Theo dữ liệu của NASA, một tiểu hành tinh có đường kính hơn 780 m đã bay qua Trái đất với vận tốc hơn 37.000 km/h vào sáng 28.4 (giờ Việt Nam).
Tiểu hành tinh được gọi là 2008 AG33, đến gần Trái đất nhất vào khoảng 9 giờ 46 phút ngày 28.4 (giờ Việt Nam) với vận tốc hơn 37.000 km/h. Trung tâm Nghiên cứu vật thể gần Trái đất (CNEOS) thuộc NASA mô tả đó là “một cuộc tiếp cận gần” nhưng rất may tiểu hành tinh không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào cho Trái đất. Ngay cả ở thời điểm gần nhất, tiểu hành tinh này cách chúng ta hơn 3,2 triệu km - gấp 8 lần khoảng cách trung bình giữa Trái đất và Mặt trăng.
Điều quan trọng cần nhớ là khái niệm “tiếp cận gần” mang tính tương đối. Trong lúc quay quanh Mặt trời, các tiểu hành tinh đôi khi thực hiện những chuyến “tiếp cận gần” theo góc nhìn của các nhà thiên văn, nhưng thực tế nó vẫn cách xa Trái đất gấp nhiều lần so với Mặt trăng.
Tuy nhiên, kích thước của 2008 AG33 là một phần lý do khiến nó được xếp vào loại “tiểu hành tinh có khả năng nguy hiểm” (PHA). Theo dữ liệu của CNEOS, tiểu hành tinh này ước tính có đường kính từ 350-780 m, rộng gấp 2 lần so với chiều cao của tòa nhà Empire State.
Theo CNEOS, PHA được xác định dựa trên kích thước của một tiểu hành tinh cũng như khả năng xảy ra các cuộc “tiếp cận gần” có thể đe dọa đến Trái đất. Các tiểu hành tinh cách xa Trái đất hơn 7,5 triệu km hoặc có đường kính dưới 152 m không được coi là PHA.
Các dự đoán về quỹ đạo cho thấy 2008 AG33 sẽ không tới gần Trái đất ít nhất cho đến năm 2059. Ngay cả khi đó, nó cũng tiếp cận hành tinh chúng ta ở một khoảng cách an toàn.
Các nhà khoa học theo dõi hàng nghìn tiểu hành tinh, cho phép họ đưa ra dự đoán khi nào chúng sẽ đến gần Trái đất. Khả năng xảy ra một vụ va chạm với tiểu hành tinh có vẻ giống như trong phim khoa học viễn tưởng, nhưng đó là điều mà các chuyên gia đang lên kế hoạch nghiêm túc.
Bảo vệ Trái đất khỏi tác động của một tiểu hành tinh là cơ sở của nhiệm vụ Thử nghiệm chuyển hướng Tiểu hành tinh đôi (DART) của NASA được thực hiện vào tháng 11 năm ngoái. Thử nghiệm này sẽ chứng minh công nghệ có khả năng thay đổi đường đi của một tiểu hành tinh trong không gian.
Giải thích nhiệm vụ Thử nghiệm chuyển hướng Tiểu hành tinh đôi (DART) của NASA
Các vật thể gần Trái đất (NEOs) thường là tiểu hành tinh hoặc sao chổi, là những vật thể thuộc hệ Mặt trời có quỹ đạo đưa chúng đến gần Trái đất và đủ lớn để gây ra thiệt hại đáng kể nếu xảy ra va chạm.
Một vật thể được xem là NEO nếu bay trên quỹ đạo cách Trái đất trong khoảng 48 triệu km. Những NEO ở tương đối gần Trái đất sẽ được phân loại là vật thể “có khả năng gây nguy hiểm”. Nhóm này bao gồm những vật thể có đường kính lớn hơn 140 m và bay tới cách Trái đất từ 7,5 triệu km trở xuống.
Có rất nhiều vật thể như thế bay ngang qua hành tinh của chúng ta hàng năm. Để xác định vật thể sẽ đến gần Trái đất đến mức nào, các nhà khoa học NASA sẽ quan sát tiểu hành tinh đó và dùng mô hình máy tính để dự đoán quỹ đạo.
Các nhà khoa học ở CNEOS có thể tính toán quỹ đạo của những vật thể bay gần hành tinh của chúng ta với độ chính xác cao, qua đó dự đoán khả năng va chạm, thời gian và địa điểm. Bằng việc hợp tác chặt chẽ với cơ quan vũ trụ, các giải pháp quỹ đạo này được sử dụng để dự đoán cách NEO tiếp cận gần Trái đất và đưa ra các đánh giá toàn diện về xác suất tác động của chúng trong thế kỷ tới.
Một cuộc khảo sát cho thấy người Mỹ thích một chương trình không gian tập trung vào các tác động tiềm ẩn của tiểu hành tinh hơn là đưa con người trở lại Mặt trăng hoặc lên sao Hỏa.
Năm 2018, NASA đã công bố một kế hoạch trong đó đề xuất các phương pháp chính phủ Mỹ cần thực hiện để đối phó tốt hơn với NEO, như việc các tiểu hành tinh hoặc sao chổi bay tới Trái đất trong khoảng 48 triệu km. Tổng giám đốc NASA Jim Bridenstine khi đó cho rằng các cuộc tấn công của tiểu hành tinh không phải là điều có thể xem nhẹ và có lẽ đây chính là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn vong của sự sống trên Trái đất.