớp nền thượng”.
Ngày 23.5 đơn vị tư vấn thiết kế là Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải - CTCP đã có văn bản 1518/TEDI-TVQT về việc sử dụng vật liệu cho lớp K98 Dự án, trong đó nêu rõ: “Việc trộn đất vào hỗn hợp đá dăm loại II chưa từng được thực hiện, chưa có công nghệ, tiêu chuẩn và phải thực hiện với quy mô lớn, đồng thời, phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Những phân tích cho thấy tính khả thi của công nghệ trộn cấp phối đá dăm với đất để đáp ứng các yêu cầu của quy trình chưa được khẳng định”.
Ngày 28.5.2020 Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận có văn bản 772/2020/TLMT-KHKT gửi đến các nhà thầu tư vấn, các nhà thầu thi công về việc vật liệu lớp đáy móng kết cấu áo đường (nền thượng K20,98) của tuyến chính thuộc dự án. Nội dung chủ yếu của văn bản là vật liệu lớp đáy móng kết cấu áo đường (nền thượng K>0,98) đã được phê duyệt là cấp phối đá dăm loại I và yêu cầu các nhà thầu tư vấn, các nhà thầu thi công căn cứ nội dung được phê duyệt để tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát.
Theo Ban QLDA, hiện nay trên hiện trường thi công, ngoài gói thầu XL-11 và XL-12 có một phần khối lượng vật liệu gia tải là cấp phối đá dăm loại II trộn đá sét và các gói thầu được gia tải bằng vật liệu cát đã thi công trước đây thì các gói thầu xây lắp khác đều gia tải bằng cấp phối đá dăm loại I. Sau khi hoàn thành công tác xử lý nền đất yếu, vật liệu gia tải sẽ được tháo dỡ khỏi kết cấu công trình, được tập kết lại để tiến hành kiểm tra, thực hiện các thí nghiệm liên quan nhằm đánh giá chất lượng vật liệu, trường hợp đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật mới được phép tái sử dụng vào công trình.
Đối với khối lượng cấp phối đá dăm loại II đã gia tải Công ty BOT Trung Lương- Mỹ Thuận đã chỉ đạo các nhà thầu phụ sau khi gia tải không được sử dụng cho công trình chính (lớp đáy móng và kết cấu áo đường) mà chỉ được sử dụng làm công trình phụ tạm, bù phụ nền đường công vụ, mặt bằng bãi đúc cấu kiện bê tông. Ban QLDA sẽ yêu cầu Công ty cổ phần BOT Trung Lương- Mỹ Thuận có biện pháp xử lý đối với khối lượng cấp phối đá dăm này, báo cáo UBND tỉnh Tiền Giang.