Ngày 30.12, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực. Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore là 6 quốc gia đầu tiên thông qua CPTPP để tạo điều kiện cho thỏa thuận này đi vào hiệu lực.
Hiệp định sẽ có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 1.2019.
Theo đó, CPTPP sẽ giúp cắt giảm các khoản thuế dành cho sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, nới lỏng các quy định về đầu tư và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
CPTPP có nội dung gần như giữ nguyên so với TPP dù 22 điều khoản được hoãn thực thi chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.
Với 11 nước tham gia, trong đó có Việt Nam, CPTPP là một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới và khi được thực thi đầy đủ, sẽ bao gồm một thị trường gần 500 triệu người tiêu dùng, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu.
Theo tính toán, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu, nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng sẽ phải đối mặt sức ép cạnh tranh rất cao trong “cuộc chơi” CPTPP này.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, hiện nay, bước vào hiệp định, các ngành có lẽ có lợi nhất là giày da, dệt may, nông lâm thủy sản… Nếu đẩy mạnh được vấn đề công nghệ cao trong nông nghiệp, bảo quản và xử lý nông sản, chế biến sau thu hoạch… thì ngành nông nghiệp sẽ có được những phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, việc cạnh tranh với hàng hóa của các quốc gia ở trong khối cũng như ngay tại Việt Nam là điều không hề dễ dàng. Mỗi ngành, nghề lại có mức độ và thời gian hội nhập khác nhau, do đó, các doanh nghiệp phải tự mình tìm hiểu thật kỹ nội dung của hiệp định có liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của mình. Nếu doanh nghiệp không nhận thức được thì doanh nghiệp chết ngay.
Ông Thịnh cũng nêu quan điểm rằng các doanh nghiệp cũng cần phải tự đổi mới mình bằng cách cơ cấu lại sản xuất, để từ đó có được những hiệu quả sản xuất cao nhất, thì mới có thể cạnh tranh được.
Theo ông Thịnh, Chính phủ cần phải phổ biến, cập nhật những kiến thức về hiệp định CPTPP nói riêng và các hiệp định khác cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương nên đưa ra một cẩm nang về các điều khoản cam kết, thời gian thực hiện, mức độ thực hiện của từng ngành để doanh nghiệp mở ra là biết.
Theo đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với những doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đơn giản hơn trong việc tiếp cận vốn, thị trường. Chính phủ cũng nên đứng ra gắn kết các doanh nghiệp lại với nhau thông qua việc giúp đỡ các hiệp hội. Các hiệp hội nên là do doanh nghiệp đóng góp, và hiệp hội nói lên tiếng nói của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp.
Chuyên gia này cũng cho rằng cần đẩy mạnh chính sách thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Hiện nay, mức thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn như với doanh nghiệp lớn. Chúng ta mong muốn đẩy thuế thu nhập doanh nghiệp còn khoảng 15-17% thôi nhưng mãi vẫn không làm được. Đây là bài toán chúng ta cần sớm làm để doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập”, ông Thịnh nói.
Cũng nói với Một Thế Giới, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho rằng cơ quan chức năng bắt buộc phải thay đổi về thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn của các nước phát triển, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để cơ quan nhà nước thay đổi tư duy và hành động, thu hút được các nguồn lực từ doanh nghiệp vào nước ta.
Ngoài ra, các hiệp hội phải là nơi tập hợp được khó khăn của doanh nghiệp dể mời các chuyên gia, báo chí và cơ quan chức năng đối thoại định kỳ. Hiệp hội cũng phải là kênh liên kết của cơ quan chức năng và doanh nghiệp, thậm chí là kênh phản biện chính sách của cơ quan chức năng.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh đặt câu hỏi: “Chúng ta tham gia nhiều FTA như vậy để làm gì? Để tăng xuất nhập khẩu hay để tăng thu hút đầu tư nước ngoài? Nói về xuất nhập khẩu, nếu vẫn cứ theo cấu trúc này thì phần Việt Nam nhận được trong giá trị xuất khẩu ngày càng nhỏ đi”.
Nói cụ thể hơn, ông Trinh cho rằng nhìn vào cơ cấu sản phẩm xuất khẩu thì linh kiện điện thoại, điện tử, máy tính chiếm…35%; dệt may, da giày xấp xỉ 20%. Xuất khẩu những sản phẩm này hàm lượng giá trị gia tăng mà phía Việt Nam nhận được cơ bản là ở khâu gia công. Ngay như trong nông nghiệp, mức độ gia công cũng tăng dần.
“Tính toán từ mô hình cân bằng tổng thể cho thấy xuất khẩu hàng hóa lan tỏa đến giá trị tăng thêm trong nước ngày càng kém, nhưng lan tỏa đến nhập khẩu lại ngày càng lớn và gây phát thải nhà kính (GHG) cao nhất trong các nhân tố của cầu (52%)”, ông Trinh nói và cho rằng dường như xuất khẩu của Việt Nam là xuất hộ nước ngoài, khi xuất khẩu của khu vực FDI hiện nay chiếm 73%.
Về thu hút FDI, theo ông Trinh, có thể thấy càng nhiều FTA, vốn ngoại vào càng nhiều và Việt Nam càng phải ưu đãi thêm về thuế, đất đai… Trong 10 năm tới, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI còn tăng thêm ít nhất 10% nữa. Đồng nghĩa với đó là tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp quốc nội bị co lại.
“Tham gia nhiều FTA và sắp tới là CPTPP, tôi thấy người dân Việt Nam chuẩn bị phải chịu một gánh nặng nữa về các khoản thuế, phí để bù lại sự hụt thu khi tham gia hôi nhập”, ông Trinh chia sẻ và lý giải, việc tham gia vào các hiệp định đó thì nguồn thu từ thuế nhập khẩu sụt giảm. Thuế nhập khẩu giảm thì Bộ Tài chính buộc phải tăng thu thuế trong nước để bù đắp.
Lam Thanh