Các nền kinh tế châu Á vốn phụ thuộc nặng vào điện than và phải đối phó với tình trạng thiếu năng lượng khó lòng cưỡng lại sức hấp dẫn của điện hạt nhân – nguồn điện thải ra lượng CO2 ít hơn 70 lần so với than, 40 lần so với khí đốt, 4 lần so với năng lượng mặt trời, 2 lần so với thủy điện, và tương đương với năng lượng gió.

Cuộc chiến tại Ukraine làm châu Á thay đổi quan điểm về điện hạt nhân

Cẩm Bình | 29/04/2022, 16:01

Các nền kinh tế châu Á vốn phụ thuộc nặng vào điện than và phải đối phó với tình trạng thiếu năng lượng khó lòng cưỡng lại sức hấp dẫn của điện hạt nhân – nguồn điện thải ra lượng CO2 ít hơn 70 lần so với than, 40 lần so với khí đốt, 4 lần so với năng lượng mặt trời, 2 lần so với thủy điện, và tương đương với năng lượng gió.

Trong một báo cáo gần đây, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) kêu gọi nếu muốn đạt mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C vào giữa thế kỷ đặt ra trong Thỏa thuận Paris COP21, lượng phát thải khí nhà kính phải đạt đỉnh vào năm 2025 và giảm đáng kể vào cuối thập niên này. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres sau đó cũng chỉ trích: “Đầu tư vào dự án cơ sở hạ tầng sử dụng nhiên liệu hóa thạch mới là sự điên rồ về kinh tế lẫn đạo đức”.

Tại hội nghị COP26 ở Glasgow vào tháng 11.2021, điện hạt nhân được giới thiệu đến gần 200 quốc gia dự họp như một phương án tiềm năng giúp giảm CO2. Chính phủ các nước châu Á bắt đầu tái cân nhắc.

cuukrai01.jpg
Tại COP26, điện hạt nhân được giới thiệu như một phương án tiềm năng giúp giảm CO2 - Ảnh: Nikkei Asian Review

Singapore là nước châu Á đầu tiên thay đổi quan điểm. Bộ trưởng Thương mại - Công nghiệp Alvin Tan gây bất ngờ với quốc hội bằng báo cáo đánh giá phương án sử dụng năng lượng hạt nhân, địa nhiệt, hydro tầm nhìn đến năm 2050. Ông nhắc lại nhận định công nghệ lò phản ứng hạt nhân cỡ lớn thông thường không phù hợp để triển khai ở Singapore đưa ra năm 2012, nhưng nhấn mạnh rằng “Thế giới đã thay đổi. Lò phản ứng ngày nay có thể nhỏ hơn nhiều, có hệ thống làm mát tốt hơn, tắt máy nhanh và phản ứng với tình huống khẩn cấp nhanh hơn”.

Singapore năm 2014 dành ra 46 triệu USD cho công tác giám sát an toàn và phát triển hạt nhân, nhưng Bộ trưởng Tan thừa nhận chính phủ vẫn chưa xác định được cơ cấu năng lượng tối ưu cho đảo quốc sư tử. Nghị sĩ đảng Hành động vì nhân dân (PAP) Liang Eng Hwa đặt câu hỏi tại sao Singapore không sử dụng điện hạt nhân sớm hơn?

Đây cũng là câu hỏi của nhiều nhà khoa học cùng nhà chính trị khác trên khắp thế giới, khi cuộc tranh luận về điện hạt nhân trở nên nóng hơn thời gian qua.

Nhà vật lý hạt nhân Anil Kakodkar - cựu Chủ tịch Ủy ban Năng lượng nguyên tử Ấn Độ - gần đây phát biểu trước sinh viên Học viện Công nghệ Ấn Độ: “Không có hoạt động nào không có rủi ro. Bạn có thể nói bức xạ gây ung thư nhưng tôi cũng có thể nói bức xạ chữa khỏi ung thư, cả hai đều đúng”.

“Nếu chúng ta có đủ lượng điện hạt nhân trong hệ thống năng lượng và ngăn chặn thành công sự gia tăng CO2, chúng ta sẽ ngăn chặn được nhiều trường hợp tử vong vì biến đổi khí hậu”, ông nói thêm.

Cách mạng hạt nhân?

Công ty giải pháp điện hạt nhân Orano (liên doanh giữa Pháp và Nhật) chỉ ra rằng 4 mô hình lộ trình giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C vào năm 2100 trong báo cáo năm 2018 của IPCC đều đòi hỏi tăng sử dụng điện hạt nhân.

“Đặc biệt mô hình thứ 3 - giảm phát thải chủ yếu bằng cách thay đổi phương thức sản xuất năng lượng và hàng hóa - cần gia tăng đáng kể (501%) trước năm 2050. Nếu các xu hướng hiện tại tiếp tục, tuân thủ mục tiêu khí hậu đòi hỏi năng lực hạt nhân toàn cầu tăng gấp 6 lần”, theo Orano.

Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi ủng hộ mạnh mẽ điện hạt nhân vì năng lượng này sẽ giúp họ giảm nhập khẩu xăng dầu. Ông từng phát biểu với hãng thông tấn Philippines rằng “Tôi tin chắc tình cảnh kinh tế đất nước chúng ta sẽ khác nhiều nếu chúng ta khai thác năng lượng hạt nhân vào những năm 1980”.

Với Trung Quốc - quốc gia chiếm 56% tổng lượng tiêu thụ than thế giới năm 2020, điện hạt nhân đem lại tương lai năng lượng đáng tin cậy và môi trường sạch đẹp. Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới, tính đến cuối năm 2019 tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc đã đạt gần 66 gigawatt, cao thứ 2, chỉ sau Mỹ.

Trung tâm An toàn bức xạ và hạt nhân Bắc Kinh trong báo cáo năm 2021 nhận định: “Điện hạt nhân - một nguồn năng lượng sạch - là biện pháp căn bản để giải quyết vấn đề môi trường như khói mù và giảm phát thải carbon. Tích cực phát triển điện hạt nhân không chỉ cần thiết cho nhu cầu năng lượng ngày một tăng của Trung Quốc mà còn để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”.

Giáo sư Gang He thuộc Đại học Stony Brook cho rằng nhu cầu điện hạt nhân của Trung Quốc có thể được giữ ở mức khoảng 300 gigawatt, còn năng lượng gió, mặt trời cùng các nguồn năng lượng tái tạo khác cần đạt công suất lắp đặt từ 800 - 1.000 gigawatt.

cuukrai00.jpg
Với Trung Quốc, điện hạt nhân đem lại tương lai năng lượng đáng tin cậy và môi trường sạch đẹp - Ảnh: Getty Images

Mức độ chấp nhận của người dân

Cuộc tranh luận về điện hạt nhân không chỉ xoay quanh lợi ích môi trường cùng hiệu quả năng lượng. Việc tránh xa hay thúc đẩy điện hạt nhân còn bị chi phối bởi dư luận.

Trước khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, cả châu Âu lẫn châu Á đều xem khí đốt Nga là nguồn năng lượng chính an toàn hơn hạt nhân. Quan điểm này xuất hiện sau thảm họa Fukushima năm 2011.

Nhưng 11 năm sau thảm họa khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi gặp sự cố, ngay cả Nhật cũng đang suy xét lại, giờ lại thêm trong bối cảnh năng lượng Nga bị cấm vận.

Vào ngày 8.4 sau khi một lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga được ban hành, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tuyên bố đặt mục tiêu tối đa hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.

Cách tiếp cận nêu trên không có gì mới mẻ. Ngay sau thời điểm đắc cử vào tháng 10.2021, ông Kishida đã phát biểu trước quốc hội Nhật rằng tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân là điều quan trọng cần làm.

Một số chuyên gia tỏ ý hoan nghênh. Theo chuyên gia Ryuzo Yamamoto - giáo sư danh dự Đại học Tokoha: “Đã đến lúc Nhật nghiêm túc suy nghĩ về cách tự đảm bảo nguồn năng lượng”.

cuukrai02.jpg
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi - Ảnh: Nikkei Asian Review

Nhật dù phải đối mặt với nhiều thách thức năng lượng nhưng vẫn tránh né vấn đề hạt nhân. Cuối tháng 3, lưới điện miền Đông nước này không thể đáp ứng đủ nhu cầu, doanh nghiệp và hộ gia đình được yêu cầu hạn chế dùng điện.

“Không có lựa chọn thay thế nào khác để tăng khả năng tự cung năng lượng của chúng ta. Nhưng dùng năng lượng hạt nhân là xu hướng toàn cầu, còn tiếp tục mua nhiên liệu hóa thạch từ Nga có nghĩa là chúng ta đang hỗ trợ tài chính cho chiến tranh”, chuyên gia Yamamoto tuyên bố.

Lần đầu tiên kể từ sau thảm họa Fukushima, một cuộc thăm dò do Nikkei Asian Review thực hiện vào tháng trước cho thấy phần lớn người được hỏi (53%) ủng hộ khởi động lại các nhà máy hạt nhân vì độ an toàn của chúng đã được kiểm tra. Tuy nhiên ký ức về thảm họa vẫn khiến 38% người được hỏi phản đối.

Năm ngoái, chính phủ Nhật công bố kế hoạch xả hơn 1 triệu tấn nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân ra biển gần đó. Quyết định này nhận sự chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế và đang được một nhóm chuyên trách Liên Hợp Quốc xem xét.

Cuộc chiến tại Ukraine làm nóng tranh luận

Cuộc chiến tại Ukraine làm tăng nhu cầu tìm giải pháp năng lượng thay thế nhưng đồng thời cũng gây ra lo ngại về một vụ nổ hạt nhân chết người xảy ra lần nữa.

Không lâu sau khi đưa quân vào Ukraine, Nga chiếm đóng nhà máy điện hạt nhân Chernobyl nơi từng xảy ra thảm họa vào năm 1986 khiến một vùng rộng lớn bị ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng và buộc hàng trăm ngàn người phải di tản. Một số tòa nhà quanh nhà máy bị thiêu rụi do đánh nhau, binh sĩ Nga giam lỏng đội ngũ nhân viên giám sát nhà máy (người Ukraine) và thậm chí còn đào đất xung quanh khuôn viên nhằm triển khai phòng thủ trước quân đội Ukraine.

Tin tức về nhà máy Chernobyl cộng thêm thông tin Nga nã pháo vào Zaporizhzhia - nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu - vào tháng 3 khơi dậy sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Ukraine, lẫn tâm lý ngờ vực điện hạt nhân của người Nhật.

cuukrai03.jpg
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl từng bị Nga nhắm đến khi tấn công Ukraine - Ảnh: AP

Theo Giáo sư Koichi Nakano thuộc Đại học Sophia: “Những gì chúng tôi học được từ cuộc chiến Ukraine là lò phản ứng hạt nhân có thể trở thành mục tiêu trong thời chiến - điều dường như bị bỏ qua”. Ông cũng cho biết phe phản đối hạt nhân lo ngại cuộc chiến Ukraine được sử dụng như cơ hội quảng bá nguồn năng lượng này như phương án thay thế năng lượng xanh.

Phe ủng hộ lại chỉ ra rằng điện hạt nhân không chỉ ít gây ô nhiễm nhất, mà còn rẻ nhất và đáng tin cậy nhất.

Theo nghiên cứu chung năm 2020 của Cơ quan Năng lượng hạt nhân OECD (NEA) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thì các nguồn uranium thông thường phục hồi được đủ dùng 135 năm, có thể tăng lên 250 năm nếu đầu tư đúng mức và đổi mới công nghệ.

Diane Cameron - người đứng đầu Bộ phận Kinh tế và phát triển công nghệ hạt nhân của NEA - từng tuyên bố lò phản ứng cỡ nhỏ (SMR) tân tiến có thể là “nhân tố làm thay đổi cuộc chơi”.

“Với các biện pháp chính sách phù hợp, SMR có thể được thương mại hóa trong 5 - 10 năm tới. Đây là đổi mới ngay trong ngắn hạn chứ không phải 20 - 30 năm nữa”, theo bà Cameron.

SMR thường có công suất dưới 300 megawatt, để lại ít phóng xạ và không cần nhiều nước để làm mát. Lò phản ứng nhỏ phù hợp đặt ở quốc gia nhỏ như Singapore, trên đảo nghỉ dưỡng như Phuket của Thái Lan hay quốc gia nhiều đảo khó phát triển cơ sở hạ tầng như Indonesia, Philippines.

Mitsubishi Heavy Industries mới đây thông báo tập đoàn đang phát triển lò phản ứng nhỏ hơn cho tương lai năm 2030 và 2040 có thể điều chỉnh sản lượng trong vòng chưa đầy 17 phút - khoảng một phần tư thời gian hiện tại - để cải thiện nguồn cung năng lượng.

cuukrai04.jpg
Mô hình lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ của Mitsubishi Heavy Industries - Ảnh: Misubishi Heavy

Mặt trái của điện hạt nhân không khiến Tổng thống Hàn Quốc mới đắc cử Yoon Suk-yeol chùn bước. Ông có kế hoạch tăng tỷ lệ điện hạt nhân lên 30% tổng năng lượng đất nước cũng tiếp tục xây dựng hai tổ máy mới tại nhà máy điện hạt nhân Shin Hanul. Tỷ lệ điện hạt nhân tính đến năm 2020 chỉ mới đạt 15%.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Moon Jae-in vào năm 2017 từng đưa ra kế hoạch loại bỏ hạt nhân và các cuộc thăm dò vào thời điểm đó cho thấy hơn 60% người được hỏi ủng hộ.

Philippines đang trong quá trình chuyển đổi. Tổng thống Rodrigo Duterte vào tháng 2 ký lệnh hành pháp chỉ đạo hòa điện hạt nhân vào hệ thống năng lượng quốc gia đồng thời thành lập một hội đồng liên ngành phụ trách mở lại nhà máy điện hạt nhân Bataan (BNPP).

BNPP được hoàn thành vào năm 1984 với chi phí 2,3 tỉ USD nhưng chưa bao giờ được đưa vào vận hành do lo ngại gây động đất, chiến tranh, thảm họa tại Chernobyl. Trang The ASEAN Post gần đây đưa tin Tập đoàn Năng lượng nguyên tử nhà nước Nga (Rosatom) đã bí mật đến thị sát BNPP, ước tính chi phí tái khởi động nhà máy là hơn 3 tỉ USD.

Dù là quốc gia có không khí ô nhiễm nhất thế giới, Ấn Độ vẫn rất thận trọng với điện hạt nhân. New Delhi đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2070, nhưng tỷ lệ điện hạt nhân trên tổng năng lượng đất nước năm 2021 chỉ mới ở mức 3,1%. Nước này chỉ định tăng sản lượng lên 22.480 megawatt (gấp 3 sản lượng hiện tại) vào năm 2031 do lo ngại về công nghệ đắt đỏ, trang thiết bị cùng nhiên liệu phải nhập khẩu.

Bài liên quan
Ukraine cố thủ tại 'chảo lửa' Kursk: Đòn bẩy chiến lược trong cuộc chiến và đàm phán hòa bình
Kursk, một vùng lãnh thổ thuộc Nga nhưng đang trở thành chiến trường khốc liệt giữa quân đội Ukraine và Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc chiến tại Ukraine làm châu Á thay đổi quan điểm về điện hạt nhân