Trải qua 2 phiên tọa đàm khoa học, được xác định là vấn đề “nóng” cần giải quyết trong cả mùa lễ hội, song việc ứng xử với nghi lễ chém lợn thôn Ném Thượng vẫn không đạt được sự đồng thuận từ các bên. Cơ quan quản lý muốn giải quyết vấn đề dứt khoát. Quan điểm của các nhà khoa học là nên thận trọng. Còn người dân Ném Thượng vẫn quyết tâm thực hiện nghi lễ này trong lễ hội năm sau.

Cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra cách ứng xử với nghi lễ chém lợn

Một Thế Giới | 03/07/2015, 10:56

Trải qua 2 phiên tọa đàm khoa học, được xác định là vấn đề “nóng” cần giải quyết trong cả mùa lễ hội, song việc ứng xử với nghi lễ chém lợn thôn Ném Thượng vẫn không đạt được sự đồng thuận từ các bên. Cơ quan quản lý muốn giải quyết vấn đề dứt khoát. Quan điểm của các nhà khoa học là nên thận trọng. Còn người dân Ném Thượng vẫn quyết tâm thực hiện nghi lễ này trong lễ hội năm sau.

Đấy là một trong những vấn đề được nêu lên tại “Hội nghị sơ kết công tác quản lý tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015” do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chủ trì diễn ra vào hôm qua (2/7) tại Hà Nội.

Tôn trọng ý kiến cộng đồng, tránh hành chính hóa

Trong hội thảo, các báo cáo về công tác tổ chức lễ hội của Bộ và Thanh tra Bộ đều xếp nghi lễ chém lợn vào mục “hạn chế” và “hiện tượng không tốt” vì “ tạo ra những ý kiến trái chiều”. Và bên lề hội nghị, những ý kiến trái chiều qua lại vẫn không ngớt về cách ứng xử với nghi lễ chém lợn nói riêng và nghi lễ hiến sinh nói chung.

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ chia sẻ: “Hiện tại, tập tục không còn ở riêng làng xã mà với công nghệ, hình ảnh lễ hội sẽ lan truyền toàn thế giới. Nên dù tôn trọng cộng đồng, ta cũng không thể thả nổi cộng đồng muốn làm gì thì làm. Nhà nước phải khẳng định vai trò quản lý. Khi đã kiên trì vận động thuyết phục, phân tích cái được, cái không được mà người dân vẫn không nghe, vẫn làm như cũ thì nhà nước phải có biện pháp”.

Tuy nhiên, quan điểm của ông Phúc không nhận được nhiều sự đồng tình. Theo TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, các nghi lễ hiến sinh cần thay đổi theo giá trị phổ quát toàn cầu. Song, việc thay đổi phải dựa trên nền tảng cộng đồng thực hành văn hóa. Chỉ cộng đồng đồng lòng thay đổi, lễ hội mới diễn ra đúng bản chất. Và quá trình này cần nhiều thời gian vận động, đối thoại giữa các bên cho tới khi chủ thể văn hóa đồng thuận mới thực hiện. Các nhà quản lý không thể nóng vội can thiệp.

Trong “Báo cáo tổng hợp tọa đàm Tiếp cận nghiên cứu Tục hiến sinh” nêu quan điểm của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam: Dù tranh luận và xử lý các tập tục cổ truyền như thế nào và theo hướng nào thì một nguyên tắc bất di bất dịch là phải tôn trọng ý kiến cộng đồng với tức cách là chủ thể văn hóa, tránh hành chính hóa.

“Cán bộ không làm thì dân sẽ làm!”

Trong hội thảo, bên cạnh các nhà quản lý, nhà khoa học còn có sự tham gia của ông Nguyễn Đình Lợi, Phó BTC lễ hội chém lợn thôn Ném Thượng, ông tham gia vừa với tư cách quản lý, vừa với tư cách chủ thể văn hóa.

Ông Lợi phát biểu: “Sau 16 năm từ lúc phục dựng lễ hội chém lợn tế thánh truyền thống, làng xóm xích lại gần nhau. Các gia đình trong thôn đều cố gắng học tập, lao động và sống tốt hơn để gia đình được nuôi “ông ỉn”. Với dân làng, đó là bổn phận đầy tự hào mà mọi người đểu nỗ lực hướng tới. Nên với chúng tôi, lễ hội không “tàn bạo”, “đi ngược đạo lý dân tộc” như tổ chức động vật quốc tế nói khiến dư luận xôn xao”.

“Vì nghi lễ là nét tín ngưỡng mang nhiều ý nghĩa với dân làng, nên chúng tôi không thể chém lợn giả như một vị giám đốc Sở vừa đề xuất”- ông Lợi nói tiếp - “Dù là cán bộ, nhưng chúng tôi bắt rễ từ làng, ăn ở cùng dân làng nên chúng tôi không thể thay đổi lễ hội tùy tiện như thế được. Năm ngoái, lúc dân làng họp với UBND TP Bắc Ninh, các cụ trong thôn từng nói: Nếu cán bộ không làm thì dân sẽ làm”.

Trao đổi với PV bên ngoài hội nghị, ông Lợi khẳng định: “Rằm tháng 7 tới đây, làng sẽ chọn hai gia đình nuôi “ông ỉn” như mọi năm. Và năm sau, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện lễ thiêng. Có thể, chúng tôi sẽ lại chuyển địa điểm chém lợn từ ngoài sân đình vào hậu cung như năm 2014”.

Không cấp phép lễ hội chọi trâu không có truyền thống

Trước những tranh luận trái chiều về việc các lễ hội chọi trâu mới tổ chức tràn lan ở nhiều địa phương hiện nay, Bộ nêu quan điểm: Ngoài những lễ hội chọi trâu đã được tổ chức định kỳ, được ghi vào danh mục là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thì những lễ hội chọi trâu khác cần điều chỉnh phù hợp với hiện tại. Không cấp phép tổ chức mới đối với loại hình lễ hội này (đặc biệt là lễ hội chọi trâu không phải truyền thống của địa phương).

Phạm Mỹ/ Theo Thể thao & Văn hóa

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra cách ứng xử với nghi lễ chém lợn