Trung Quốc phản đối tuyên bố chung, trong khi Đài Loan bày tỏ lòng biết ơn với Mỹ và Nhật Bản.
Vài giờ sau khi Nhật Bản và Mỹ tuyên bố về Đài Loan lần đầu tiên sau 52 năm ở hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo tại Nhà Trắng, Trung Quốc đã phản pháo.
"Những vấn đề này phụ thuộc vào lợi ích cơ bản của Trung Quốc và không được phép can thiệp. Chúng tôi bày tỏ quan ngại mạnh mẽ và kiên quyết phản đối các bình luận liên quan trong tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo", người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ nói hôm 17.4.
Tuyên bố cho biết Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương thuộc về "công việc nội bộ của Trung Quốc".
"Những bình luận này đã vượt xa phạm vi phát triển bình thường của quan hệ song phương. Kế hoạch của Mỹ và Nhật Bản đi ngược lại xu hướng thời đại và ý chí của người dân trong khu vực. Dù được thiết kế để làm suy yếu nước khác, nhưng cuối cùng nó sẽ chỉ làm tổn thương chính họ", Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ nói thêm.
Sau hội nghị thượng đỉnh tại Washington vào 16.4, Thủ tướng Nhật Bản - Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã đưa ra tuyên bố đề cập đến Đài Loan rằng: "Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề giữa hai bờ eo biển".
Lần cuối cùng Nhật Bản và Mỹ đề cập đến Đài Loan trong tuyên bố chung như vậy là vào năm 1969 sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Sato Eisaku và Tổng thống Mỹ - Richard Nixon. Điều này xảy ra trước khi cả hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào những năm 1970.
Ông Biden và Suga chia sẻ mối quan ngại của họ về các hoạt động của Trung Quốc không phù hợp với trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, bao gồm cả việc sử dụng các hình thức cưỡng bức kinh tế và các hình thức khác.
"Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông", trích tuyên bố liên quan đến quần đảo Senkaku không có người nằm gần Đài Loan.
Các đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, gọi là Điếu Ngư, và thường xuyên đưa tàu thuyền vào vùng biển gần đó.
Mỹ - Nhật Bản cũng đề cập đến những tuyên bố ngày càng gây hấn của Trung Quốc với lãnh thổ ở Biển Đông: "Chúng tôi nhắc lại sự phản đối của chúng tôi với các tuyên bố và hoạt động hàng hải trái pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông, tái khẳng định lợi ích chung mạnh mẽ của chúng tôi với một Biển Đông tự do và rộng mở được quản lý bởi luật pháp quốc tế".
Đài Loan là vấn đề rất nhạy cảm với Trung Quốc, nước tuyên bố đây là lãnh thổ của mình. Luật pháp Mỹ yêu cầu Washington cung cấp cho hòn đảo các phương tiện để tự vệ, dù không công nhận Đài Loan là một quốc gia.
Tuần này, Tổng thống Biden đã cử một phái đoàn không chính thức đến Đài Loan, bao gồm cựu Thượng nghị sĩ Mỹ - Chris Dodd, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage và James Steinberg, như dấu hiệu cho thấy cam kết của ông với hòn đảo. Chuyến thăm diễn ra vài ngày sau khi 25 máy bay chiến đấu của Trung Quốc tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Đây là lần mới nhất trong một loạt các cuộc xâm nhập trên không của Trung Quốc.
Thời báo Hoàn cầu (ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) cũng công kích tuyên bố của Nhật - Mỹ trong bài xã luận, nói rằng đã đến lúc hai nước phải hành xử theo "cách có trách nhiệm".
"Có vẻ như mục tiêu duy nhất của Mỹ và Nhật Bản để củng cố quan hệ đồng minh hàng thập kỷ của họ dưới thời chính quyền Biden là chuyển hướng chống lại Trung Quốc, một tín hiệu mà hai nước nên tránh gửi đi khi nó mang tâm lý Chiến tranh Lạnh và ý thức hệ thiên vị. Cả Mỹ và Nhật Bản nên hành xử theo cách xây dựng và có trách nhiệm hơn. Sự thông đồng chống Trung Quốc của họ sẽ chỉ tạo ra kết cục cả hai đều thua, chẳng mang lại lợi ích gì cho ai, chứ chưa nói đến đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực", tờ báo viết.
Trong khi đó, Đài Loan hoan nghênh tuyên bố của ông Suga - Biden, trong đó cơ quan ngoại giao ở hòn đảo bày tỏ lòng biết ơn chân thành về việc "công nhận tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trong khu vực bên kia eo biển Đài Loan".
"Đài Loan, nằm ở vị trí quan trọng trong chuỗi đảo thứ nhất, tiếp tục đóng vai trò then chốt với sự ổn định, thịnh vượng của khu vực và cũng có chung cảm nhận với các nước trong khu vực về các mối đe dọa và xâm lược qua đất liền, hàng hải và hàng không", cơ quan ngoại giao Đài Loan cho biết.
Cơ quan ngoại giao Đài Loan cũng tweet: "Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố của ông Biden và Suga, trong đó họ nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan".
Mike Mochizuki, nhà chính trị học tại Đại học George Washington (Mỹ), nói rằng phản ứng của Trung Quốc với tuyên bố này là có thể dự đoán được.
"Chỉ cần nhắc đến từ Đài Loan, Trung Quốc sẽ phàn nàn về điều đó. Họ phàn nàn về điều đó trong tuyên bố 2 + 2 vào tháng 2.2005 nói rằng hai nước khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề liên quan đến eo biển Đài Loan thông qua đối thoại. Trung Quốc đã rất khó chịu về tuyên bố đó. Một ví dụ xa hơn nữa, nếu tuyên bố chung hiện tại giống của ông Nixon – Sato vào năm 1969 nêu rằng duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực Đài Loan cũng là yếu tố quan trọng nhất với an ninh của Nhật Bản thì điều đó càng đi xa hơn một chút và Trung Quốc có thể còn khó chịu hơn", ông nói.