Khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, sự xung đột là chuyện bên ngoài lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, những loạt trừng phạt của phương Tây đã khiến cuộc sống tại Nga thay đổi mạnh.
Ba tháng sau khi chiến tranh nổ ra, người dân Nga hiện phải vật lộn với tác động do sự trừng phạt mang lại. Các trung tâm thương mại trống rỗng do nhiều mặt bằng từng được đơn vị bán lẻ phương Tây thuê kinh doanh đã bị đóng cửa.
McDonald’s - chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh hoạt động tại Nga từ năm 1990, từng là một hiện tượng văn hóa, rút khỏi Nga. Chuỗi cửa hàng bán lẻ đồ gia dụng IKEA cũng ngừng hoạt động. Hàng chục nghìn người lao động rơi vào cảnh bấp bênh.
Bất chấp các khoản đầu tư khổng lồ, nhiều công ty công nghiệp lớn, như Tập đoàn dầu khí BP, hãng ô tô Renault... đều quyết định ra đi. Tập đoàn dầu khí Shell ước tính mất khoảng 5 tỉ USD khi cố gắng xử lý số tài sản tại Nga.
Việc xuất cảnh trở nên khó khăn, Liên minh châu Âu (EU) cùng Mỹ và Canada đều cấm mọi chuyến bay đi từ hoặc đến Nga. Thủ đô Tallinn của Estonia từng là điểm đến dịp cuối tuần dễ dàng do chỉ mất 90 phút bay từ Moscow, nhưng nay phải mất ít nhất 12 tiếng do bay vòng qua Istanbul.
Thậm chí du lịch ảo qua internet và mạng xã hội cũng bị thu hẹp đáng kể. Nga hồi tháng 3 đã chặn truy cập Facebook, Instagram cùng hàng loạt phương tiện truyền thông nước ngoài như BBC, VOA, Radio Free Europe/Radio Liberty, Deutsche Welle...
Hậu quả kinh tế còn chưa thể hiện ra hết. Lúc xung đột mới nổ ra, đồng rúp mất hơn một nửa giá trị. Dù vậy nỗ lực từ chính phủ Nga đã giúp nâng giá trị đồng tiền của nước này được nâng lên cao hơn cả mức trước xung đột. Nhưng nhà kinh tế Chris Weafer thuộc Công ty tư vấn Macro-Advisory chỉ ra rằng hoạt động kinh tế Nga xấu đi nhiều: “Chúng tôi ghi nhận suy thoái ở hàng loạt lĩnh vực. Các công ty cảnh báo họ sắp hết phụ tùng dự trữ. Nhiều đơn vị chỉ cho nhân viên làm bán thời gian, một số khác thông báo sắp đóng cửa. E rằng thất nghiệp sẽ gia tăng vào mùa hè, tiêu dùng cùng doanh thu bán lẻ sẽ giảm mạnh”.
Cũng theo nhà kinh tế Weafer, đồng rúp mạnh cũng là vấn đề cho ngân sách quốc gia: “Họ có được doanh thu bằng ngoại tệ từ các nhà xuất khẩu và các khoản thanh toán bằng đồng rúp. Vì vậy đồng rúp càng mạnh đồng nghĩa với việc họ thực sự chi ít tiền hơn, điều này khiến các nhà xuất khẩu của Nga kém cạnh tranh hơn”.
Nếu xung đột kéo dài, sẽ có nhiều công ty nữa rời khỏi Nga. Nhà kinh tế Weafer hy vọng vào số công ty tạm ngừng hoạt động có thể khôi phục kinh doanh nếu Nga - Ukraine đạt thỏa thuận ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình, nhưng khả năng này hiện khá thấp.
“Nếu dạo quanh các trung tâm mua sắm ở Moscow, bạn có thể thấy nhiều cửa hàng thời trang phương Tây tạm đóng cửa. Đèn vẫn sáng, chỉ là không mở cửa. Vậy là họ chưa rời khỏi mà chỉ đang chờ đợi diễn biến sắp tới”, nhà kinh tế Weafer lưu ý. Tuy nhiên ông nhận định số công ty tạm ngừng hoạt động sẽ sớm chấm dứt tình trạng lấp lửng một khi hết thời gian có thể chờ đợi hoặc sự kiên nhẫn.