Theo phân tích từ luật sư, hành vi dùng kích điện để đánh bắt giun đất tự phát là hành vi vi phạm pháp luật, “hủy hoại đất”.

Để bảo vệ môi trường, cần ngăn chặn nạn kích điện đánh bắt giun đất

Thu Anh | 24/08/2023, 16:00

Theo phân tích từ luật sư, hành vi dùng kích điện để đánh bắt giun đất tự phát là hành vi vi phạm pháp luật, “hủy hoại đất”.

Ảnh hưởng đến môi trường sinh thái

Theo tìm hiểu của Phóng viên Một Thế Giới, giun đất có tác dụng rất lớn đối với chất lượng đất nông nghiệp và môi trường, có tác dụng bảo vệ đất, làm tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, giun đất có rất nhiều lợi ích cho thực vật và môi trường đất, như làm tơi xốp cho đất, giúp độ giữ nước trong đất tốt hơn…

Tuy nhiên, thời gian qua ở nhiều địa phương xuất hiện tình trạng có người dùng kích điện để đánh bắt giun trái phép, gây ảnh hưởng đến tài nguyên đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sản xuất nông lâm nghiệp, gây bức xúc trong dư luận. Thiết bị sử dụng để kích điện, đánh bắt giun còn có thể gây ra nguy hiểm cho người sử dụng.

Lãnh đạo UBND huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) cho biết các nhà khoa học đã phân tích rằng giun đất có vai trò rất lớn đối với hệ sinh thái trong đất. Nếu dùng kích điện để bắt giun sẽ hủy hoại môi trường, phá vỡ đa dạng sinh học.

Ngày 28.7.2023, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành công văn về việc ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác giun đất trái phép. Trong đó có nhận định trong các năm 2019 - 2020, tình trạng sử dụng hóa chất, kích điện để thu bắt giun đất đã giảm hẳn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng này lại tái diễn, gây bức xúc trong cộng đồng...

giun-dat.jpeg
Tình trạng kích điện đánh bắt giun đất diễn ra ở nhiều nơi - Ảnh: VTC News

Hành vi "hủy hoại đất" sẽ bị xử phạt thế nào?

Vậy có chế tài xử phạt nào cho hành vi này? Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Phóng viên Một Thế Giới, TS-luật sư Đặng Văn Cường cho biết hành vi dùng kích điện để đánh bắt giun đất tự phát như vậy là hành vi vi phạm pháp luật, “hủy hoại đất”. Tùy vào mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà người dùng xung kích điện để đánh bắt giun tự phát làm ảnh hưởng tới sản xuất nông lâm nghiệp có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Luật sư Cường trích dẫn khoản 25, điều 3, Luật Đất đai năm 2013: “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định”… Hành vi hủy hoại đất là hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 1, điều 12, Luật Đất đai năm 2013.

Cụ thể, Điều 12 - Những hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm lấn chiếm, hủy hoại đất đai. Hành vi hủy hoạt đất mang đến những hậu quả tiêu cực cho đất đai, ảnh hưởng tới môi trường sống của sinh vật và cây trồng.

Do đó, theo luật sư, người thực hiện hành vi huỷ hoại đất, làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 150.000.000 đồng theo quy định tại điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Cụ thể, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 hecta; phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 hecta đến dưới 0,1 hecta… Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 1 hecta trở lên.

Ngoài mức xử phạt nêu trên, luật sư cũng cho biết người vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy định tại Luật Đất đai nếu người vi phạm là chủ sử dụng đất.

Cần làm rõ nguồn gốc các loại máy kích điện

Theo tìm hiểu của Phóng viên Một Thế Giới, khi gõ từ khóa “máy kích giun đất” trên Google sẽ cho ra nhiều kết quả khác nhau. Trên sàn thương mại điện tử Shopee cũng bán nhiều loại với mức giá khác nhau, từ vài trăm tới vài triệu đồng.

Theo phân tích từ luật sư Cường, cơ quan chức năng cần làm rõ đơn vị nhập khẩu, bán các loại máy kích điện để bắt giun. Trường hợp có hành vi vi phạm quy định về nhập khẩu, kinh doanh trái phép thì tùy vào tính chất mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với chế tài nghiêm khắc.

Tuy nhiên, luật sư cũng cho rằng việc chứng minh hành vi này dẫn đến hủy hoại đất là không dễ, đòi hỏi cơ quan chức năng phải chứng minh được hậu quả bạc màu, ảnh hưởng đến chất lượng của khu đất, mà hậu quả thì phải có thời gian mới có thể chứng minh được.

“Chính vì vậy, việc tuyên truyền vận động vẫn phải là ưu tiên hàng đầu, đồng thời nếu có căn cứ rõ ràng cho thấy hành vi đã gây ra hậu quả hủy hoại đất thì cần kiên quyết xử lý bằng những chế tài của pháp luật”, luật sư Cường nói.

Trước đó, ngày 18.7.2023, UBND huyện Cao Phong ban hành công văn chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn. Trong đó, chủ tịch UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Ngoài ra, UBND huyện cũng yêu cầu các phòng chức năng nghiên cứu, kiểm tra, làm rõ nguồn gốc xuất xứ của máy kích, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm khi đủ căn cứ…

Trong công văn của UBND tỉnh Hòa Bình cũng chỉ đạo chú trọng giải pháp về nhận diện các hành vi hủy hoại đất, gây ô nhiễm môi trường từ việc thu bắt, sơ chế, sấy giun; các chế tài áp dụng xử lý theo quy định hiện hành.

Bài liên quan
Môi trường không trọng lực ảnh hưởng xấu tới hệ miễn dịch
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa "Frontiers in Immunology" chỉ ra môi trường không trọng lực ngoài vũ trụ làm giảm hoạt động của các gien trong bạch cầu đóng vai trò quan trọng với hệ miễn dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để bảo vệ môi trường, cần ngăn chặn nạn kích điện đánh bắt giun đất