Tổng tư lệnh quân đội Myanmar - Min Aung Hlaing sẽ tham dự hội nghị cấp cao ASEAN trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi đảo chính.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết hôm 17.4 rằng người đứng đầu quân đội Myanmar - Min Aung Hlaing sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Indonesia vào ngày 24.4 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông tổ chức thực hiện cuộc đảo chính ngày 1.2.
Myanmar đã rơi vào biến động kể từ khi Min Aung Hlaing lật đổ chính phủ dân cử do nhà đấu tranh dân chủ Aung San Suu Kyi lãnh đạo, với lực lượng an ninh giết chết 728 người trong nỗ lực dập tắt các cuộc biểu tình, theo kiểm đếm của nhóm hoạt động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP).
Trong vụ bạo lực mới nhất, lực lượng an ninh đã bắn chết 2 người ở thị trấn khai thác ruby Mogok. Đây là một trong số những thị trấn mà đám đông đã ra đường biểu tình hôm 17.4, một người dân nói với Reuters và truyền thông đưa tin.
Các nước láng giềng của Myanmar đã cố gắng khuyến khích các cuộc đàm phán giữa các bên đối địch để giải quyết cuộc khủng hoảng nhưng quân đội không cho thấy sẵn sàng tham gia với họ hoặc nói chuyện với chính phủ bị lật đổ.
Một số nhà lãnh đạo của ASEAN, trong đó Myanmar là thành viên, đã xác nhận tham dự cuộc họp ở Thủ đô Jakarta (Indonesia), trong đó có Min Aung Hlaing, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan - Tanee Sangrat cho biết.
Phát ngôn viên của quân đội Myanmar đã không trả lời các cuộc gọi tìm kiếm bình luận.
Chính phủ bị lật đổ của Myanmar có khả năng sẽ chê bai sự tham gia của Thống tướng Min Aung Hlaing trong cuộc họp.
Các chính trị gia ủng hộ dân chủ, bao gồm cả các thành viên Quốc hội bị lật đổ, đã tuyên bố thành lập Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) hôm 16.4, bao gồm bà Suu Kyi và các nhà lãnh đạo của cuộc biểu tình chống đảo chính và các dân tộc thiểu số.
NUG nói rằng đó là cơ quan chính trị hợp pháp, kêu gọi sự công nhận từ quốc tế và ASEAN từ chối sự tham gia của ông Min Aung Hlaing vào cuộc họp, thay vào đó mời họ.
Chính quyền quân sự Myanmar vẫn chưa bình luận về NUG nhưng cho biết sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới trong vòng 2 năm và trao quyền lực cho người chiến thắng.
Hôm 17.4, chính quyền quân sự Myanmar đã thả 23.184 tù nhân từ các nhà tù trên khắp đất nước theo lệnh ân xá năm mới, một phát ngôn viên của Bộ Trại giam cho biết, nhưng chưa rõ có nhà hoạt động dân chủ nào nằm trong số đó không.
Thứ 7 là ngày đầu tiên của năm mới truyền thống ở Myanmar và là ngày cuối cùng kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày, thường được tổ chức với các chuyến viếng thăm các ngôi chùa Phật giáo, ném nước và tiệc tùng trên đường phố.
Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ kêu gọi hủy bỏ các lễ hội năm nay, thay vào đó để mọi người tập trung vào chiến dịch khôi phục nền dân chủ.
Bà Suu Kyi nằm trong số 3.141 người bị bắt liên quan đến cuộc đảo chính, theo AAPP.
Những người bị bắt giữ này chủ yếu từ trước ngày 1.2 nhưng cũng có một số người đã bị bắt giam sau đó", phát ngôn viên Bộ Trại giam Myanmar - Kyaw Tun Oo nói với Reuters qua điện thoại.
Khi được hỏi liệu có ai trong số những người được trả tự do có thể đã bị giam giữ liên quan đến các cuộc biểu tình chống lại chế độ quân sự hay không, Kyaw Tun Oo nói rằng ông không có chi tiết về các lệnh ân xá.
Trong khi giải phóng 23.184 tù nhân, quân đội Myanmar cũng đang truy tìm 832 người theo lệnh liên quan đến các cuộc biểu tình, AAPP cho biết. Trong số đó có 200 người, bao gồm cả một số diễn viên, ca sĩ, người mẫu và người nổi tiếng trên mạng xã hội lên tiếng chống lại cuộc đảo chính, bị truy nã với tội danh khuyến khích bất đồng chính kiến trong lực lượng vũ trang. Họ có thể bị phạt tù 3 năm.
Vợ chồng nữ đạo diễn điện ảnh Christina Kyi và nam diễn viên Zenn Kyi đã bị giam giữ tại sân bay ở thành phố Yangon hôm 17.4 khi đang cố gắng lên đường bay đến Bangkok (Thái Lan), trang tin Irrawaddy đưa tin.
Một phát ngôn viên của quân đội đã không trả lời các cuộc gọi tìm kiếm bình luận.
Myanmar đã gặp biến động lớn kể từ cuộc đảo chính, mà quân đội cáo buộc có gian lận trong bầu cử vào tháng 11.2020 mà đảng Liên minh Dân chủ vì Quốc gia (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng, dù ủy ban bầu cử đã bác bỏ điều này.
Chính phủ dân sự bị lật đổ đã nắm quyền trong 5 năm sau gần nửa thế kỷ quân đội kiểm soát chính quyền.
Người dân tức giận trước sự trở lại của chế độ quân sự đã xuống đường yêu cầu khôi phục nền dân chủ, bất chấp các cuộc đàn áp của lực lượng an ninh, trong đó 728 người đã thiệt mạng, theo số liệu mới nhất của AAPP.
Phó chủ tịch của NUG, Duwal Sheila - luật sư người Kachin, nói trong một thông điệp năm mới rằng con đường thay thế chế độ quân sự bằng chế độ dân chủ sẽ rất khó khăn.
Ông nói: “Chúng tôi cam kết tiếp tục làm việc với tất cả dân tộc để lật đổ chế độ độc tài quân sự và thiết lập một nền dân chủ liên bang mới”.
Những người biểu tình đã xuống đường ở thành phố Mandalay thứ hai Myanmar để ủng hộ NUG, truyền thông đưa tin.
Đảo chính đã gây ra các đụng độ giữa quân đội với các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số ở phía bắc và phía đông.
Hãng thông tấn Mizzima đưa tin hôm 17.4, các máy bay chiến đấu của Quân đội Độc lập Kachin đã tấn công một căn cứ không quân ở phía bắc bằng rocket hoặc đạn pháo. Một trong số đó bắn trúng ngôi nhà làng gần đó khiến một người bị thương.
Suu Kyi phải đối mặt với nhiều cáo buộc khác nhau, gồm cả tiết lộ bí mật quốc gia thời thuộc địa có thể khiến bà đi tù 14 năm. Các luật sư của bà Suu Kyi bác bỏ các cáo buộc.