Những cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông của quân đội Trung Quốc (PLA) nhằm vào nhiều mục đích.

Trung Quốc tập trận cốt gây sức ép với Đài Loan, đe dọa các nước khác

17/05/2018, 16:00

Những cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông của quân đội Trung Quốc (PLA) nhằm vào nhiều mục đích.

Trực thăng Z-9 bắn đạn thật trên Biển Đông - Ảnh: Quân đội Trung Quốc

Trung Quốc đã tăng cường khả năng bao vây, tấn công và thậm chí sẵn sàng chiếm Đài Loan, hòn đảo tự trị nhưng Trung Quốc gọi là một phần lãnh thổ và nếu cần thiết thì Bắc Kinh sẽ dùng vũ lực để thu hồi quyền kiểm soát.

Vài tuần qua, Bắc Kinh tăng sức ép bằng cách tung máy bay và tàu sân bay Liêu Ninh tập trận gần Đài Loan.

Ngày 16.5, người phát ngôn An Phong Sơn của Vụ Đài Loan thuộc chính phủ Trung Quốc giải thích tại một cuộc họp báo rằng đó là các giải pháp nhằm chuyển một thông điệp đến các quan chức chính quyền tự trị Đài Loan đang muốn hoàn toàn tách khỏi đại lục.

Ông An nói: “Đó là cảnh cáo mạnh nhất chống lại các hoạt động của các thế lực ly khai đòi “Đài Loan độc lập”. Nó cho thấy chúng ta quyết tâm và có khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời còn có khả năng kiềm chế bất kỳ hình thức hoạt động ly khai nào. Hoàn toàn không có hướng ra cho ý đồ “Đài Loan độc lập”.

Ngày 15.5, Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc - CCTV phát hình ảnh 2 chiếc trực thăng chống ngầm Z-9 tiến hành bắn đạn thật vào mục tiêu trên Biển Đông. Hai chiếc này bay thấp (để tránh bị radar phát hiện) tiến đến các mục tiêu “địch”.

Khi đến địa bàn, hai chiếc Z-9 dùng radar để “khóa” mục tiêu trong khi chờ lệnh tấn công. Nhà phân tích quân sự Tống Trung Bình nói với Hoàn cầu thời báo (phụ trang của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc): Cuộc tập trận này cho thấy PLA đã cải thiện khả năng tấn công tàu chiến của “địch”. Ông ta còn nói các thế lực này có thể toan tính dùng pháo hạng nặng bắn chìm tàu chiến Trung Quốc, nếu như xảy ra chiến tranh.

Ông Tống giải thích trực thăng chống ngầm Z-9 gắn tên lửa chống hạm chuyên dụng là một giải pháp đáng tin cậy để “xử lý” các tàu chiến nhỏ và tốc độ cao, sẽ chiếm ưu thế trong những cuộc tấn công chống hạm từ xa.

Ông Tống thừa nhận dù Z-9 rất cơ động, nhưng việc tìm-diệt mục tiêu di chuyển nhanh không là nhiệm vụ dễ dàng: “Chiếc trực thăng này sẽ phải phơi mình trước đạn phòng không của địch, khi nó bổ xuống tấn công... Vì thế, phi công phải tìm, khóa mục tiêu và tấn công rồi bay tránh lập tức... Đó là một cuộc kiểm tra khả năng của các phi công”.

Cuộc tập trận cũng cho thấy các yếu kém của hải quân PLA khi tấn công các mục tiêu trên biển, nên đòi hỏi lực lượng này phải tích cực tập luyện chiến đấu, theo ông Trần Cảnh Quang, chỉ huy một đơn vị thuộc Hạm đội Nam Hải của hải quân PLA.

Ông Tống thì nói sự cải thiện khả năng tấn công mục tiêu trên biển của hải quân PLA nhằm đương đầu với Đài Loan và các nước trong vùng Biển Đông. Ông ta khẳng định các nước này sẽ dùng chiến thuật săn mồi của loài sói, tức dùng tàu chiến gắn tên lửa tốc độ cao vờn quanh và bao vây các tàu lớn của hải quân PLA, nhưng trực thăng chống hạm rất cơ động Z-9 có thể đối phó hiệu quả cuộc bao vây này.

Cùng những ngày diễn ra các cuộc tập trận, Trung Quốc cũng lần đầu tiên tung chiến đấu cơ Su-35 (do Nga sản xuất) vào các cuộc bay phô trương sức mạnh quân sự trên vùng biển nằm giữa Đài Loan và Philippines, phối hợp với máy bay ném bom H-6K, máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 và chiến đấu cơ J-11. Hai nhóm máy bay ném bom đã "vây Đài Loan" trong cuộc diễn tập này.

Hồi tháng 4 cũng có cuộc phô trương sức mạnh hải quân rầm rộ nhất trong lịch sử Trung Quốc, cùng các cuộc tập trận lớn nhằm thể hiện khả năng sẵn sàng bóp nát khát vọng độc lập của Đài Loan. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tuyên bố rất cần thiết phải cải thiện hải quân PLA.

Trong khi đó, các sĩ quan quân đội Mỹ cảnh báo sự hiện diện hải quân Trung Quốc trên Biển Đông là mối đe dọa các quyền lợi của Mỹ. Đô đốc hải quân Philip S.Davidson, ứng cử viên chỉ huy quân Mỹ ở Thái Bình Dương, gần đây giải trình trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ: “Trung Quốc nay có khả năng kiểm soát Biển Đông với tất cả các kịch bản chiến tranh với Mỹ”.

Gần đây, Viện Nghiên cứu Lowy (Úc) công bố Chỉ số quyền lực châu Á, khẳng định Trung Quốc là thế lực quân sự thứ nhì ở châu Á, sau Mỹ, nhưng nhờ có Nga giúp, liên minh Trung-Nga đã sẵn sàng thách đố thế lực Mỹ ở châu lục này.

Theo Newsweek, vào lúc Mỹ phản đối Trung Quốc hung hăng đòi chiếm toàn bộ Biển Đông, Nga theo đuổi liên minh quân sự thân cận với Trung Quốc. Từ năm 2012, hai nước cùng tập trận chống khủng bố, như cuộc tập trận chung hằng năm Biển Chung 2018 sẽ diễn ra ở Hoàng Hải (gần thành phố Thanh Đảo).

Cuộc tập trận chung này cũng vào thời điểm Nga-Trung nâng cao quan hệ bạn bè và hợp tác. Hồi đầu tháng 4 khi dự Hội thảo an ninh quốc tế Moscow (MISC), Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hứa củng cố quan hệ hợp tác song phương: “Chúng tôi đến để ủng hộ các bạn, và cho Mỹ thấy mối quan hệ thân cận giữa quân đội Trung Quốc với quân đội Nga, nhất là trong bối cảnh này”.

Tháng 6 tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Trung Quốc, dự hội nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Qua tháng 7, Nga sẽ tổ chức Triển lãm Nga-Trung lần thứ 5 để đề cao quan hệ thương mại song phương ngày càng tăng và có thể sớm vượt quá mốc 100 tỉ USD, theo Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.

Chỉ số quyền lực châu Á có 25 quốc gia và lãnh thổ được xếp hạng, tùy theo sức mạnh và tầm ảnh hưởng của mỗi nước tại khu vực này. Mỹ đứng đầu với 85 điểm, nhưng “siêu cường đang nổi” Trung Quốc nhanh chóng thu hẹp cách biệt với 75 điểm, Nga xếp hạng 5 với 33 điểm, sau “quyền lực thông minh” Nhật Bản và “khổng lồ của tương lai” Ấn Độ.

Bích Ngọc (theo Newsweek)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
13 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc tập trận cốt gây sức ép với Đài Loan, đe dọa các nước khác