Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30.6.2016 quy định về mua trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Có thể cấm ngân hàng mua trái phiếu để cơ cấu lại nợ

VnEconomy | 01/11/2017, 12:36

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30.6.2016 quy định về mua trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Việc sửa đổi thông tư trên nhằm tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến đưa ra các quy định mới, chặn trực tiếp việc mua trái phiếu để cơ cấu lại nợ, cũng như tăng quản lý việc các ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp trong các lĩnh vực được cho là tiềm ẩn rủi ro cao.

Cụ thể, dự thảo trên bổ sung quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tại điều 3 Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14.10.2011 quy định doanh nghiệp được phát hành trái phiếu với mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp và cơ cấu lại khoản nợ của doanh nghiệp. Trường hợp một đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích cơ cấu lại khoản nợ, thì tổ chức tín dụng cũng không được mua trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng thời, dự thảo đưa ra hướng bổ sung quy định tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ, trong đó có nội dung quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao và chính sách tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực này phù hợp với tình hình đánh giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo từng thời kỳ.

Cụ thể, tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao theo đánh giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm kịp thời phát hiện các rủi ro, vi phạm pháp luật và đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp.

Ban soạn thảo dự thảo trên giải trình, hoạt động mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành nhằm mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực có rủi ro cao, như kinh doanh bất động sản, chứng khoán... sẽ phát sinh rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng, nên Ngân hàng Nhà nước cần yêu cầu tổ chức tín dụng ban hành quy định nội bộ trong đó có nội dung quy định kiểm soát việc mua trái phiếu phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Liên quan đến những quy định dự kiến trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quá trình nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan và xử lý một số vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp phát và qua quá trình thanh tra, giám sát, cơ quan này nhận thấy có một số vấn đề cần xem xét lại.

Đó là, thời gian qua đã phát sinh việc nhiều tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích để cơ cấu lại nợ, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là trong điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu tiếp tục gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đến hạn, dẫn đến việc phát hành thêm trái phiếu để tiếp tục cơ cấu lại nợ.

Ngân hàng Nhà nước cũng nhận định, hoạt động mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành nhằm mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực có rủi ro cao, như kinh doanh bất động sản, chứng khoán... sẽ phát sinh rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng.

Theo Hoàng Vũ/VnEconomy
Bài liên quan
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng ngừa tội phạm cướp ngân hàng
Ngày 21.11, Công an TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản tại các ngân hàng trên địa bàn TP.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có thể cấm ngân hàng mua trái phiếu để cơ cấu lại nợ