CNN rạng sáng nay (theo giờ VN) có bài phân tích sự kiện Trung Quốc thừa nhận lần đầu hạ cánh máy bay ném bom tầm xa H-6K xuống một hòn đảo trên Biển Đông.

CNN phân tích việc Trung Quốc đưa máy bay ném bom hạt nhân ra đảo ở Biển Đông

21/05/2018, 07:06

CNN rạng sáng nay (theo giờ VN) có bài phân tích sự kiện Trung Quốc thừa nhận lần đầu hạ cánh máy bay ném bom tầm xa H-6K xuống một hòn đảo trên Biển Đông.

Máy bay ném bom hạt nhân H-6K - Ảnh: Internet

Lực lượng Không quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) hôm thứ Sáu thông báo rằng họ đã tổ chức thành công việc cho một số máy bay ném bom cất cánh và hạ cánh trên một hòn đảo không nêu rõ tên. Trong số máy bay đó có cả H-6K có khả năng ném bom gắn đầu đạn hạt nhân. PLA tuyên bố sứ mệnh là một phần trong mục tiêu của Trung Quốc nhằm hoạt động trong phạm vi rộng hơn tại khu vực, huy động nhanh hơn và khả năng tấn công lớn hơn.

Một chuyên gia quân sự, Wang Mingliang, khẳng định rằng việc đào tạo sẽ trau dồi kỹ năng chuẩn bị chiến đấu của Không quân Trung Quốc và khả năng đáp ứng các mối đe dọa an ninh khác nhau trong khu vực, nơi Trung Quốc đưa ra các tuyên bố chủ quyền.

Twitter của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng đăng video khoe một máy bay ném bom tầm xa cất cánh, bay và hạ cánh trên một trong những hòn đảo ở vùng biển phía nam. Các nhà phân tích tại Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) tin rằng, hòn đảo không được nêu tên mà Trung Quốc vừa cho máy bay ném bom chiến lược H-6K cất hạ cánh chính là Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp). Đơn giản vì đây là nơi duy nhất có đường băng dài đủ để cho phép hạ cánh máy bay ném bom H-6K.

H-6K là phiên bản hiện đại nhất trong số các máy bay chiến đấu được cho là đã từng hạ cánh trên các đảo (trên biển Đông). Máy bay ném bom hàng đầu của Trung Quốc có khả năng đạt bán kính bay gần 1.900 hải lý (3.500 km) và phóng các tên lửa đạt tầm xa 4.000 km. Máy bay ném bom hai động cơ này nếu xuất phát từ Phú Lâm có phạm vi chiến đấu bao trọn khu vực Đông Nam Á, theo chuyên gia ghi nhận.

"H-6K có ý nghĩa quan trọng vì nó cho phép Bắc Kinh vươn khả năng ném bom tầm xa hơn, có thể phóng đạn dẫn đường một cách chính xác xuống cả mục tiêu trên mặt đất và trên biển", nhà phân tích quốc phòng Derek Grossman trả lời trên CNN.

"Hơn nữa, hạ cánh máy bay ném bom trên đảo Phú Lâm còn tạo cho các phi công Trung Quốc cơ hội được huấn luyện trong hoàn cảnh thực tế", ông Grossman phân tích.

Cũng theo chuyên gia, Trung Quốc sẽ không dừng lại sau khi đưa máy bay ném bom xuống Hoàng Sa mà còn muốn đưa chúng xuống tận Trường Sa. Hiện Trung Quốc đã tiến hành, nâng cấp các đường băng trên ba đảo đá Vành Khăn, Chữ Thập và Xubi (đều thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp).

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã cho các máy bay vận tải quân sự hạ cánh phi pháp tại 3 điểm nêu trên. Các chuyên gia tin rằng Trung Quốc muốn đưa máy bay ném bom xuống các cơ sở ở Trường Sa vì khi đó bán kính hoạt động có thể đe dọa miền bắc nước Úc cũng như căn cứ quân sự của Mỹ đặt tại đảo Guam.

Việc Trung Quốc điều máy ném bom chiến lược ra Biển Đông là một bước leo thang nguy hiểm mới nhất và rất dồn dập thời gian qua ở khu vực.

- Ngày 7.2, báo Philippines đăng các bức ảnh tình báo quân sự được chụp vào nửa cuối năm 2017 cho thấy những pháo đài quân sự lớn của Trung Quốc được xây dựng một cách hoàn hảo. Điều này đã phơi bày việc Trung Quốc xây dựng căn cứ trái phép trên quần đảo Trường Sa.

Những hình ảnh cho thấy sân bay, nhà chứa máy bay, quân cảng, doanh trại, mạng lưới radar và các cấu trúc phòng thủ trên đảo nhân tạo đã hoàn thành. Các phân tích tình báo cũng chỉ ra sự tồn tại của các đường hầm dưới lòng đất, kho đạn, tên lửa và vị trí súng phòng không, radar quân sự và ăng ten giám sát tần số cao.

- Ngày 9.4, Trung Quốc đã triển khai thiết bị gây nhiễu quân sự cho các căn cứ trên quần đảo Trường Sa" một quan chức Mỹ cho biết trên The Wall Street Journal. Một bức ảnh chụp bởi một công ty vệ tinh thương mại cho thấy một hệ thống bị cho là dùng để gây nhiễu với ăng ten xuất hiện trên đá Vành Khăn. Bộ Quốc phòng Trung Quốc không trả lời các chất vấn.

Ngày 28.4, AMTI xác nhận Trung Quốc triển khai máy bay Shaanxi Y-8 trên đá Xubi bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Shaanxi Y-8 là loại máy bay vận tải quân sự có khả năng vận chuyển quân đội, lính nhảy dù và hàng hóa.

- Ngày 2.5, theo CNBC trích từ các nguồn tình báo Mỹ, Trung Quốc đã bí mật lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm và các hệ thống tên lửa phòng không trên đá Chữ Thập, đá Xubi và đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Các tên lửa chống hạm YJ-12B và tên lửa phòng không HQ-9B chính là thứ vừa được chuyển đến căn cứ hồi đầu tháng 4.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CNN phân tích việc Trung Quốc đưa máy bay ném bom hạt nhân ra đảo ở Biển Đông