Việt Nam có khoảng 46.600 lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài. Trong đó, Hàn Quốc là thị trường có số lao động "chui" cao nhất.

Có hơn 12.000 người Việt Nam đang lao động 'chui' ở Hàn Quốc

Tuyết Nhung | 17/09/2023, 19:55

Việt Nam có khoảng 46.600 lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài. Trong đó, Hàn Quốc là thị trường có số lao động "chui" cao nhất.

Bộ Tư pháp Hàn Quốc mới đây đã thực hiện chính sách ân hạn đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước năm 2023.

Theo đó, chính sách ân hạn được áp dụng cho tất cả người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 11.9.2023 đến hết ngày 31.12.2023.

Các trường hợp không được áp dụng chính sách ân hạn gồm: Người cư trú bất hợp pháp kể từ sau ngày 11.9.2023, người nhập cư bất hợp pháp, người sử dụng hộ chiếu hoặc giấy thông hành giả, người phạm tội hình sự, người không thể thực hiện mệnh lệnh xuất cảnh...

lao-dong.jpg
Hàn Quốc là thị trường lao động hấp dẫn - Ảnh: IT

Theo chính sách của Hàn Quốc, người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời hạn nêu trên sẽ được miễn phạt tiền và hoãn hạn chế nhập cảnh.

Điều này có nghĩa là sau khi về nước, họ vẫn có thể nộp hồ sơ xin thị thực nhập cảnh vào Hàn Quốc, được cơ quan Lãnh sự quán Hàn Quốc tại nước sở tại tiếp nhận hồ sơ xin cấp thị thực và có thể được cấp thị thực nhập cảnh Hàn Quốc sau khi trải qua thẩm tra, xem xét hồ sơ của phía Hàn Quốc.

Để làm thủ tục khai báo tự nguyện xuất cảnh, người lao động cần chuẩn bị: hộ chiếu, vé máy bay xuất cảnh, đơn khai báo tự nguyện xuất cảnh. Người lao động có thể đến trực tiếp các Văn phòng Xuất nhập cảnh tại nơi cư trú để khai báo hoặc, khai báo trực tuyến. Sau đó, vào ngày xuất cảnh thì đến Văn phòng quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay để được nhận xử lý miễn đóng tiền phạt và hoãn hạn chế nhập cảnh rồi về nước.

Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) lưu ý thời gian thực hiện khai báo tự nguyện xuất cảnh phải thực hiện muộn nhất trước 3 ngày xuất cảnh (không bao gồm ngày nghỉ); người lao động liên hệ tổng đài số 1345 của Bộ Tư pháp Hàn Quốc để biết thêm các thông tin chi tiết.

Ngoài ra, song song với thời gian thực hiện chính sách lần này, Bộ Tư pháp Hàn Quốc sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung, tăng cường công tác truy bắt người nước ngoài cư trú bất hợp pháp trên toàn Hàn Quốc đợt 3 từ tháng 10.2023.

Người nước ngoài cư trú bất hợp pháp bị bắt trong thời gian thực hiện chính sách ân hạn sẽ bị phạt tiền lên đến 30 triệu won (khoảng 545 triệu đồng) và tăng thời gian cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc.

Chính sách ân hạn của Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ khuyến khích lao động tự nguyện về nước, góp phần quan trọng làm giảm tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại nước này, để mở ra thêm nhiều cơ hội cho các lao động sang Hàn Quốc làm việc.

Bộ LĐ-TB-XH cho biết, đến nay tổng số người lao động Việt Nam đang làm việc ở các thị trường là 712.607 lao động, trong đó có 46.677 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp, chiếm tỷ lệ hơn 6%.

Xét theo khu vực thì thị trường châu Á có số lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp cao nhất, với 41.044/697.702 người. Trong đó, tính theo tỷ lệ, Hàn Quốc là thị trường có số lao động bỏ trốn, vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp cao nhất với 12.245 người, chiếm tỷ lệ 26% (hiện có hơn 46.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại thị trường này).

Về lí do lao động bỏ trốn, làm việc trái phép ở nước ngoài, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng những năm vừa qua, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải chấm dứt hợp đồng, và về nước trước thời hạn vì các lý do chủ quan như sức khỏe, tay nghề không đáp ứng yêu cầu, vi phạm hợp đồng, hoặc vi phạm pháp luật nước sở tại.

Ngoài ra, do các lý do khách quan, bất khả kháng như tình hình an ninh nước sở tại không đảm bảo, chủ sử dụng phá sản; công trình dự án bị đình trệ, thiếu việc làm. Một số người lao động chưa chú tâm tìm hiểu thông tin pháp luật của quốc gia sang làm việc, không đọc và không hiểu các điều khoản của hợp đồng trước khi ký kết.

Người lao động chỉ mong được xuất cảnh nhanh và rút ngắn thời gian đào tạo, sẵn sàng mất tiền thông qua trung gian môi giới để được đi làm việc ở nước ngoài.

Trong thời gian làm việc ở nước ngoài, những lao động này có ý thức kỷ luật kém, chưa chấp hành đầy đủ các quy định của nơi làm việc, thiếu tôn trọng phong tục tập quán của nước sở tại.

Tình trạng người lao động bỏ trốn, phá hợp đồng ra ngoài làm việc, nấu rượu lậu, đánh bạc, đánh nhau, trộm cắp ở mức độ khác nhau vẫn còn tồn tại, gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Đáng chú ý, lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp diễn ra điển hình tại Hàn Quốc, tỷ lệ không tuân thủ thời hạn hợp đồng cao. Mục đích của lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp là có thể ở lại làm việc lâu hơn và có thu nhập cao hơn.

Ngày hôm nay (17.9), Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng quy định năm 2023.

Tính đến ngày 31.3.2023, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 2.311 người lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trong đó, huyện Nghi Lộc (có 365 lao động), Nam Đàn (có 228 lao động), thị xã Cửa Lò (có 212 lao động) đang bị tạm dừng tuyển chọn lao động theo chương trình EPS.

Thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ Anh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động 2.301 người lao động đang cư trú bất hợp pháp về nước, nhất là các huyện, thành thị có số lao động đang làm việc và cư trú bất hợp pháp từ 60 người trở lên mà Bộ LĐ-TB-XH đã tạm dừng.

Tập trung phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước để hoàn thiện các hồ sơ thủ tục, tạo điều kiện cho 612 lao động đã thi đậu Chứng chỉ tiếng Hàn sang Hàn Quốc làm việc. Đồng thời, thông tin kịp thời cho người lao động về nước đúng thời hạn tham gia các kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính và hỗ trợ đối với những lao động mẫu mực làm thủ tục hồ sơ xuất cảnh trở lại Hàn Quốc làm việc.

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền về các chính sách ưu tiên đối với lao động về nước đúng hạn như được tuyển dụng trở lại làm việc, được giới thiệu vào các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, được học nghề để lập nghiệp miễn phí,...

Khuyến cáo các chế tài: bị bắt giam, trục xuất, bị cấm sang Hàn Quốc làm việc, bị xử phạt khi vi phạm, không tuân thủ các quy định khi sang Hàn Quốc làm việc. Vận động gia đình của những lao động sẽ hết hạn hợp đồng những tháng cuối năm 2023 về nước đúng thời hạn.

Bài liên quan
Tôm Việt Nam vào Hàn Quốc đang bị 'vướng' quy định về hạn ngạch
Sản phẩm tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đang bị "vướng" quy định về hạn ngạch do Hàn Quốc đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có hơn 12.000 người Việt Nam đang lao động 'chui' ở Hàn Quốc