Điều trần trước Ủy ban Tài chính và thuế vụ thuộc Hạ viện Mỹ hôm 13.5, Đại diện Thương mại Katherine Tai nhấn mạnh nước này cần công cụ thương mại giúp ngăn Trung Quốc thực hiện hành vi phản cạnh tranh chứ không phải chỉ phản ứng khi “chuyện đã rồi”.
Bà K.Tai chỉ ra rằng nhiều đạo luật thương mại của Mỹ ra đời cách đây 50 - 60 năm, chủ yếu bảo vệ các ngành công nghiệp hay doanh nghiệp khi họ đã phải chịu thiệt hại do bán phá giá, trợ cấp hay hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác.
Ví dụ tiêu biểu chính là ngành thép: thép Trung Quốc dư thừa đẩy không ít nhà máy Mỹ lâm vào cảnh khó khăn. Kế hoạch phát triển công nghiệp mà Trung Quốc đang theo đuổi sẽ đe dọa đến nhiều ngành khác nữa, theo bà Tai.
Nữ đại diện thương mại Mỹ phát biểu: “Tôi thực sự muốn củng cố loạt công cụ thương mại mà ta có để giải quyết những vấn đề hiện tại. Tôi nghĩ chúng ta cần những công cụ không chỉ đủ sức đối phó mối nguy hại mà ta đã hứng chịu, mà còn phải là công cụ giúp dự đoán trước nguy hại tương tự, đảm bảo ngăn chặn và phản ứng nhanh nhất có thể”.
Ngày 12.5 vừa qua, bà Tai kêu gọi cập nhật mục 232 về vấn đề an ninh quốc gia của Đạo luật Thương mại mở rộng 1962 - cơ sở pháp lý từng được sử dụng để đánh thuế nhôm thép nước ngoài. Nếu Quốc hội Mỹ bật đèn xanh thì nhiều khả năng sẽ có thêm thuế quan mới.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tái xem xét chính sách thương mại với Trung Quốc, kể cả thỏa thuận giai đoạn 1 mà người tiền nhiệm đạt được (chuẩn bị hết hạn vào cuối năm nay). Loạt miễn trừ mà thỏa thuận đề ra có thể sẽ không còn nữa, tạo điều kiện cho Mỹ áp dụng thêm nhiều biện pháp cứng rắn.