Với kế hoạch lấy giá rẻ để cạnh tranh, chuỗi khách sạn Mường Thanh của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản đang ngày càng mở rộng với con số kỷ lục. Khách sạn Mường Thanh Hà Nội Centre vừa được khai trương tại Hà Nội được xem như một trong những nỗ lực tiếp theo nhằm “ phủ sóng” hệ thống này tại nhiều địa phương trong cả nước.
Với chiến lược “giá thấp” đã được ông Thản áp dụng thành công trong chiến lược bán các căn hộ, giờ đây một lần nữa được áp dụng trong việc “bán” các phòng nghỉ.
Mường Thanh “bành trướng”
Trong mắt nhiều doanh nhân, đại gia quê Nghệ An Lê Thanh Thản được xem là một”ca lạ”.
Ông Thản bắt đầu lập nghiệp bằng nghề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ tỉnh Lai Châu vào năm 1987. Sau đó đến năm 1993, khi “cả tỉnh Điện Biên chưa có khách sạn nào”, ông Thản đã đã quyết định xây dựng khách sạn tư nhân đầu tiên.
Năm 1994, khi Điện Biên tiến hành lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên và dòng người đổ về phải giành nhau để đặt phòng, ông Thản nhận thấy kinh doanh khách sạn là một hướng đi giàu triển vọng trong tương lai, nếu như biết đón đầu cơ hội.
Từ đó, vị “đại gia điếu cày” bắt đầu chiến lược xây dựng và mở rộng chuỗi khách sạn của mình.
Theo đó, khách sạn đầu tiên trong chuỗi khách sạn Mường Thanh chính thức được khai trương vào năm 1997.
Năm 2000, vị đại gia này bắt đầu mạnh dạn trong việc mở rộng kinh doanh khi ông quyết việc xuống Hà Nội mua đất trong Khu Đô thi Linh Đàm và xây dựng chuỗi khách sạn Mường Thanh và khu căn hộ nhỏ.
Từ đó đến nay, Mường Thanh đã lặng lẽ triển khai nhiều dự án, xây dựng nhiều khách sạn ở nhiều địa phương trên cả nước.
Cụ thể, năm vị đại gia này cho khai trương khách sạn Mường Thanh Thanh Niên tại Thành phố Vinh ( Nghệ An) và sau đó là tại Tam Đường (Lai Châu).
Lần lượt theo sau là khách sạn Mường Thanh Best Western Hà Nội, Mường Thanh Hạ Long, Mường Thanh Xa La Hà Đông, Mường Thanh Sa Pa, Mường Thanh Điện Biên và tổ hợp trung tâm thương mại – khách sạn – nhà ở có quy mô hiện đại… tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An (quê hương ông).
Cũng từ đây, Mường Thanh lần lượt ghi tên mình lên bản đồ công nghiệp du lịch toàn quốc. Những địa phương như Nghệ An hay Quảng Ninh giờ đây đã có tới 3 khách sạn mang tên Mường Thanh.
Năm 2014, Tập đoàn Mường Thanh khai trương 6 khách sạn, mở rộng bản đồ kinh doanh tới gần 30 tỉnh, thành trên khắp cả nước.
Năm 2015, theo tính toán của ông Thản, Tập đoàn sẽ khai trương thêm 10 khách sạn nữa, trong đó chiến lược là tại TP. HCM.
Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh hiện đang được biết đến là chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam với 45 khách sạn và dự án khách sạn trải dài trên cả nước. Tập đoàn đang có 3.000 nhân viên và tổng cộng hơn 5.000 phòng, một kỷ lục của ngành du lịch Việt Nam.
Chiến lược kinh doanh “không giống ai”
Sở dĩ Lê Thanh Thản được nhiều người mệnh danh là “đại gia điếu cày” bởi kè kè bên ông luôn là chiếc điếu cày và giữ theo bên mình như một “báu vật”. Không những thế, vị đại gia này còn có những sở thích dân dã như hút thuốc lào, thích ăn cá trích, ăn đậu hũ chấm mắm tôm...
Điều khiến những người đã từng tiếp xúc với ông Thản luôn cảm thấy ấn tượng là bởi sự giản dị, gần gũi, thân thiện của ông. Ở Việt Nam, hiếm có ông chủ doanh nghiệp nào lại trực tiếp bán từng căn hộ cho khách hàng như đại gia Thản.
Đời tư là thế, trong kinh doanh vị đại gia này cũng có những kế hoạch “không giống ai”.
Thành công trong lĩnh vực kinh doanh, nhưng ông Thản chỉ tâm niệm rất đơn giản là làm khách sạn, mục tiêu lớn nhất là tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, giải quyết nạn thất nghiệp cho dân.
Với hệ thống khách sạn Mường Thanh hiện có, ông đã giúp hàng nghìn lao động có công ăn việc làm ổn định, đặc biệt là những vùng quê nghèo khó.
Chia sẻ về bí quyết thành công trong kinh doanh khách sạn, ông Thản nói: "Tiêu chí làm khách sạn của tôi cũng như bất động sản, lấy giá rẻ nhưng dịch vụ tốt để cạnh tranh. Cũng 4 sao như nhau nhưng giá phòng khách sạn của tôi chỉ bằng nửa khách sạn của Tây".
Trên thực tế, khách sạn Mường Thanh của “đại gia điếu cày”rất hút khách bởi giá cả khá “mềm” so với các khách sạn cùng đẳng cấp.
Cùng một mức “sao”, cùng một địa bàn, giá của Mường Thanh chỉ bằng 50-60% của các khách sạn khác. Một phòng tiêu chuẩn 4 sao ở Mường Thanh chỉ có giá trên dưới 1 triệu đồng/ngày đêm, trong khi ở các khách sạn khác cao gấp đôi.
Như vậy, bài toán “giá thấp” đã được ông Thản áp dụng thành công trong chiến lược bán các căn hộ, giờ đây một lần nữa được áp dụng trong việc “bán” các phòng nghỉ.
Trong thời gian tới, vị đại gia này xác định sẽ “tiếp tục xây dựng và mở rộng thị trường, không chỉ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn ra thị trường các nước trong khu vực, hướng tới mục tiêu trở thành hệ thống khách sạn thuần Việt cao cấp hàng đầu Việt Nam.
Phan Diệu tổng hợp